Thi hành án dân sự là công việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người liên quan. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục ý thức pháp luật nói chung và Luật Thi hành án dân sự nói riêng về cơ sở sẽ chuyển biến căn bản nhận thức trong nhân dân. Vì vậy, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, giảm cưỡng chế được Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang và các chi cục thi hành án dân sự huyện, thành phố trong tỉnh luôn xác định là biện pháp trọng tâm.
Công tác tuyên truyền, giáo dục được áp dụng đối với mọi vụ việc, trong suốt quá trình tổ chức thi hành án, đặc biệt tập trung trong thời gian tự nguyện. Để công tác thi hành án đạt được kết quả cao, trong tuyên truyền giáo dục đòi hỏi người chấp hành viên và cán bộ thi hành án phải hiểu rõ nội dung vụ việc, bản án đã tuyên, cần có uy tín, tâm huyết, thực hiện đúng các quy định của luật. Đồng thời, ngoài việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, các chấp hành viên cùng cán bộ của đơn vị phải đến tận nhà tìm hiểu bản thân người phải thi hành án như độ tuổi, giới tính, trình độ, nghề nghiệp, chức vụ, hoàn cảnh gia đình… để có biện pháp tuyên truyền hiệu quả nhất.
Trong những năm qua, Cục thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Đài phát thanh và truyền hình của tỉnh xây dựng chương trình tuyên truyền và phổ biến luật thi hành án và các văn bản hướng dẫn thi hành phát trên đài truyền hình của tỉnh; thu băng ghi âm để phát cho các đài truyền thanh của huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tổ chức tuyên truyền đến mọi người dân và các cơ quan tổ chức về nội dung của luật thi hành án và các văn bản hướng dẫn thi hành trong đó tập trung vào tuyên truyền các quy định về quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án, người được thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp với cơ quan thi hành dân sự trên địa bàn tỉnh về phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là nhiệm vụ của chủ tịch Ủy ban nhân dân các các phường thị trấn trong công tác phối hợp giải quyết các vụ việc thi hành án tại địa phương. Cục thi hành án dân sự qua công tác tổ chức thi hành án đã phát huy sáng kiến và tính chủ động sáng tạo, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, tuyên truyền sâu, rộng Luật Thi hành án dân sự đến với người dân, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân, tạo nếp sống tự quản trong cộng đồng dân cư, từng bước hạn chế mọi hành vi vi phạm pháp luật. Các biện pháp cụ thể như biên soạn tài liệu tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; lập danh sách các đối tượng phải thi hành án gửi về các phường, xã, thị trấn để cấp ủy đảng, chính quyền, tổ dân phố năm bắt kịp thời các đối tượng để vận động, thuyết phục người dân tự giác chấp hành pháp luật. Các chi cục thi hành án dân sự cấp huyện phối hợp với đài truyền thanh của huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn mở các đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Thi hành án dân sự nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác thi hành án dân sự. Đồng thời chấp hành viên phụ trách địa bàn phối hợp với Ủy ban nhân dâ xã, phường, thị trấn chỉ đạo cán bộ, đoàn thể của xã, phường, thị
trấn tuyên truyền, vận động đến các đối tượng phải thi hành án, các đối tượng phải tổ chức cưỡng chế tự nguyện thi hành án và chấp hành, tránh chống đối, gây cản trở cho công tác thi hành án dân sự…
Thi hành án dân sự là hoạt động mang tính thực tiễn, gắn bó chặt chẽ với cơ sở, liên quan trực tiếp đến tài sản của đương sự. Nên mỗi vụ việc khác nhau có cách tuyên truyền, thuyết phục khác nhau giúp những người phải thi hành án tự nguyện thi hành hoặc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự thành công, đồng thời các đương sự có thể thương lượng, thỏa thuận mà không làm mất đi danh dự và uy tín bản thân hoặc các mối quan hệ với xóm làng, anh em, bạn bè …Chính vì vậy, khi tuyên truyền, phổ biết về pháp luật thi hành án dân sự cần lưu ý:
Thứ nhất, xác định rõ đối tượng cần tuyên truyền, thuyết phục (nhân dân, người phải thi hành án, người được thi hành án, gia đình của người phải thi hành…) để có biện pháp tuyên truyền phù hợp;
Thứ hai, công tác phối hợp giữa đơn vị thi hành án dân sự và các ban, ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải chặt chẽ, tạo cơ sở cho công tác tuyên truyền, thuyết phục thi hành án dân sự. Đây vừa huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thi hành án dân sự, đồng thời giúp cơ quan, tổ chức phối hợp tổ chức tốt công tác phổ biến pháp luật thi hành án dân sự cho hội viên, đoàn viên các hội đoàn thể, các ngành, mặt khác tập hợp được đông đảo lực lượng cán bộ và nhân dân tham gia các đợt phổ biến pháp luật.
Thứ ba, Chấp hành viên phải hiểu rõ nội dung vụ việc, bản án đã tuyên, cần có uy tín, tâm huyết, không ngại khó khăn tìm hiểu kỹ hoàn cảnh người phải thi hành án để có thể giải thích và đưa ra cách thức tuyên truyền, thuyết phục phù hợp.
Thứ tư, thực hiện thường xuyên, liên tục và kiên trì, để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thi hành án dân sự có hiệu quả yếu tố này có vai trò quan trọng, chấp hành viên khi tuyên truyền phải thấm nhuần nguyên tắc mưa dầm thấm lâu. Đặc biệt đối với người phải thi hành án dân sự thường có thái độ chống đối, không chịu hợp tác trong thi hành án nên công tác tuyên truyền họ tự nguyện thi hành án hoặc không chống đối trong cưỡng chế thi hành án càng cần thường xuyên, liên tục và bền bỉ. Vì vậy, cơ quan thi hành án phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền thường xuyên, định kỳ hằng tháng và đến từng địa bàn thôn khối phố về pháp luật thi hành án dân sự, giúp người dân nhận thức được quy định về pháp luật thi hành án dân sự (đặc biệt là người phải thi hành án và gia đình họ). Trong quá trình tổ chức tuyên truyền, thuyết phục không được làm qua loa, làm cho xong để có số liệu báo cáo sẽ phản tác dụng.
Thứ năm, đa dạng và tránh lặp lại các hình thức, việc đa dạng hình thức tuyên truyền để tạo sự lôi cuốn của công tác tuyên truyền, tránh sự lặp lại dẫn đến nhàm chán và ít người quan tâm tham dự các buổi tuyên truyền như tuyên truyền qua loa truyền thanh, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật thi hành án dân sự, chấp hành viên cùng với già làng, trưởng bản đến thuyết phục người phải thi hành án và gia đình họ tự nguyện thi hành án... Tùy từng đối tượng khác nhau mà chúng ta áp dụng hình thức khác nhau. Mặt khác, cũng tiến hành áp dụng nhiều hình thức cho một đối tượng để có thể bằng nhiều cách phổ biến pháp luật thi hành án dân sự đến đối tượng đó.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng - thúc đẩy nhanh hoạt động thi hành án, tránh sự chống đối, không hợp tác từ các cơ quan liên quan, người phải
thi hành án và gia đình họ, tạo sự ủng hộ của chính quyền, các cơ quan và người dân đối với hoạt động thi hành án dân sự. Để công tác này thực sự có hiệu quả và giúp nhân dân, đặc biệt là người phải thi hành án và gia đình họ hiểu biết pháp luật thi hành án dân sự từ đó hình thành ý thức tự nguyện thi hành án, ủng hộ công tác thi hành án dân sự thì không chỉ đòi hỏi những chấp hành viên thực sự kiên trì, bền bỉ và hết mình vì công việc mà còn đòi hỏi sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền các cấp và các tổ chức khác tích cực phối hợp trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự.