Tăng cường công tác rà soát, phân loại án

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự ở tỉnh Bắc Giang (Trang 61)

Công tác rà soát, phân loại án có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm việc thi hành án dân sự. Chính vì vậy, Cục thi hành án dân sự và các chi cục thi hành án dân sự của tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên làm tốt công tác rà soát, phân loại án để có biện pháp thi hành đạt hiệu quả và đánh giá đúng thực trạng về công tác thi hành án trên địa bàn. Khi tiến hành công tác rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án cần xác định:

Thứ nhất, luôn sàng lọc án bằng hình thức phân loại theo mức độ và tính chất phức tạp để tính toán các biện pháp, tập trung sự chỉ đạo, tổ chức thi hành án cho từng loại. Từ kết quả sàng lọc để có phương án tối ưu và kịp thời thi hành dứt điểm vụ việc khi đối tượng phát sinh điều kiện thi hành.

Thứ hai, phải sắp xếp theo thứ tự cũ - mới, khó - dễ… để chỉ đạo đôn đốc hay thiết lập hồ sơ cưỡng chế. Kết quả sắp xếp không để lọt, không quên, không sót việc; sắp xếp không được chồng chéo để luôn đáp ứng khi có yêu cầu phát sinh, kể cả phục vụ công tác phối hợp với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong việc tác nghiệp.

Thứ ba, luôn sẵn sàng chỉ đạo nghiệp vụ, chủ động ra quân tổ chức các đợt thi hành án. Tổ chức các biện pháp phối hợp, huy động mọi lực lượng cùng tham gia thi hành án; lấy phương châm " Giáo dục thuyết phục là chính" nhưng cũng sẵn sang tổ chức đi cưỡng chế ngay tức khắc khi thấy cần thiết.

Nhờ tăng cường công tác xác minh, phân loại việc thi hành án mà có biện pháp tổ chức thi hành án thích hợp đối với từng loại việc thi hành án. Cụ thể:

+ Đối với số việc có điều kiện thi hành

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện chỉ đạo rà soát, phân loại kỹ và mở các đợt thi hành án cao điểm nhằm thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành. Đối với những vụ đương sự cố tình chống đối, không tự nguyện thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án, thì cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết nhằm thi hành dứt điểm bản án, quyết định. Bên cạnh đó, xây dựng phương án xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân để tồn nhiều đối với loại việc này.

+ Đối với hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án

Thường xuyên chỉ đạo Chấp hành viên xác minh theo định kỳ. Hàng tháng báo cáo chính xác việc phân loại hồ sơ theo từng loại việc, nhóm tội và từng căn cứ để hoãn thi hành. Phân loại hồ sơ theo đối tượng có đối tượng đang đi tù, không có tài sản; đối tượng không rõ địa chỉ; đối tượng không có tài sản; người được thi hành án đồng ý hoãn; lý do khác (chưa giao tài sản cho người trúng đấu giá, có quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc Tòa án). Phân loại hồ sơ theo tội: ma túy, đánh bạc, tội khác, án về dân sự. Từ đó trong công tác tổ chức thực hiện cần chỉ đạo Chấp hành viên tổ chức xác minh theo định kỳ hồ sơ hoãn đã đến thời điểm xác minh. Rà soát các hồ sơ có đối tượng đủ thời gian xét miễn, giảm thi hành án để phối hợp với công an các trại giam, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn vận động nộp 1/20 số tiền phải thi hành để đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm trong từng đợt cụ thể.

+ Đối với hồ sơ có điều kiện đang thi hành dở dang

Phải xác định rõ tổng số hồ sơ có điều kiện đang thi hành dở dang còn tồn trong tổng số việc, tiền còn tồn đọng tại đơn vị. Cục thi hành và các chi cục thi hành án cấp huyện đã chỉ đạo các Chấp hành viên thi hành án theo đúng trình tự, thủ tục luật định, tăng cường công tác thuyết phục đối tượng phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Tích cực rà soát, xác minh điều kiện thi hành án để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ. Lãnh đạo Cục thi hành án và các Chi cục thi hành án cấp huyện đã kiểm tra, chỉ đạo các Chấp hành viên chủ động phân loại vụ việc để tổ chức thi hành dứt điểm, đồng thời tổ chức xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành, đưa ra biện pháp và thời gian hoàn thành đối với từng vụ việc cụ thể. Trường hợp đương sự cố tình chây ỳ, lẩn trốn việc thi hành án thì thiết lập hồ sơ để cưỡng chế thi hành dứt điểm.

+ Đối với số hoãn do người phải thi hành án phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó quá nhỏ không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện cần tiếp tục rà soát, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan (Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân) để lập hồ sơ xét giảm, xét miễn thi hành án. Đối với những vụ việc chưa đủ điều kiện xét miễn, giảm thì tiếp tục rà soát, theo dõi, xác minh điều kiện thi hành án để ra quyết định tiếp tục thi hành án và tổ chức thi hành án dứt điểm khi điều kiện hoãn không còn.

Trong quá trình xử lý loại việc này, cần chú ý đánh giá và xác định những vụ việc đã lâu chưa tổ chức thi hành được do chưa có điều kiện, nay xác định được không thể có điều kiện thi hành để kiến nghị với các cơ quan

có thẩm quyền biện pháp giải quyết dứt điểm. Đối với những việc này, qua chỉ đạo thực tiễn có thể xác định được trên một số tiêu chí chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, số việc tính từ khi cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đến ngày báo cáo có 5 năm liên tục qua xác minh của cơ quan thi hành án người phải thi hành án không có điều kiện về tài sản để thi hành án;

Thứ hai, người phải thi hành án là đối tượng lang thang, cơ nhỡ, không có mặt tại địa phương, không xác định được nơi cư trú mới của người đó;

Thứ ba, bản án, quyết định có căn cứ xác định là sai sót về nội dung, nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

Thứ tư, bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành, cơ quan thi hành án đã có văn bản đề nghị giải thích nhiều lần nhưng không nhận được trả lời của Tòa án án có thẩm quyền, hoặc việc trả lời không rõ, dẫn tới bản án, quyết định không thể thi hành được; những bản án rõ ràng có sai sót không thể thi hành được hoặc thi hành sẽ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, chính trị địa phương, không được ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tại địa phương mà cơ quan thi hành án đã có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại theo trình tự, thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm nhưng cơ quan có thẩm quyền không xem xét dẫn đến hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật tố tụng;

Thứ năm, việc thi hành án trả vật, nhưng vật phải trả là những vật không có giá trị về tinh thần, vật chất, hoặc những vật đã hư hỏng nặng, báo gọi hợp lệ nhiều lần những người được thi hành án không đến nhận...

+ Đối với số hoãn do được người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn việc thi hành án

Đây là việc thỏa thuận giữa các bên đương sự, do đó việc thi hành án hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người được thi hành án và người phải thi

hành án. Số việc này cơ quan thi hành án phải tôn trọng và không thể tổ chức thi hành cho đến khi hết thời hạn hoãn thi hành án mà hai bên đã thỏa thuận, hoặc người được thi hành án, người phải thi hành án yêu cầu tiếp tục thi hành án. Do đó, Cục thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện phải theo dõi để thi hành ngay khi điều kiện hoãn không còn.

+ Đối với số hoãn do có tranh chấp về tài sản kê biên đang được Tòa án thụ lý, giải quyết

Cục, Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện cần theo dõi sát sao, phối hợp chặt chẽ với Tòa án để tổ chức thi hành ngay sau khi có quyết định của Tòa án. Các cục và Chi cục cần có văn bản đề nghị Tòa án các cấp sớm đưa ra xét xử để cơ quan thi hành án dân sự có căn cứ để thi hành vụ việc.

+ Đối với số chưa thi hành được do án tuyên không rõ, khó thi hành Những vụ việc này cơ quan thi hành án không thể tổ chức thi hành dứt điểm khi chưa có giải thích hoặc đính chính của Tòa án. Do đó, các cơ quan thi hành án dân sự cần bám sát, đôn đốc, nhắc nhở để Tòa án có thẩm quyền giải thích, đính chính theo quy định của pháp luật tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thi hành án dứt điểm.

+ Đối với số chưa thi hành được do tài sản đã kê biên, phải giao nhưng chưa xử lý hoặc chưa giao được

Những việc này bao gồm các trường hợp mà trong đó tòa án mới chuyển giao bản án, quyết định nhưng chưa chuyển giao tài sản, hoặc đã chuyển giao bản án, quyết định và tài sản, nhưng lại chưa chuyển giao đầy đủ các tài liệu có liên quan để cơ quan thi hành án làm căn cứ cho việc xử lý tài sản và những việc cơ quan thi hành án đã kê biên, bán đấu giá để thi hành án, nhưng chưa giao được tài sản, hoặc những tài sản có giá trị quá nhỏ, không còn giá trị phải giao cho người được thi hành án, nhưng người được thi hành án không đến nhận.

Đối với những trường hợp này, cần chỉ đạo Chấp hành viên rà soát để phân loại rõ, những trường hợp nào đã có bản án, quyết định mà Tòa án và các cơ quan hữu quan chưa chuyển giao đủ tài sản hoặc tài liệu, thì sẽ phối hợp để bàn giao đủ. Những trường hợp nào tài sản đã kê biên chưa xử lý, thì Cơ quan thi hành án sẽ chủ động làm các thủ tục định giá, bán đấu giá để thi hành dứt điểm bản án, quyết định. Còn những trường hợp tài sản có giá trị quá nhỏ hoặc không có giá trị, mà đã báo gọi nhưng người được thi hành án không đến nhận, cơ quan thi hành án sẽ làm các thủ tục bán đấu giá hoặc tiêu hủy theo qui định của pháp luật để chấm dứt việc thi hành án.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự ở tỉnh Bắc Giang (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)