Phân biệt hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi xâm phạm

Một phần của tài liệu Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới nhãn hiệu theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 85)

phạm quyền hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

Trên thị trường Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu đang được bày bán công khai ở khắp mọi nơi, nguy cơ này sẽ ngày càng gia tăng khi mà chúng ta mở cửa rộng rãi hơn. Một số doanh nghiệp cố tình sử dụng các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới, các nhãn hiệu đã có uy tín nhằm làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Ví dụ như trường hợp một công ty của Australia đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu McDonald, KFC, PIZZA HUT cho dịch vụ cung cấp thức ăn nhanh của họ. Đơn của công ty này đã bị bác bỏ vì cho rằng việc sử dụng các nhãn hiệu cho sản phẩm cùng loại này sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Một nhãn hiệu sẽ được bảo vệ khỏi các hành vi xâm phạm quyền nếu nhãn hiệu đó đã được cấp văn bằng bảo hộ. Phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu được mở rộng không chỉ gồm sản phẩm có nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu được mô tả trong Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu mà còn có các sản phẩm, dịch vụ tương tự tới mức gây nhầm lẫn. Trên cơ sở sự bảo hộ đó chủ sở hữu có quyền phản đối các chủ thể khác sử dụng nhãn hiệu của mình.Tại khoản 1 điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005 đã đưa ra một số quy định xác định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu:

Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục

đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng” [28].

Hành vi sử dụng nhãn hiệu được xác định là hành vi xâm phạm cụ thể là việc gắn, lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Nghị định 105 quy định về các yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, một dấu hiệu nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu về mặt hình thức: trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ, trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày, một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Về mặt nội dung: hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu

bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ hoặc hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng [5]. Như vậy, nếu một người không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện một trong các hành vi sử dụng một nhãn hiệu đang được pháp luật bảo hộ cho các sản phần trùng hoặc tương tự mà không được phép của chủ sở hữu thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu trừ các trường hợp hạn chế quyền theo quy định của Luật SHTT. Đối với nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì phạm vi bảo hộ còn mở rộng hơn cho các hàng hóa/ dịch vụ không trùng, không tương tự (đã phân tích ở phần trên).

Trên thực tế, trong một vụ việc thì xác định đâu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và đâu là hành vi xâm phạm quyền không phải là điều dễ dàng. Việc xác định đúng hành vi vi phạm là yếu tố quan trọng trong việc xác định Luật áp dụng, cơ quan xử lý và chế tài xử lý vi phạm. Do đó để phân biệt hai hành vi này cần xem xét các yếu tố sau:

Thứ nhất, về căn cứ và đối tượng áp dụng. Hành vi xâm phạm quyền SHCN chịu sự điều chỉnh của riêng Luật SHTT còn hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới nhãn hiệu ngoài sự điều chỉnh của Luật SHTT còn được quy định trong pháp luật cạnh tranh (điều 39, điều 40 Luật Cạnh tranh về hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn; quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại khoản 3 điều 198 Luật SHTT).

Một hành vi bị coi là xâm phạm quyền khi sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đối với nhãn hiệu đã được cấp đăng ký cho các hàng hóa, dịch vụ nằm danh mục hàng hóa được đăng kí bảo hộ, các hàng hóa cùng loại hoặc tương tự. Như vậy, để một hành vi bị xem là xâm phạm nhãn hiệu thì đối tượng của hành vi xâm phạm phải là hàng hóa/ dịch vụ nằm trong phạm vi bảo hộ, thể hiện trong giấy chứng nhận đăng kí bảo hộ. Ví dụ, Công ty Kymdan kinh doanh chuyên kinh doanh mặt hàng đệm, nay đã trở thành nhãn hiệu được ưa chuộng. Trong danh mục đăng ký bảo hộ với Cục SHTT Công ty Kymdan có đăng ký nhãn hiệu Kymdan cho các sản phẩm đệm trong đó: đệm lò xo, đệm không lò so và các sản phẩm tương tự như gối Kymdan, chăn, ga. Công ty A có hành vi sử dụng gắn nhãn hiệu trùng “Kymdan” hoặc tương tự “Kymda”, “Kydam” cho các sản phẩm đệm mút, gối, chăn. Nhãn hiệu được gắn trên các sản phẩm của Công ty A có cùng cấu tạo, cách trình bày, cách phát âm, phiên màu sắc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Hành vi này của Công ty A bị coi là xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, khi chủ sở hữu nhãn hiệu phát hiện ra có người sử dụng nhãn hiệu của mình cho một loại hàng hóa/ dịch vụ không nằm trong danh mục đăng ký bảo hộ cho nhãn hiêu tức là không cùng loại, không tương tự thì có thể áp dụng các quy định tại điều 130 Luật SHTT về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ như sử dụng nhãn hiệu Kymdan cho sản phẩm quạt máy. Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu bị vi phạm là nhãn hiệu nổi tiếng thì dù đó là việc sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng cho những sản phẩm, dịch vụ không cùng loại thì hành vi đó lại là hành vi xâm phạm quyền. Ví dụ: Công ty TNHH Samsung Vina chuyên kinh doanh mặt hàng điện tử, điện lạnh. Trong danh mục đăng ký bảo hộ với Cục SHTT Công ty này có đăng ký Samsung cho các sản phẩm Điện thoại Samsung, tivi Samsung, máy tính Samsung, tủ lạnh Samsung và các sản phẩm

khác thuộc mặt hàng điện tử, điện lạnh. Công ty A có hành vi sử nhãn hiệu trùng Samsung cho các sản phẩm máy xúc, máy cày, đây là các sản phẩm không nằm trong danh mục đăng ký của Công ty Samsung tại cục SHTT. Vì vậy, hành vi này của Công ty A bị coi là xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu Samsung.

Khác với hành vi xâm phạm quyền, yếu tố được sử dụng để gây nhầm lẫn thường là chính nhãn hiệu. Các chủ thể vi phạm thường sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự lên hàng hóa/ dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nên làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn (nói cách khác gọi là mua phải hàng giả, hàng nhái) thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh có mục đích làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, nguồn gốc thương mại, xuất xứ, chất lượng hàng hóa/ dịch vụ. Chủ thể cạnh tranh không lành mạnh đưa ra các chỉ dẫn sai lệch nhằm làm cho người tiêu dùng liên tưởng về mối quan hệ giữa hàng hóa có gắn chỉ dẫn gây nhầm lẫn của chủ thể vi phạm với chủ sở hữu nhãn hiệu. Bởi các nhãn hiệu bị lợi dụng thường là đã có uy tín, tạo được thị trường, có nhiều người biết đến và tin tưởng. Bên cạnh đó hành vi cạnh tranh không lành mạnh đôi khi không chỉ nhằm hướng dẫn sai lệch mà còn nhằm mục đích gây cản trở hoạt động bình thường, hạ thấp uy tín của đối thủ cạnh tranh. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu còn có thêm các trường hợp về quảng cáo gian dối, hạ thấp uy tín đối thủ theo quy định của Luật Cạnh tranh. Do đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh đôi khi vừa vi phạm Luật Cạnh tranh vừa vi phạm Luật SHTT.

Biểu hiện ra bên ngoài của hành vi cũng khác nhau, hành vi xâm phạm quyền chủ yếu là việc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh được biểu hiện ở ba hành vi: hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn, hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm

người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi, đăng ký hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu. Tên miền, như đã đề cập ở phần trên không phải là đối tượng của quyền SHCN, nhưng do mối liên hệ của nó với nhãn hiệu nên được Luật SHTT quy định hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do tên miền không phải là đối tượng của quyền SHCN nên không thể coi hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Đây cũng là điểm khác biệt giữa hành vi xâm phạm quyền và hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu.

Trên đây là các đặc điểm để phân biệt hành vi xâm phạm quyền và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Việc xác định đúng hành vi sẽ giúp cho chủ sở hữu nhãn hiệu bảo vệ nhãn hiệu của mình một cách hữu hiệu nhất, giúp cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng đúng pháp luật và chế tài xử lý vi phạm.

Một phần của tài liệu Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới nhãn hiệu theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)