Xác định phạm vi điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên

Một phần của tài liệu Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới nhãn hiệu theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 37)

liên quan đến nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Cạnh tranh năm 2004

Khi một vụ việc xảy ra, việc xác định áp dụng pháp luật nào Luật Cạnh tranh hay Luật SHTT là rất quan trọng. Trên thực tế không ít trường hợp cơ quan có thẩm quyền lúng túng không biết nên áp dụng luật nào cho đúng. Nếu Luật được áp dụng sai sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau, xử lý hành vi vi phạm trở nên thiếu chính xác và quyền lợi của người bị xâm phạm bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh không được đảm bảo. Do đó, khi đứng trước một sự vụ cần phải xác định rõ hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc phạm vi điều chỉnh theo Luật Cạnh tranh 2004 hay Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Để xác định Luật nào được áp dụng đối với một hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu thì cần phải xem xét các yếu tố về đối tượng của hành vi, chủ thể thực hiện hành vi, ý chí chủ quan của chủ thể.

Luật Sở hữu trí tuệ hướng tới việc bảo hộ các đối tượng tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng mà quyền sở hữu được xác lập một cách rõ ràng, đầy đủ thông qua các thủ tục đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ hoặc các tiến trình pháp lý khác do nhà nước quy định. Sự bảo vệ pháp luật dành cho các đối tượng này do đó cũng là đầy đủ và vững chắc nhất. Đối với nhãn hiệu, để được bảo vệ theo Luật SHTT thì chủ sở hữu nhãn hiệu phải đăng ký tại

Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan trực thuộc Bộ khoa học và công nghệ. Văn bằng bảo hộ được gọi là giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Trong khi đó, pháp luật về cạnh tranh hướng tới bảo vệ các lợi thế cạnh tranh không được bảo hộ thông qua văn bằng như Luật SHTT, chẳng hạn như một nhãn hiệu chưa đăng ký bảo hộ quyền SHCN. Ví dụ: Doanh nghiệp A thực hiện hành vi gắn tên thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu TRUNG NGUYÊN cho mặt hàng cà phê sữa, hành vi này được coi là cạnh tranh không lành mạnh và bị xử lý theo Luật SHTT 2005 do hãng cà phê Trung Nguyên đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ. Cùng hành vi như trên, nhưng giả sử trong trường hợp hãng cà phê Trung Nguyên chưa đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh này sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật cạnh tranh 2004.

Do việc xác lập quyền đối với các đối tượng này không trải qua thủ tục chặt chẽ như đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, nên sự bảo hộ mà pháp luật về cạnh tranh dành cho chủ sở hữu không thể mạnh mẽ bằng các biện pháp bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ. Pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo vệ vị thế chung của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh, do chủ sở hữu nhãn hiệu có độc quyền sử dụng nhãn hiệu, thì pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh bảo vệ chủ sở hữu chống lại một số dạng hành vi nhất định xâm hại đến tài sản trí tuệ.

Các quy định của pháp luật cạnh tranh có phạm vi áp dụng rộng hơn so với pháp luật SHTT, như vậy nó sẽ đóng vai trò bổ sung cho các quy định về SHTT khi một hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật SHTT. Do đó, nếu một nhãn hiệu bị xâm hại mà nhãn hiệu đó không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, thì sẽ không áp dụng các quy định của Luật SHTT trừ khi đó là nhãn hiệu nổi tiếng. Không có bất cứ căn cứ nào viện dẫn tới các quy định của pháp luật SHTT để bảo vệ

quyền lợi của mình. Luật SHTT chỉ bảo vệ các nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ. Lúc này, Luật Cạnh tranh sẽ đóng vai trò bổ sung để bảo vệ doanh nghiệp chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ phía đối thủ cạnh tranh, các chủ thể có hành vi xấu. Chủ thể bị vi phạm sẽ phải chứng minh được là có hành vi cạnh tranh không lành mạnh với lỗi cố ý từ phía đối thủ cạnh tranh.

Khi một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ mà bị xâm phạm thì có thể viện dẫn điều 130 Luật SHTT 2005 để xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh và áp dụng các quy định về bảo vệ quyền SHTT để tự bảo vệ mình bằng cách áp dụng các biện pháp công nghệ ngân ngừa hành vi xâm phạm, yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và đòi bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc kiện ra Tòa án. Tuy nhiên nếu trong cùng một vụ việc liệu hành vi của bên vi phạm có thể đồng thời thoả mãn các yếu tố cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu theo cả Luật SHTT và Luật Cạnh tranh không? và liệu một chủ thể có thể đồng thời kiện một cách độc lập hành vi nói trên theo cả Luật SHTT và Luật Cạnh tranh hay không ? Các quy định tại điều 40 Luật Cạnh tranh 2004 dường như lại được khẳng định lại tại điều 130 Luật SHTT, do đó có thể coi một hành vi vừa là cạnh tranh không lành mạnh quyền SHCN đối với nhãn hiệu vừa là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh. Ví dụ, trường hợp của Công ty Cổ phần Cao su Sài Gòn – Kymdan: trên thị trường hiện nay có rất nhiều cửa hàng treo biển “bán đệm Kyndan”. Công ty Kymdan đã đăng ký bảo hộ với chữ Kymdan cho tên sản phẩm và thương hiệu của công ty. Hành vi nói trên của các của hành vừa vi phạm Luật cạnh tranh vừa vi phạm Luật SHTT, cụ thể: hành vi này thể hiện rõ là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh với nhãn hiệu “Kymdan” do vậy nó vi phạm Luật cạnh tranh, hành vi nói trên cũng thỏa mãn yếu tố là hành vi cạnh tranh không lành mạnh vi phạm

quyền SHCN đối với nhãn hiệu ở chỗ các chủ cửa hàng đã gắn chỉ dẫn thương mại là nhãn hiệu tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Kymdan” đã được đăng ký bảo hộ lên phương tiện quảng cáo nhằm làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, quy định này không phải là giải pháp được thừa nhận rộng rãi trong các nước phát triển, đây có thể coi là một sự bổ sung chứ không phải sự chồng chéo và chủ thể có thể và phải lựa chọn sử dụng một trong hai phương thức kiện theo cách thức nào có lợi hơn.

Bên cạnh trường hợp cùng một hành vi có thể đồng thời vừa vi phạm Luật SHTT vừa vi phạm Luật Cạnh tranh thì còn có trường hợp trong cùng một sự việc chủ thể đồng thời thực hiện cả hai hành vi, một hành vi vi phạm quyền SHTT và một hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, nói cách khác hai hành vi trong cùng một vụ việc độc lập với nhau và mỗi hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của từng loại pháp luật khác nhau. Ví dụ, Doanh nghiệp A có đăng biển quảng cáo “rẻ hơn BITI‟S”, ở góc bên phải biển có in logo của Biti‟s và khẩu hiểu kinh doanh “nâng niu bàn chân việt”. Như vậy, trong cùng một vụ việc chủ thể vi phạm đã cùng lúc thực hiện hai hành vi, hành vi thứ nhất vi phạm pháp luật cạnh tranh đó là việc quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh với thông tin so sánh trực tiếp “rẻ hơn BITI‟S” theo điều 45 Luật cạnh tranh 2004 [27]; hành vi thứ hai vi phạm Luật sở hữu trí tuệ là hành vi in logo của Biti‟s và khẩu hiểu kinh doanh “nâng niu bàn chân việt” trùng với logo, khẩu hiệu của hãng BITI‟S, đây là hành vi gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu BITI‟S đã được đăng ký bảo hộ [28]. Vấn đề được đặt ra ở đây là nếu xảy ra trường hợp như trên, sẽ có hai Luật cùng được áp dụng mà theo mỗi Luật thì mỗi hành vi đó lại thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan có thẩm quyền khác nhau thì có cần phải tách biệt ra để xử lý từng hành vi theo từng Luật khác nhau và cơ quan giải quyết khác nhau hay không?.

Khi xem xét yếu tố chủ thể thực hiện hành vi thì có thể dựa vào đặc điểm của hành vi cạnh tranh mà khẳng định là các chủ thể thông thường phải ở trong vị thế “cạnh tranh” với nhau. Cụ thể, chỉ có thể kết luận về hành vi cạnh tranh không lành mạnh nếu các chủ thể có hành vi bị cấm đối với đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan, bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan theo điều 3 khoản 1 Luật Cạnh tranh. Trong khi đó, có thể kết luận hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu theo Luật SHTT với bất kỳ chủ thể nào vi phạm độc quyền của chủ sở hữu đã được pháp luật quy định. Ví dụ: một doanh nghiệp A chuyên sản xuất mắm tép có trụ sở tại Kiên Giang đã gắn nhãn hiệu và logo tương tự với doanh nghiệp B chuyên sản xuất mắm tôm có trụ sở tại Hải Phòng lên biển quảng cáo của mình, doanh nghiệp B đã đăng ký bảo hộ quyền SHCN đối với nhãn hiệu đó. Hai doanh nghiệp này không có quan hệ cạnh tranh với nhau trên thị trường địa lý liên quan (do ở quá xa nhau), thì chủ nhãn hiệu vẫn hoàn toàn có thể kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật SHTT nhưng sẽ khó kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật cạnh tranh.

Xét đến ý chí chủ quan của chủ thể thực hiện hành vi, thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi có lỗi cố ý được pháp luật hiện hành cũng như pháp luật các nước ghi nhận. Điều 40 của Luật cạnh tranh chỉ rõ hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn phải “nhằm mục đích cạnh tranh”, do đó không thể nói tới cạnh tranh không lành mạnh khi mà người chủ thể không biết mình đang thực hành vi bị cấm. Hành vi của chủ thể được coi là vi phạm Luật Cạnh tranh phải thỏa mãn “yếu tố lỗi”. Để thỏa mãn yêu cầu về một hành vi được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật SHTT, “lỗi” cũng phải là yếu tố bắt buộc. Vì mục đích chính của quy định này là xử lý các chủ thể có dụng ý xấu, có mục đích cạnh tranh rõ ràng, chủ thể biết về đối thủ cạnh tranh mà cố ý tìm cách ăn theo, lợi dụng thành quả của đối thủ cạnh tranh để trục lợi.

Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp một chủ thể thực hiện hành vi tương tự nhưng không có mục đích cố ý cạnh tranh, chủ thể thực hiện hành vi một cách vô ý (chủ thể vi phạm không biết tới sự tồn tại của nhãn hiệu mà mình đã xâm phạm) thì sẽ được gọi là hành vi gì và bị xử lý như thế nào. Nếu hành vi vô ý đó có gây thiệt hại thực tế thì sẽ phải bồi thường thiệt hại như ra sao. Các quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005 về hành vi cạnh tranh không lành mạnh không nhắc đến yếu tố lỗi vô ý, do đó cần phải quy định rõ ràng về vấn đề này để hiểu đúng và thực tế áp dụng pháp luật được thống nhất.

Các vụ việc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền SHTT trên thế giới thông thường được đưa ra trước toà án. Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc về cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh là Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Thương mại theo quy định tại điều 49, khoản 2 Luật cạnh tranh 2004 và các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT như cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra về SHCN. Đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được xác định thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh sẽ do các cơ quan nói trên giải quyết. Còn đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được xác định thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật SHTT, thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết và áp dụng chế tài theo quy định tại điều 198 khoản 3 Luật SHTT.

Chủ thể kiện hành vi vi phạm theo Luật Cạnh tranh đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể là bất kỳ ai tham gia vào hoạt động cạnh tranh và bị thiệt hại về hành vi cạnh tranh không lành mạnh dù đó là tổ chức, cá nhân kinh doanh hay hiệp hội nghành nghề theo điều 2 Luật cạnh tranh. Chủ thể kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật SHTT thường dành cho chủ thể của quyền SHTT tức chủ sở hữu được cấp văn bằng bảo hộ, người được thừa kế quyền SHTT, bên đại lý, bên nhận Li – xăng, ...

Sự bảo hộ của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh không mang tính liên tục đối với một nhãn hiệu, mà chỉ phát sinh khi xuất hiện tranh chấp. Ngược lại Luật SHTT có cơ chế bảo hộ liên tục đối với các nhãn hiệu nói chung và các đối tượng của quyền SHCN nói riêng đã được cấp văn bằng bảo hộ. Vì vậy, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong nhiều trường hợp được coi là là công cụ bổ trợ cho việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Một phần của tài liệu Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới nhãn hiệu theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)