Do nỗ lực chung của cả hai bên quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc - EU đã bước vào giai đoạn phát triển chín muồi và ổn định, với các đặc điểm sau:
- Quan hệ thương mại Trung Quốc – EU hình thành và phát triển được xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của cả hai bên. EU coi trọng vai trò và vị trí của Trung Quốc trong khu vực Châu Á, trong quan hệ hợp tác Á - Âu, tại các diễn đàn quốc tế. Trung Quốc là một đối tác có nhiều tiềm năng về kinh tế, thương mại, đầu tư trong tương lai; có thể cung cấp nguyên liệu, nhân công lao động rẻ, thị trường tiêu thụ hàng hóa, công nghệ với sức mua đang tăng lên và là “cửa ngõ” quan trọng của khu vực thị trường châu Á. Về phần mình, Trung Quốc mong muốn có một vị trí đáng kể trên thị trường EU rộng lớn và sẽ được mở rộng trong tương lai nhằm phát triển và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế; và đây cũng sẽ là địa chỉ cung cấp công nghệ nguồn hữu hiệu cho Trung Quốc đang cần trong quá trình CNH, HĐH đất nước thông qua các hình thức khác nhau: trao đổi hàng hóa, viện trợ, cho vay, FDI...
Dẫn dần từng bước, quan hệ kinh tế giữa hai bên đã bước sang một thời kỳ mới, Trung Quốc và EU là đối tác tin cậy của nhau, phát triển một cách toàn diện nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích, cho sự phát triển lâu dài và bền vững của cả hai bên.
- Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc – EU được phát triển dựa trên nền tảng quan hệ truyền thống của Trung Quốc với các nước thành viên riêng
lẻ. Tuy nhiên, EU là một Liên minh đang phát triển mở rộng và hướng tới những thể chế hợp tác chặt chẽ hơn không những trong kinh tế, mà cả về chính trị và an ninh quốc phòng. Các thể chế của EU ngày càng chặt chẽ và ràng buộc các nước thành viên. EU thực hiện một ý tưởng “thống nhất trong đa dạng” nhằm phát triển kinh tế – xã hội của từng nước và toàn khu vực. Do vậy, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và EU cũng mang tính tương đối ổn định.
- Quan hệ thương mại Trung Quốc – EU có một giá trị lịch sử đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Việc phát triển quan hệ kinh tế với EU vào cuối những năm 70 và đầu 90 của thế kỷ 20, được coi là “lời giải” để phá vỡ thế bao vây cấm vận và bị cô lập của nền kinh tế Trung Quốc. Ngày nay, mối quan hệ kinh tế này là một bước tiến quan trọng trong quá trình chủ động hội nhập và phát triển kinh tế của Trung Quốc với thế giới. EU đã là một trong những đối tác có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đàm phán của Trung Quốc để trở thành thành viên của WTO.
- Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và EU là mối quan hệ giữa một nước đang phát triển với một khối liên minh đa quốc gia phát triển, là đặc trưng của mối quan hệ Bắc-Nam. Điểm xuất phát của Trung Quốc tương đối thấp: sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, có nhiều hạn chế về cơ chế quản lý cũng như hệ thống luật pháp; nguồn vốn đầu tư khan hiếm, nên rất khó khăn cho việc đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến; nền ngoại thương kém phát triển với quy mô xuất khẩu nhỏ, chủng loại hàng hóa xuất khẩu không phong phú và đa dạng; trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu thì sản phẩm thô, nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao, sản phẩm chứa hàm lượng công nghệ chiếm tỷ trọng thấp. Trong khi đó, EU là khối các nước phát triển và có đến bốn nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới; là nơi cung cấp các thiết bị, công nghệ nguồn; là
một trong ba trung tâm kinh tế, thương mại lớn của thế giới với nền ngoại thương phát triển.
- Quan hệ thương mại Trung Quốc – EU cũng bị tác động với những định hướng chính sách chung của EU trong từng thời kỳ, tạo ra tính hạn chế, giảm tính hiệu quả trong phát triển quan hệ kinh tế giữa hai bên. Chính sách thương mại - đầu tư của EU chủ yếu nhằm vào các thị trường truyền thống có tính chiến lược là châu Âu, châu Mỹ và châu Phi - Địa Trung Hải. Với các nước Châu Á, trong đó có Trung Quốc, chính sách thương mại của EU mới hình thành rõ nét gần đây và đang trong quá trình khai thác và phát triển. Ngoài ra, còn do tác động từ những yếu tố khác như chính sách “hướng nội” của EU, vị trí địa lý, thói quen buôn bán, trình độ phát triển của Trung Quốc, sự suy giảm về kinh tế của các nước EU, chính sách “Hướng về Châu Á” của EU mới được bắt đầu thì Châu Á lại rơi vào khủng hoảng, làm giảm mức buôn bán và đầu tư của khu vực này...
Tóm lại, bên cạnh những nét chung của quan hệ thương mại thì mối quan hệ Trung Quốc – EU còn có những nét riêng biệt xuất phát từ nội lực của từng bên. Nắm bắt được những nét riêng biệt này để có các chính sách thích hợp thúc đẩy quan hệ giữa hai bên một cách hiệu quả.