Quan hệ thương mại Việt Nam – EU và triển vọng

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) và tác động của nó đến Việt Nam (Trang 79)

Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với EU từ ngày 28/11/1990. Nhưng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên thực sự phát triển mạnh khi hai bên ký kết Hiệp định khung hợp tác Việt Nam – EU ngày 17/07/1995. Quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị giữa hai bên đã có nhiều bước tiến đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, cả hai bên đều thu được những kết quả to lớn, góp phần củng cố thêm mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam – EU vốn đã có từ lâu.

Trong quan hệ giữa Việt Nam – EU, các quan hệ hợp tác song phương với các thành viên của EU mang tính quyết định. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đang có sức hấp dẫn với các đối tác EU, đặc biệt là chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam – EU đang phát triển rất khả quan. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên tăng. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu hai bên

bổ sung nhau. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU gồm: dệt may, giày dép, thuỷ sản, ca phê, thủ công mỹ nghệ....và nhập khẩu từ EU những mặt hàng: máy móc, thiết bị công nghiệp, hoá chất, tân dược, thực phẩm chế biến...Việt Nam – EU đã dành cho nhau chế độ đãi ngộ tối huệ quốc (MFN), và Uỷ ban châu Âu (EC) cam kết dành cho hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam chế độ ưu đãi phổ cập (GSP), gia hạn và tăng hạn ngạch nhập khẩu cho hàng dệt may Việt Nam. Vào tháng 5/2000, EC đã chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Mặc dù, cả hai phía đã có những nỗ lực nhất định nhưng FDI của các nhà đầu tư EU vào Việt Nam không ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Trong quan hệ thương mại, Việt Nam được EU xem là thị trường lớn với hơn 80 triệu dân có nhiều tiềm năng. Hiện nay, tất cả 25 nước thành viên của EU đều có quan hệ buôn bán với Việt Nam, trong đó Pháp, Đức, Anh và Hà Lan là những bạn hàng lớn nhất. Từ năm 1995 đến nay, kim ngạch buôn bán giữa hai bên đã tăng liên tục và ổn định. Về lâu dài, EU sẽ là bạn hàng quan trọng củaViệt Nam cả trong lĩnh vực xuất và nhập khẩu và có rất nhiều tiềm năng để khai thác.

Với cơ cấu kinh tế hoàn toàn bổ sung cho nhau, môi trường quốc tế thuận lợi, xu thế tự do hoá thương mại, khu vực hoá và toàn cầu hoá, xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển, cùng với sự nỗ lực không ngừng, quan hệ thương mại Việt Nam – EU sẽ có chuyển biến vượt bậc trong thế kỷ XXI. Quy mô xuất nhập khẩu sẽ mở rộng tương ứng với tiềm năng của kinh tế Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu của EU. Thị trường EU có thể chiếm 25% - 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2005 – 2010. EU sẽ trở thành thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam vào năm 2010.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) và tác động của nó đến Việt Nam (Trang 79)