Tăng cường xúc tiến thương mại củaViệt Nam đối với EU

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) và tác động của nó đến Việt Nam (Trang 96)

Như trên đã phân tích, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang EU là rất lớn, các mặt hàng nhập khẩu của EU phần lớn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là những mặt hàng mà Việt Nam có tiềm năng. Thế nhưng, cho đến nay hàng Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm thị phần rất nhỏ và chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường này. Ngoài những hạn chế về chất lượng sản phẩm, còn một lý do quan trọng gây ra hiện tượng này là do cả hai phía đối tác Việt Nam và EU đều thiếu hiểu biết một cách đầy đủ và có hệ thống về thị trường của nhau. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong quan hệ kinh tế, nhất là đối với Việt Nam – một đối tác còn quá non nớt về trình độ và kinh nghiệm trước một thị trường khó tính với những kênh phân phối rất phức tạp như EU. Vì vậy, vịêc tăng cường xúc tiến thương mại với EU là hết sức cần thiết.

Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh sẽ giúp cho các doanh nghiệp của cả hai bên có những cơ hội thuận lợi trao đổi buôn bán và đặc biệt là sẽ tạo ra được chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU. Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, cần thiết phải có một sự hỗ trợ và phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng của Nhà nước với các doanh nghiệp.

Về phía Nhà nước nên thực hiện các hoạt động sau:

- Tăng cường quan hệ với ủy ban Châu Âu nhằm thúc đẩy các mối quan hệ song phương và đa phương với EU. Nâng cao vai trò của các tổ chức xúc tiến thương mại (như cục xúc tiến thương mại, các trung tâm xúc tiến thương mại thuộc các Sở thương mại ... ) với nhiệm vụ trọng tâm là người hướng dẫn, bảo trợ các hoạt động của doanh nghiệp, thông qua việc đàm phán và mở thị trường, cung cấp thông tin định hướng về tình hình kinh tế, dự báo các xu hướng phát triển thị trường của EU cho các doanh nghiệp. Thiết lập và duy trì một kênh thông tin thường xuyên, nhanh chóng và hiệu quả với các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp nhằm thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin cần thiết về thương mại và thị trường EU; trong đó cần chú trọng tăng cường cung cấp các thông tin về kinh tế, định hướng chính sách và các dự án đầu tư của Nhà nước đối với thị trường EU, các thông tin về chế độ (GSP) cũng như công tác dự báo để định hướng cho hoạth động sản xuất, xuất khẩu. Xác định những loại sản phẩm tiêu dùng thông thường mà Việt Nam có thể sản xuất với giá cả cạnh tranh để cung ứng cho thị trường EU.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, hội chợ nhằm khuếch trương các hoạt động kinh doanh thương mại, các mặt hàng của Việt Nam, tạo ra môi trường tiếp xúc thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam và EU.

- Nâng cao vai trò của Nhà nước trong các hoạt động như: tiến hành đàm phán thương mại song phương với ủy ban Châu Âu và với các nước trong EU để tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp, trong đó có đàm phán mở rộng thị trường trong EU như thị trường Ailen, Bồ Đào Nha, Lúcxămbua và các thị trường mới gia nhập EU, hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên trong khối ASEAN để cùng tìm hiểu và khai thác Quy chế xuất xứ hàng hóa do EU đề ra đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này...; đàm phán để thống nhất hóa các tiêu chuẩn vệ sinh, tiêu chuẩn kỹ thuật và đàm phán để nới lỏng các hảng rào phi thuế quan, tăng hạn ngạch...

- Hợp tác tốt với EU trong việc chống gian lận thương mại nhằm góp phần duy trì và nâng cao vị trí, uy tín của hàng và đối tác Việt Nam.

- Với mục tiêu là nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU nói riêng cũng như trên thị trường quốc tế nói chung thì việc hiện đại hóa công nghệ sản xuất và chế biến đang là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Do vậy, Chính phủ cần có những chính sách rõ ràng và cụ thể đối với việc nhập khẩu công nghệ hiện đại từ EU cũng như việc khuyến khích các công ty EU đầu tư và tham gia vào quá trình sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam với các hình thức như liên doanh hoặc 100% vốn, tăng cường xuất khẩu sản phẩm thông qua các công ty liên doanh của Việt Nam ở nước ngoài... Có những hình thức khen thưởng, hỗ trợ kịp thời thỏa đáng hoặc xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu sang thị trường EU đối với các vấn để về chất lượng sản phẩm hàng hóa, khối lượng và chủng loại hàng xuất khẩu sang thị trường EU.

- Quy hoạch và kiện toàn lại hệ thống cơ quan làm công tác xúc tiến thương mại với EU. Hệ thống xúc tiến thương mại bao gồm:

+ Các cơ quan Chính phủ, đó là các cơ quan quản lý và các cơ quan ngành và các đơn vị, tổ chức tư nhân.

+ Các cơ quan bán Chính phủ, gồm các liên minh, các tổ chức kinh tế... - Điểm yếu của tổ chức xúc tiến thương mại trong cơ cấu cấp bậc của Nhà nước mà chúng ta cần lưu ý là sự thiếu rõ ràng về vai trò của nó. Sự không rõ ràng này gây ra nhiều khó khăn cho các tổ chức khác và làm giảm khả năng gây ảnh hưởng của tổ chức này đối với các cơ quan khác của Chính phủ. Kết quả là các khuyến nghị mà tổ chức này đưa ra hiếm khi được tiếp thu nghiêm túc, góp phần gây ra những hạn chế nhất định đối với những người thực hiện công việc của tổ chức xúc tiến thương mại.

- Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ thương mại, chuyên gia về xuất nhập khẩu, về khu vực thị trường EU. Một trong những khâu yếu kém, trợ lực lớn đối với các hoạt động xúc tiến thương mại với EU là chúng ta thiếu cả về chất lượng và số lượng một đội ngũ cán bộ, chuyên gia về thị trường EU. Đặc biệt là thiếu nghiêm trọng những người hoạch định chính sách, am hiểu tận tường luật pháp và thông lệ, tập quán buôn bán kinh doanh trên thị trường EU. Thiếu những người tinh thông nghiệp vụ và dầy dạn kinh nghiệm kinh doanh xuất nhập khẩu ở thị trường EU khó tính này, nơi ngày càng có nhiều tiềm năng mà Việt Nam cần xâm nhập, ổn định và mở rộng. Thiếu những cán bộ thương mại thành thạo ngoại ngữ, thuần thục tác phong làm việc với các phương tiện kỹ thuật hiện đại mà EU đang áp dụng.

Vì vậy, để các hoạt động thương mại với thị trường EU đạt được hiệu quả và phát triển. Chính phủ, Bộ Thương mại cần xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ thương mại để có những chuyên gia có bản lĩnh chính trị, có kiến thức xuất nhập khẩu trong cơ chế thị trường, thông hiểu các mặt hàng kinh doanh của các doanh nghiệp EU nhằm tiếp cận và mở rộng thị trường trong các nước EU.

Ngoài sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động, tích cực trong việc mở rộng và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường EU bằng các biên pháp như: Chủ động tìm kiếm đối tác, chào hàng thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm được tổ chực ở EU hoặc Việt Nam; tìm hiểu và nghiên cứu thị trường EU thông qua phòng thương mại EU tại Việt Nam hay tại Cục xúc tiến thương mại Bộ đầu tư.... đồng thời phải luôn tìm cách nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng EU và duy trì, củng cố uy tín của hàng hóa Việt Nam đối với người tiêu dùng EU bằng chất lượng sản phẩm, giá thành...

Cùng với việc tăng cường xúc tiến xuất khẩu sang EU, việc tiến hành liên doanh liên kết với các công ty lớn có uy tín trên thị trường EU (dưới hình thức sử dụng giấy phép, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương phẩm ...) hay con đường đầu tư trực tiếp sang EU cũng tạo ra những cơ hội để hàng Việt Nam đến được thị trường EU.

Tóm lại, để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác toàn diện với EU, trước hết Việt Nam phải ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng sự hấp dẫn của môi trường thương mại, đầu tư. Có các biện pháp thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng xuất khẩu, xúc tiến hoạt động thương mại với EU... Tuy nhiên, những điều đó suy cho đến cùng là do con người thực hiện, bởi vậy, khâu then chốt quan trọng nhất là đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ ngang tầm với những yêu cầu cần thiết.

KẾT LUẬN

Cùng với quá trình cải cách do Đặng Tiểu Bình đề xướng đã tạo ra những bước ngoặt lớn trong tình hình kinh tế chính trị – xã hội của Trung Quốc, quan điểm đánh giá của Trung Quốc về EU có những thay đổi đáng kể. EU là một cộng đồng thương mại lớn nhất trên thế giới và thị trường thống nhất của EU là một thị trường mạnh nhất toàn cầu và trong tương lai ắt hẳn sẽ là điểm đích quan trọng nhất cho ngành xuất khẩu đang mở rộng của Trung Quốc. Hơn nữa, vì các chính sách nhập khẩu và quy chế thị trường đối với những nhà cung cấp nước ngoài là những khu vực chính trị chính yếu đặt dười quyền quyết định của EU và các nước thành viên riêng rẽ không được tự ý quyết định, nên Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt tới việc duy trì sự hoà hợp ổn định với EU cũng như với các nước thành viên chủ chốt nhất.

Còn đứng theo quan điểm của EU, vị trí của Trung Quốc đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, đặc biệt sau khi Trung Quốc chính thức được gia nhập WTO. Xuất phát từ lợi ích thiết thân của mình là nâng cao

quyền kiểm soát thị trường, đặc biệt là thị trường đang được coi là sôi động nhất hiện nay – thị trường Châu Á, việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Trung Quốc – một tâm điểm của Châu Á là một chiến lược mà EU nhất định phải thực thi.

Sau xác định mục tiêu là hợp tác lâu dài, cả Trung Quốc và EU cần nỗ lực thực hiện các biện pháp tăng cường quan hệ thương mại. Tuy nhiên để thực hiện các biện pháp này là một quá trình kéo dài dựa trên hàng loạt các cuộc đối thoại tích cực của hai bên.

Do sự gần gũi về địa lý, văn hoá và việc cùng lựa chọn con đường phát triển là tiến lên Chủ nghĩa xã hội nên đã tạo dựng nên cho Trung Quốc và Việt Nam những đặc điểm kinh tế tương đồng. Trong quan hệ kinh tế quốc tế, cũng như Trung Quốc, Việt Nam cũng xác định EU là một trong những đối tác quan trọng nhất. Tuy rằng, chưa có cơ hội nghiên cứu trực tiếp mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam – EU, nhưng bằng việc phân tích mối quan hệ Trung Quốc – EU, tôi hy vọng rằng đây có thể là những tham khảo có ý nghĩa nhất định để xây dựng một nền tảng cho các chiến lược của Việt Nam trong quan hệ thương mại với EU.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) và tác động của nó đến Việt Nam (Trang 96)