Phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) và tác động của nó đến Việt Nam (Trang 93)

Cùng với yêu cầu về sự phát triển của công nghệ thông tin, nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ đang là yêu cầu bức thiết của Việt Nam trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Việt Nam tuy là nước có tỷ lệ người biết chữ cao so với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng kiến thức về quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô đang có sự hụt hẫng và có độ chênh lệch lớn so với ngay cả các nước trong khu vực. Chính sự yếu kém này đã đẩy Việt Nam vào tình trạng bất lợi trong các cuộc đàm phán, ký kết các hợp đồng kinh tế với các đối tác giàu kinh nghiệm như EU. Cũng do rất thiếu cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao, nên sản xuất hàng hoá của Việt Nam chất lượng kém, không đồng đều, kiểu dáng đơn điệu và thiếu sáng tạo, khả năng cạnh tranh quốc tế hàng hoá thấp. Thiếu những nhà hoạch định chính sách và những nhà quản lý có trình độ, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI,ODA…), thu hút được nguồn công nghệ tiên tiến. Đó thực sự là một trở ngại lớn cho Việt Nam khi tham gia vào AFTA, APEC và sắp tới là WTO.

Để khắc phục được tình trạng này đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ giữa các chính sách của Nhà nước và các doanh nghiệp. Cụ thể:

Về phía Nhà nước

Nhà nước cần chú trọng tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về việc hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại cho cán bộ lãnh đạo và chuyên viên của các công ty có tham gia vào mậu dịch quốc tế. Cần có chính sách và chế độ bồi dưỡng, đào tạo lại và tuyển chọn lại cán bộ thương mại một cách chặt chẽ và nghiêm túc cả về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ.

Hàng năm, Nhà nước nên cử cán bộ sang học tập, nghiên cứu tại EU. Mặc dù trong giao dịch quốc tế hiện nay, tiếng Anh được sử dụng khá phổ biến, nhưng chúng ta vẫn cần nhiều cán bộ thương mại giỏi cả tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha… và am hiểu về văn hoá của từng dân tộc. Có làm như vậy mới tạo thuận lợi cho Việt Nam trong đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu, hợp tác kinh doanh, liên doanh với bạn hàng EU, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU phát triển không ngừng.

Bên cạnh việc nâng cao trình độ của cán bộ thương mại, Nhà nước cần tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật cho các cán bộ kỹ thuật. Việt Nam thiếu cán bộ kỹ thuật giỏi một cách trầm trọng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật lại có trình độ không đồng đều, tiếp thu công nghệ mới còn chậm. Trong số này chỉ có một số cán bộ được đào tạo tại nước ngoài có tay nghề cao. Nhiều cán bộ được đào tạo ở trong những cũng rất có triển vọng phát triển cần được đào tạo nâng cao để phục vụ cho tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Những cán bộ kỹ thuật có trình độ kỹ thuật yếu kém, cần được đào tạo lại để Việt Nam có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi và có trình độ đồng đều.

Cán bộ kỹ thuật là yếu tố quan trọng của quá trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tốt thị hiếu của người tiêu dùng, thoả mãn các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường của EU. Đồng thời, muốn đưa những sản phẩm này đến với người tiêu dùng EU thì cần phải có đội ngũ cán bộ thương mại giỏi. Vì vậy, có thể khẳng định rằng nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật và cán bộ thương mại là một nhân tố góp phần không nhỏ trong việc tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường EU.

Nhà nước cũng cần tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo nhằm nâng cao kiến thức kinh doanh và trình độ quản lý cho các nhà quản lý và chỉ đạo kinh doanh của các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng sang EU. Mở các khoá thuyết trình giới thiệu các thông tin mới nhất về chế độ, chính sách, thể lệ liên quan đến kinh doanh thương mại cũng như các hướng dẫn về nghiệp vụ như: marketing, vận tải, bao bì hàng hoá, bảo hiểm xuất khẩu, kỹ thuật đàm phán. Tổ chức các hội nghị, hội thảo với Liên hiệp châu Âu để trao đổi và học tập kinh nghiệm với giới kinh doanh của họ.

Về phía các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp phải chú trọng công tác đào tạo để nâng cao năng lực cán bộ vì họ là nhân tố quan trọng và không thể thiếu trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường EU. Các doanh nghiệp phải luôn luôn nâng cao trình độ cán bộ, phát huy tính năng động, nhạy bén, ham học hỏi... Từng doanh nghiệp phải dành một khoản kinh phí nhất định cho hoạt động này và phải biết tận dụng các chương trình đào tạo của Chính phủ để cử cán bộ của mình tham gia. Các doanh nghiệp phải quan tâm đào tạo cả cán bộ quản lý và cán bộ thương mại, không những đào tạo lại những cán bộ đã qua đào tạo nhưng trình độ còn hạn chế mà phải đào tạo chuyên sâu cho những cán bộ trẻ có năng lực để có một đội ngũ giỏi. Đối với cán bộ thương

mại, các doanh nghiệp không chỉ chú trọng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải nâng cao trình độ ngoại ngữ, vì kém ngoại ngữ rất khó thành công trong đàm phán và thường bị ở thế bất lợi trong giao dịch kinh doanh.

Các doanh nghiệp phải thường xuyên (có định kỳ cụ thể) kiểm tra trình độ cán bộ của mình để có phương hướng đào tạo thích hợp: Đối với những cán bộ năng lực còn kém thì đào tạo lại, với những cán bộ trẻ có năng lực thì đào tạo chuyên sâu v.v... Ngoài việc tự lo kinh phí đào tạo, các doanh nghiệp cần tăng cường xin hỗ trợ từ Chính phủ và sự tài trợ từ các tổ chức quốc tế và khu vực.

Làm được tất cả những điều này, chúng ta sẽ có cơ sở để tin tưởng rằng trong tương lai không xa nguồn nhân lực Việt Nam – với trí thông minh sẵn có – sẽ thích ứng kịp với sự phát triển như vũ bão của xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, góp phần không nhỏ vào việc mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế với EU.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) và tác động của nó đến Việt Nam (Trang 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)