6. Nguyên tắc tranh luận (hiện chưa được quy định trong BLTTDS)
3.1.1.2. Những tồn tại, hạn chế của pháp luật và thực tiễn áp dụng
Bên cạnh những mặt đã đạt được trong việc thực hiện các quy định của BLTTDS năm 2004 về thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm thì vẫn còn một số hạn chế tồn tại nhất định.
Thứ nhất: Trong giai đoạn hỏi tại phiên toà thì việc hỏi nguyên, bị đơn là chiếm nhiều thời gian nhất. Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều Thẩm phán do trình độ nghiệp vụ non kém hoặc do không chuẩn bị từ trước nên đã mắc sai lầm đáng tiếc dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng. Có thể nói việc hỏi tại phiên toà là một nghệ thuật mà không phải chủ toạ phiên toà nào cũng làm được, đây cũng là điểm yếu của phần nhiều các Thẩm phán hiện nay. Nhiều Thẩm phán lúng túng không biết xử lý những tình huống phát sinh tại phiên toà. Ví dụ: Khi hỏi đương sự, đương không trả lời những câu hỏi của chủ toạ phiên toà mà lại nói về những vấn đề không liên quan đến vụ án, chủ toạ phiên toà yêu cầu đương sự dừng lại, nhưng đương sự lại nói nhiều hơn và nói không đúng vấn đề, nói những sự việc không liên quan đến vụ án như về đời tư, đạo đức… vậy là chủ toạ phiên toà đành để cho đương sự đó nói chán rồi thôi hoặc có đương sự mặc dù không bị câm, điếc gì nhưng tại phiên toà không nói năng gì, chỉ im lặng, chủ toạ phiên toà cũng không biết xử lý thế nào và phải hoãn phiên toà để tìm cách giải quyết.
Một nguyên tắc của thủ tục hỏi là trước khi hỏi phải để đương sự trình bày những tình tiết liên quan đến vụ án sau đó mới được hỏi về những điểm chưa rõ hoặc có mâu thuẫn. Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều HĐXX không nghe những người được hỏi trình bày hết các tình tiết của vụ án mà chỉ hỏi
xem họ có thay đổi, bổ sung rút yêu cầu, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hay không, sau đó hỏi ngay, có trường hợp khi hỏi không cho đương sự trình bày mà yêu cầu chỉ trả lời có hay không có tình tiết này, đúng hay không đúng sự việc kia. Thậm chí trong một số trường hợp có thẩm phán, hội thẩm khi hỏi còn đập bàn quát mắng gây sức ép tâm lý cho đương sự.
Thứ hai: BLTTDS năm 2004 xác định chỉ được hỏi đương sự về những vấn đề mà họ trình bầy chưa rõ, hoặc có mâu thuẫn… Quy định như vậy nhằm bảo đảm phiên toà diễn ra được đúng trọng tâm, tránh việc đương sự đã trình bầy rồi mà HĐXX lại hỏi lại gây mất thời gian, khiến phiên toà kéo dài… HĐXX chỉ được kết thúc việc hỏi khi "nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ" (Điều 231). Việc hỏi tại phiên toà là hoạt động công khai, chủ yếu là kiểm tra, đánh giá lại những chứng cứ đã được thu thập trong giai đoạn chuẩn bị và nghe những người tham gia tố tụng trình bày về những tình tiết của vụ án. Chính vì vậy HĐXX phải hỏi một cách toàn diện, đầy đủ các tình tiết của vụ án để làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án. Song thực tiễn áp dụng BLTTDS năm 2004 cho thấy ở nhiều phiên toà dân sự sơ thẩm việc hỏi của HĐXX không tuân thủ các quy định trên, còn phiến diện thiếu tính khách quan. Bên cạnh đó các Thẩm phán, chủ toạ phiên toà thường có một tâm lý chung là mọi chứng cứ về các tình tiết của vụ án đã được thu thập đầy đủ trong hồ sơ, đã nghiên cứu kỹ, nên chủ toạ phiên toà quá tin tưởng dẫn đến việc hỏi tại phiên toà dân sự sơ thẩm qua loa, chiếu lệ, một số tình tiết, chứng cứ của vụ án không được xem xét tại phiên toà nhưng vẫn được dùng làm căn cứ khi nghị án. Hậu quả của nó là những thiếu sót, sai lầm trong đánh giá chứng cứ dẫn đến việc xét xử sai, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của công dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng xét xử khiến vụ án phải kéo dài qua nhiều cấp xét xử, qua nhiều năm vẫn chưa giải quyết xong.
Thứ ba: Các quy định nội bộ của ngành Toà án nhân dân về duyệt án trước khi xét xử hiện vẫn đang tồn tại. Bên cạnh nhân tố hợp lý là tranh thủ được ý kiến, kiến thức, kinh nghiệm của tập thể trong việc đánh giá, xác định
về các tình tiết, chứng cứ, về quan hệ tranh chấp, điều luật áp dụng, hướng giải quyết vụ án... còn bộc lộ những hạn chế là: Tập thể lãnh đạo Toà án đã can thiệp sâu vào hoạt động của HĐXX bằng việc đưa ra sẵn hướng giải quyết vụ án, làm Thẩm phán khi tiến hành tố tụng tại phiên toà có những diễn biến khác, có đủ cơ sở thay đổi quan điểm án đã duyệt thì một là lại phải báo cáo lại với Lãnh đạo hoặc cứ quyết theo án đã duyệt mà không căn cứ vào đúng diễn biến thực tế tại phiên toà dẫn đến vi phạm. Khi đã vi phạm thì Thẩm phán lại là người phải chịu trách nhiệm.
Thêm vào đó là các quy định của BLTTDS năm 2004 cũng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm hỏi của từng chủ thể tham gia hỏi. Tại Điều 222 của Bộ luật quy định: "Sau khi nghe xong lời trình bầy của đương sự, việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo thứ tự chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự… Kiểm sát viên hỏi sau đương sự". Nhưng tại các quy định về hỏi nguyên đơn (Điều 223), hỏi bị đơn (Điều 224), hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 225), hỏi người làm chứng (Điều 226), hỏi người giám định (Điều 230) không quy định đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có nhiệm vụ hỏi. Như vậy việc hỏi hay không là quyền của họ chứ không phải là nghĩa vụ, còn HĐXX có trách nhiệm phải xem xét đầy đủ các tình tiết của vụ án cho đến khi "nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì chủ toạ phiên toà hỏi kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác xem họ có yêu cầu hỏi vấn đề gì nữa không " (Điều 231). Các quy định này buộc HĐXX phải "làm thay" đương sự chứ không phải là xuất phát từ ý thức chủ quan của HĐXX muốn " làm thay" hay quen "làm thay" cho họ. Việc quy định không rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm hỏi của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên toà dân sự sơ thẩm như vậy là không phù hợp với trách nhiệm chứng minh cho yêu cầu, ý kiến của đương sự mà đương sự tại phiên
toà phải có trách nhiệm bảo vệ cho yêu cầu, ý kiến của họ. Việc quy định trên đây dẫn đến tình trạng việc hỏi của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như thế nào là do ý muốn, quyền tự quyết của họ, thích thì họ hỏi, không thích thì không hỏi. Thực tiễn cho thấy có nhiều phiên toà dân sự sơ thẩm đương sự chẳng hỏi ai mà chỉ ngồi xem, việc bảo vệ quyền lợi của mình để mặc cho HĐXX làm thay họ.
Thứ tư: Việc thực hiện các quy định về phần tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm vẫn còn nhiều bất cập.
Giai đoạn gay cấn nhất của thủ tục tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm là phần đối đáp.
Điều 233 BLTTDS năm 2004 chỉ quy định "người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác" như vậy điều luật quy định đối đáp là quyền mà không phải là nghĩa vụ do vậy họ có quyền sử dụng hoặc không sử dụng quyền này. Bên cạnh đó điều luật cũng không quy định ai là người phát biểu đối đáp trước và ai phải tham gia đối đáp với ai.
Chúng tôi cho rằng quy định như vậy là không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng vì đối với phía nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi liên quan phải là nghĩa vụ. Vì như đã phân tích ở trên họ là người đưa ra yêu cầu đối với người khác cũng như đưa ra các đề xuất giải quyết vụ án, những đề xuất này đang là giả thiết, vậy mà giả thiết đó bị quan điểm của người khác tham gia tranh luận bác bỏ mà họ không đáp lại để bảo vệ quan điểm của mình thì trách nhiệm chứng minh, bảo vệ quyền lợi của họ không được coi là thực hiện được mà phải được coi là họ từ bỏ quyền yêu cầu đã đưa ra.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Chiến là đối với Luật sư khi tham gia phiên toà bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự cần:
Phải loại bỏ tư duy sai lầm của luật sư về vấn đề "án tại hồ sơ" khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nay xin trở lại với vấn đề đó bởi
giữa việc nghiên cứu và đánh giá chứng cứ trong hồ sơ với kỹ năng tranh luận tại phiên toà có mối liên hệ rất mật thiết. Nói như vậy không có nghĩa coi việc nghiên cứu quy định pháp luật, nghiên cứu hồ sơ vụ án là phụ mà chúng tôi chỉ muốn đề cập tới vấn đề làm sao để các luật sư đừng quá lệ thuộc vào hồ sơ vụ án, không chuẩn bị tốt cho mình kỹ năng phần tranh luận công khai tại phiên toà. Xu hướng tranh tụng gần đây và đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO buộc chúng ta phải tuân thủ các cam kết quốc tế và pháp luật quốc tế, chắc chắn vấn đề tranh tụng công khai tại phiên toà sẽ là con đường xác định sự công bằng, lẽ phải để tuyên án [2].
Đánh giá về thực trạng hiện nay bà Võ Thị thúy Loan đại biểu Quốc Hội tỉnh Tiền Giang phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 25/11/2010:
Qua thực tế xét xử cũng cho thấy thủ tục tranh luận tại phiên tòa dân sự thường là một thủ tục buồn tẻ, thậm chí chỉ là hình thức. Do đó với cách quy định của thủ tục hỏi và tranh luận như hiện nay có thể không có gì quá đáng khi cho rằng thực chất của việc tranh luận chỉ là việc các đương sự nói lời cuối cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Điều này không đúng với tinh thần của việc tranh luận, nếu không có tranh luận thì không thể có phán quyết của Tòa án [48].
Bên cạnh đó việc quy định Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án theo quy định tại điều 234 BLTTDS trước khi HĐXX vào nghị án là không phù hợp theo như chúng tôi đã phân tích ở trên. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tính độc lập của HĐXX, cũng như đến tâm lý chung của những người tham gia tố tụng. Trong TTDS thì Viện kiểm sát tham gia tố tụng là để kiểm sát hoạt động tuân theo pháp luật tại phiên tòa nên không cần thiết khi tham gia phiên tòa thì phải phát biểu quan điểm về việc giải quyết thì mới thực hiện được việc kiểm sất tuân theo
pháp luật. TTDS khác với tố tụng hình sự. Trong tố tụng hình sự Viện kiểm sát là cơ quan buộc tội các bị cáo nên trong phần tranh luận bắt buộc đại diện Viện kiểm sát phải phát biểu quan điểm để giải quyết vụ án do chính mình truy tố - họ thực hiện chức năng buộc tội, bên cạnh đó Viện kiểm sát cũng thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Đó là đặc thù riêng của tố tụng hình sự, không thể đem so sánh giữa hai tố tụng này được vì vậy không thể nói nếu khi tham gia phiên tòa hình sự Kiểm sát viên phải phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án thì trong TTDS cũng phải quy định như vậy;
Thứ năm: Một trong các vấn đề mà BLTTDS năm 2004 chưa quy định, thực tiễn nảy sinh đó là văn hoá phiên toà. Văn hoá phiên toà thể hiện ở tính nghiêm minh, trang nghiêm của phiên toà thông qua các yếu tố như thái độ, phong cách của những người tiến hành tố tụng hay cách xưng hô tại phiên toà... Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều chủ toạ phiên toà khi hỏi đã giải thích pháp luật, hỏi dài dòng, không đúng trọng tâm, không làm sáng tỏ được những tình tiết của vụ án, làm cho vụ án thêm phức tạp, thậm chí làm cho đương sự bức xúc cãi chửi nhau tại phiên toà làm cho phiên toà mất đi tính nghiêm trang.
Bên cạnh đó Theo tinh thần cải cách tư pháp, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa đóng vai trò quan trọng, là cơ sở để tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng. Rất tiếc BLTTDS năm 2004 đã không quy định tranh tụng là một nguyên tắc của TTDS. Các quy định về tranh luận tại phiên tòa còn chưa nhiều và chưa được hướng dẫn cụ thể. Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo quy định của BLTTDS năm 2004 trên thực tế chưa có nhiều chuyển biến đáng kể, chưa tạo được sự "đột phá" đưa phần tranh luận trở thành trung tâm của phiên tòa xét xử. Trong thời gian tới, các quy định về tranh luận tại phiên tòa nên tiếp tục được quy định đầy đủ và cụ thể hơn, kết quả của hoạt động tranh tụng phải được phản ánh rõ trong phán quyết của tòa án.
Vai trò của hội thẩm nhân dân trong HĐXX sơ thẩm đang là vấn đề nóng bỏng cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Hội thẩm nhân dân thường là các cán bộ về hưu, người làm công tác phong trào không đủ trình độ, kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng nghiệp vụ xét xử, không giành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa xét xử, hội thẩm nhân dân thường không phát huy được vai trò của mình, bị động và phụ thuộc vào thẩm phán. Việc hỏi đương sự, xem xét, đánh giá tài liệu chứng cứ bị sa vào hình thức, chiếu lệ. Trong giai đoạn nghị án hội thẩm nhân dân ít khi thể hiện quan điểm của mình và thường quyết định theo hướng của thẩm phán. Nhìn chung quy định hội thẩm nhân dân tham gia xét xử làm giảm đi tính chuyên nghiệp và chất lượng của hoạt động xét xử. Quan điểm hội thẩm nhân dân tham gia xét xử là để gần dân hơn hiện nay không còn phù hợp nữa. Việc gần dân phải được xây dựng bằng thiết chế như luật sư, luật sư công, luật sư cho người nghèo... Trong thời gian tới cần phải nâng cao vị trí, vai trò của hội thẩm nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.