6. Nguyên tắc tranh luận (hiện chưa được quy định trong BLTTDS)
2.2. THỦ TỤC TRANH LUẬN TẠI PHIÊN TÒA DÂN SỰ SƠ THẨM
Tranh luận là hoạt động trung tâm của phiên tòa sơ thẩm dân sự. Các quy định về tranh luận tại phiên toà được quy định tại mục 4 chương XIV của BLTTDS năm 2004 bao gồm 4 điều luật, từ Điều 232 đến Điều 235. Đây là các quy định tương đối đầy đủ và cụ thể, mặt khác thể hiện sự thay đổi về nhận thức đồng thời đánh giá cao bản chất, vai trò của tranh tụng trong việc mở rộng dân chủ trong hoạt động tư pháp, tăng cường hơn nữa việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 08-NQTW đã khẳng định: "Muốn nâng cao chất lượng xét xử thì phải nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa". Tranh luận tại phiên tòa là quá trình đấu trí giữa các đương sự. Thông qua việc trình bày, phát biểu, xem xét, kiểm tra, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa các đương sự đưa ra lý lẽ, lập luận và viện dẫn pháp luật chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ hoặc phản bác yêu cầu (phản yêu cầu) của phía bên kia nhằm thuyết phục
HĐXX giải quyết vụ án theo quan điểm đề xuất của họ. Qua tranh luận tại phiên toà HĐXX nghe các lý lẽ, lập luận bảo vệ yêu cầu cũng như phản bác yêu cầu, đưa ra ý kiến của các bên đương sự để giúp cho mình giải quyết vụ án một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác, khách quan. Một trong những nguyên tắc quan trọng của giai đoạn này là HĐXX không tham gia tranh luận mà chỉ điều khiển bảo đảm cho việc tranh luận diễn ra một cách khách quan, tích cực. Những người tham gia tố tụng có quyền được trình bày ý kiến của mình về những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của mình.
So với Pháp lệnh TTGQCVADS năm 1989 (Thủ tục tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm chỉ được quy định chung chung tại điều 51) thì BLTTDS đã quy định thành một mục riêng (mục 4) với 4 điều luật cụ thể. Về nội dung, BLTTDS đã bổ sung một số quy định nhằm cụ thể hoá các yêu cầu của nghị quyết 08-NQ/TW về nâng cao tính dân chủ, công khai về tranh tụng tại phiên toà và xác định đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia tranh luận, cũng như trách nhiệm của HĐXX trong việc bảo đảm cho các bên tham gia tranh tụng tại phiên toà, cụ thể:
Theo quy định của Điều 51 Pháp lệnh TTGQCVADS thì tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm được quy định như sau:
1- Sau khi Hội đồng xét xử kết thúc việc xét hỏi, các đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện tổ chức xã hội khởi kiện về lợi ích chung trình bày ý kiến của mình về đánh giá chứng cứ, đề xuất hướng giải quyết vụ án. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác, nhưng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Nếu thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử cho phát biểu thêm. Sau đó kiểm sát viên trình bày ý kiến về hướng giải quyết vụ án [47]. Như vậy theo nội dung điều luật trên thì PLTTGQCVADS quy định rất khái quát, chưa thật sự thể hiện yếu tố tranh tụng tại phiên tòa dân sự sơ thẩm.
Việc quy định những người được quyền phát biểu khi tham gia tranh luận trình bầy ý kiến về đánh giá chứng cứ… như trên không đảm bảo yếu tố khách quan. Vì nếu theo quy định này thì những người tham gia tranh luận có quyền đánh giá, sử dụng những chứng cứ không được thẩm tra tại phiên tòa, không căn cứ vào diễn biến tại phiên tòa để đề xuất quan điểm của họ về việc giải quyết vụ án. Như vậy nếu HĐXX không nắm được diễn biến tại phiên tòa, không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, cũng như việc xét hỏi trước đó không toàn diện thì sẽ có thể đưa ra những phán quyết không đúng pháp luật, không đúng với bản chất sự việc tranh chấp, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, tại Điều 233 BLTTDS việc phát biểu khi tranh luận được quy định như sau: "Khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, người tham gia tranh luận phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà cũng như kết quả việc hỏi tại phiên toà" [24]. Quy định này đã cụ thể hoá và thể hiện đầy đủ hơn nguyên tắc tranh tụng đồng thời nó xác định đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn trách nhiệm của người tham gia tranh luận khi trình bày tại phiên toà (PlTTGQCVADS không có quy định này). Với quy định này thì bắt buộc lời phát biểu của người tham gia tranh luận phải xoay quanh việc đánh giá, phân tích chứng cứ, tranh luận bảo vệ lý lẽ của mỗi bên, đưa ra các chứng cứ, lập luận để bác bỏ lý lẽ của phía bên kia và chỉ rõ việc áp dụng quy phạm pháp luật nội dung nào để giải quyết vụ án. Lý lẽ và quan điểm đề xuất của mỗi bên không được dựa vào những suy đoán cảm tính hoặc đi quá xa so với những nội dung cần giải quyết tại phiên tòa mà phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà và kết quả của việc hỏi tại phiên toà, phù hợp với diễn biến của phiên toà.
Nếu như ở giai đoạn hỏi HĐXX mới chỉ kiểm tra, xem xét các chứng cứ, tình tiết của vụ án thì việc đánh giá chứng cứ của các bên đương sự nằm trong giai đoạn tranh luận. Chính vì vậy HĐXX cần phải bảo đảm cho người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự được phát biểu ý
kiến để phân tích, đánh giá chứng cứ và các tình tiết của vụ án góp phần giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Về trình tự phát biểu khi tranh luận:
Cũng giống như thủ tục hỏi tại phiên toà, các bên khi tham gia tranh luận phải theo một trình tự, thủ tục nhất định. Ở mỗi giai đoạn lập pháp khác nhau hay ở mỗi nước khác nhau thì TTDS quy định trình tự, thủ tục tranh luận là khác nhau
Theo quy định tại Điều 51 PLTTGQCVADS nói trên thì trình tự phát biểu khi tranh luận không được Pháp lệnh TTGQCVDS quy định cụ thể ai phát biểu trước, ai phát biểu sau như vậy sẽ dẫn đến tình trạng mỗi phiên toà khác nhau, thẩm phán chủ toạ phiên toà điều khiển về trình tự phát biểu một cách khác nhau. Việc áp dụng thiếu thống nhất trong hệ thống Toà án là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên qua thực tiễn xét xử, thường thì Thẩm phán chủ toạ phiên toà cho nguyên đơn phát biểu ý kiến trước rồi đến bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Do mức độ hiểu biết pháp lý của người dân trong giai đoạn này nhìn chung còn thấp nên hầu hết các phiên toà dân sự sơ thẩm trong phần tranh luận không có đương sự nào phát biểu ý kiến hay đối đáp gì với nhau (trừ những vụ án có Luật sư tham gia).
Theo quy định từ Điều 440 đến Điều 445 của BLTTDS của nước cộng hoà Pháp thì:
Nguyên đơn, bị đơn được trình bày yêu cầu của mình. Khi xét thấy sự việc đã rõ, Chủ toạ phiên toà cho ngừng lời biện hộ trực tiếp hoặc thông qua luật sư...
Ngay cả trong trường hợp bắt buộc phải có người đại diện
của đương sự, các đương sự vẫn có thể, với sự trợ giúp của người đại diện tự mình trình bày ý kiến bảo vệ quyền lợi cho mình. Toà án có thể ngắt lời họ nếu vì say sưa hoặc thiếu kinh nghiệm họ không thể trình bày lý lẽ của mình đủ mạch lạc hoặc sáng sủa để Toà xem xét...
Chủ toạ phiên toà hoặc các thẩm phán có thể yêu cầu các bên
đương sự giải thích những điểm cần thiết về pháp lý hoặc về sự việc nếu xét thấy cần thiết hoặc yêu cầu nói rõ thêm điểm còn chưa rõ...
Chủ toạ phiên toà có thể quyết định cho tranh luận lại từ đầu mỗi khi các bên đương sự thấy không thể trình bày ý kiến để tranh luận với nhau về những điều cần làm sáng rõ thêm về pháp lý hoặc về thực tế được yêu cầu...
Sau khi kết thúc tranh luận, các bên đương sự không thể xuất trình bất cứ bản ghi chép nào nữa để chứng minh cho những nhận xét của mình, trừ khi để đáp lại các lý lẽ của Viện công tố hoặc theo yêu cầu của chủ toạ phiên toà trong những trường hợp quy định tại các điều 442 và 444 [16].
Theo BLTTDS năm 2004 thì trình tự phát biểu khi tranh luận được quy định tại Điều 232, trình tự này là bắt buộc và theo thứ tự sau:
- Mở đầu cho phần tranh luận "Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu. Nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bầy ý kiến. Người có quyền và lợi ích được bảo vệ có quyền bổ sung ý kiến" [24].
Phía nguyên đơn phát biểu ý kiến, phân tích các chứng cứ, tình tiết của vụ án và các quy định của pháp luật để chứng minh cho các yêu cầu của nguyên đơn. Qua đó xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết, nguyên nhân vì sao dẫn đến tranh chấp, quyền khởi kiện, các yêu cầu khởi kiện, các căn cứ bảo đảm cho các yêu cầu đó, quy định của pháp luật cần áp dụng và đề nghị HĐXX chấp nhận một phần hay toàn bộ nội dung khởi kiện của nguyên đơn và nêu hướng giải quyết vụ án cụ thể.
Ý kiến phát biểu của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơn là công cụ để thực hiện việc bảo vệ yêu cầu khởi kiện cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trước toà, nó thể
hiện tập trung nhất quan điểm của phía nguyên đơn buộc bị đơn và chủ thể khác có liên quan đến vụ án phải chịu trách nhiệm đối với yêu cầu của nguyên đơn. Để bảo đảm tính minh bạch, công khai thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơn khi phát biểu phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được thu thập và đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị đơn, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bị đơn và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà. Trên cơ sở đó xác định các tình tiết cần chứng minh của vụ án, những nội dung cần giải quyết của vụ án như quan hệ pháp luật tranh chấp, điều luật áp dụng, hướng giải quyết vụ án...
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơn phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến và ngược lại những người tham gia tranh luận cũng có quyền đưa ra những lập luận đáp lại ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơn. Quá trình này diễn ra không bị hạn chế về mặt thời gian. Đối với những ý kiến có liên quan đến vụ án của các bên tham gia tranh luận mà chưa được phía bên kia tham gia tranh luận đối đáp thì Chủ toạ phiên toà có quyền yêu cầu các bên tranh luận đối đáp với những ý kiến đó. Có như vậy mới bảo đảm dân chủ trong quá trình tranh tụng giữa các bên được. Muốn có quan điểm đúng đắn, có sức thuyết phục thì khi phát biểu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơn phải căn cứ vào những chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà để đánh giá chứng cứ, xác định những tình tiết của vụ án để đề nghị với HĐXX quyết định việc có chấp nhận yêu cầu của mình hay không? chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu phản tố của bị đơn? cũng như yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và đề xuất hướng giải quyết vụ án.
Khi phát biểu ý kiến, phía nguyên đơn có quyền đề nghị HĐXX chấp nhận một phần hay toàn bộ yêu cầu khởi kiện của mình cũng như bác bỏ một phần hay toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên hoặc cũng có thể rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và đề nghị
HĐXX đình chỉ việc giải quyết vụ án (nếu không có yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc có nhưng họ đồng ý đình chỉ vụ án).
- Sau phần phát biểu của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơn tại phiên toà dân sự sơ thẩm là đến "Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biểu. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến (điểm b khoản 1 Điều 232 BLTTDS).
Trong quá trình tranh luận tại phiên toà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, bị đơn có quyền đưa ra những lập luận trên cơ sở các tình tiết, chứng cứ của vụ án đã được kiểm tra tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bác bỏ một phần hay toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu hay đề nghị của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đồng thời tranh luận với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơnvà những người tham gia tố tụng khác thông qua việc sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết, nội dung vụ án. Tất cả mọi quan điểm về việc giải quyết vụ án đều được các bên đưa ra trong quá trình tranh luận và nó là căn cứ để HĐXX đánh giá một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, tránh được tình trạng xét xử phiến diện, định kiến khi giải quyết vụ án.
Ý kiến phát biểu của phía bị đơn thường mang ý nghĩa ngược lại với ý kiến phát biểu của phía nguyên đơn. Nó là công cụ để thực hiện việc bảo vệ yêu cầu phản tố (nếu có) cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trước toà, nó thể hiện tập trung nhất quan điểm của phía bị đơn đối với yêu cầu, ý kiến của phía nguyên đơn cũng như của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án và đề xuất hướng giải quyết vụ án.
Khi phát biểu ý kiến, phía bị đơn cũng có quyền đề nghị HĐXX chấp nhận một phần hay toàn bộ yêu cầu phản tố của mình cũng như bác bỏ một phần hay toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu của người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên hoặc cũng có thể rút toàn bộ yêu cầu phản tố và đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của mình.
- Trình tự tiếp theo của tranh luận là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phát biểu. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến. Việc phát biểu của những người này cũng phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập và đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Họ cũng có quyền rút một phần hay toàn bộ yêu cầu của mình và đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử đối với yêu cầu đó…
Việc quy định thành phần tham gia tranh luận tại phiên tòa nêu trên xuất phát từ những đặc thù riêng của TTDS.
Trong tố tụng dân sự, quyền và lợi ích của đương sự do đương sự định đoạt và quyết định. Tòa án có trách nhiệm tôn trọng và hướng dẫn họ định đoạt, quyết định không trái với quy định của pháp luật. Vì vậy các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự đều coi