Nguyên tắc xét xử công khai, trực tiếp, liên tục và bằng lời nó

Một phần của tài liệu Thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm (Trang 36)

Công khai là một trong những thuộc tính quan trọng của xã hội dân chủ. Trong tư pháp nói chung và TTDS nói riêng, công khai được hiểu là một trong những tư tưởng xuyên suốt quá trình tổ chức và hoạt động của nó. Chính vì vậy Hiến pháp nước ta ghi nhận nguyên tắc đó và BLTTDS cụ thể hoá và coi đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTDS (Điều 15 BLTTDS năm 2004).

Xét xử công khai trong phần hỏi và tranh luận tại phiên toà có nghĩa rằng mọi câu hỏi do HĐXX, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, Kiểm sát viên...đặt ra hỏi một ai đó thì phải hỏi to, rõ ràng tại phiên toà, không dấu diếm một ai, mà tất cả những người tham gia dự phiên toà đều biết được. Như vậy một mặt bảo đảm cho nhân dân có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động của Toà án, mặt khác phát huy được tính giáo dục chính trị, pháp lý và tác dụng phòng ngừa của hoạt động xét xử.

Nguyên tắc xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục: xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục là các nguyên tắc quan trọng của việc tiến hành phiên toà nói chung, tiến hành thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên tòa nói riêng. Các nguyên tắc này bảo đảm cho việc xét xử chính xác, khách quan, bảo đảm cho

HĐXX ra bản án, quyết định trên cơ sở thẩm tra chính thức và tranh luận công khai tại phiên toà. Các nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 197 BLTTDS năm 2004.

Xét xử trực tiếp là việc HĐXX trực tiếp xem xét những chứng cứ của vụ án thông qua việc hỏi tại phiên toà chứ không phải chỉ căn cứ vào hồ sơ. Tại phiên toà HĐXX phải kiểm tra các chứng cứ mà các đương sự cung cấp, Toà án thu thập được trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Toà án có trực tiếp kiểm tra lại các chứng cứ thì mới có thể xét xử được chính xác, ngược lại nếu chứng cứ chưa được xem xét tại phiên toà thì dù chứng cứ đó đã được Toà án thu thập hoặc do bất cứ ai cung cấp cũng không được dùng làm căn cứ khi ra bản án.

Nguyên tắc xét xử trực tiếp được thực hiện bằng cách hỏi và nghe ý kiến nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, xem xét vật chứng và nghe lời trình bầy của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Việc hỏi phải tuân theo những quy định về thủ tục hỏi tại phiên toà. Có ý kiến cho rằng xét xử trực tiếp có nghĩa HĐXX phải trực tiếp hỏi hết các tình tiết của vụ án mà không qua các chủ thể hỏi khác như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự...Quan điểm này cũng có phần hợp lý. Tuy nhiên theo chúng tôi xét xử trực tiếp có nghĩa mọi tình tiết, chứng cứ của vụ án phải được đưa ra xem xét trực tiếp tại phiên toà còn việc HĐXX hay các chủ thể nói trên... hỏi là tuỳ vào từng vụ án cụ thể chứ không bắt buộc HĐXX phải hỏi toàn bộ các tình tiết, chứng cứ của vụ án.

Xét xử bằng lời nói là việc hỏi những người tham gia tố tụng về mọi tình tiết của vụ án bằng lời nói. Những người đó phải được trình bày tại phiên toà đầy đủ về những vấn đề mà họ thấy cần thiết. Trong trường hợp một người cần được hỏi nhưng lại vắng mặt tại phiên toà, thì HĐXX công bố lời khai của họ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Việc xét xử bằng lời nói luôn

luôn gắn liền với việc xét xử trực tiếp, vì xét xử trực tiếp đòi hỏi phải xét xử bằng lời nói.

Xét xử liên tục có nghĩa là khi xét xử một vụ án, Toà án phải tiến hành liên tục từ khi tiến hành thủ tục bắt đầu phiên toà cho đến khi tuyên án xong (trừ thời gian nghỉ cần thiết như nghỉ giải lao, nghỉ trưa, nghỉ hết ngày...). Để bảo đảm nguyên tắc xét xử liên tục thì các Thẩm phán và hội thẩm phải có mặt liên tục tại phiên toà để nắm rõ các tình tiết của vụ án. Trong quá trình xét xử, nếu có Thẩm phán hoặc hội thẩm không thể tiếp tục tham gia xét xử được thì Toà án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có Thẩm phán hoặc hội thẩm dự khuyết. Tuy nhiên những người này phải có mặt tại phiên toà từ đầu thì mới được tham gia xét xử.

Một phần của tài liệu Thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm (Trang 36)