Những ưu điểm của quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng

Một phần của tài liệu Thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm (Trang 89)

6. Nguyên tắc tranh luận (hiện chưa được quy định trong BLTTDS)

3.1.1.1. Những ưu điểm của quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng

Nghiên cứu về thực tiễn áp dụng các quy định về thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm của BLTTDS năm 2004 thời gian qua có thể thấy các mặt đã đạt được là:

Một là, quá trình áp dụng thủ tục tố tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thời gian qua đã tuân thủ được các nguyên tắc tố tụng nói chung và các nguyên tắc xét xử, hỏi và tranh luận tại phiên toà nói riêng. Các phiên toà được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục mà BLTTDS năm 2004 đã quy định, bảo đảm tính uy nghiêm của phiên toà, tính công bằng, dân chủ và nghiêm minh của pháp luật. Việc hỏi và tranh luận tại phiên toà tuân thủ theo đúng trình tự tố tụng luật định, hiện tượng đơn giản hoá các quy định của pháp luật về thủ tục tố tụng tại phiên toà từ giai đoạn bắt đầu phiên toà đến thủ tục hỏi, tranh luận và nghị án... đã từng bước được khắc phục, bảo đảm cho quá trình xét xử của Toà án được chính xác, đúng pháp luật.

Hai là, các quy định về trình tự, thủ tục hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án với những trình tự chặt chẽ, mối quan hệ nội tại logic cao dựa trên các nguyên tắc TTDS áp dụng đối với từng chủ thể, từng hoạt động tố tụng đã

tạo cho HĐXX, luật sư và những người tham gia tố tụng có cơ sở pháp lý để đánh giá tính hợp pháp của các chứng cứ, sự kiện, tình tiết và đưa ra các căn cứ có tính thuyết phục cho quyết định của mình. Phiên toà sơ thẩm tiến hành thiếu một trong các thủ tục hoặc một quyết định nào đó của HĐXX đưa ra trong bản án mà không dựa trên những nguyên tắc TTDS sẽ bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đó là một trong những căn cứ để Toà án cấp có thẩm quyền xem xét huỷ án.

Ở giai đoạn trước các quy định về thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên toà còn mang tính khái quát và được quy định trong 02 điều luật của Pháp lệnh TTGQCVADS 1989 thì nay BLTTDS năm 2004 đã quy định thành hai mục riêng (mục 3 và mục 4 của chương XIV) với một quy trình chặt chẽ, tuần tự giúp HĐXX điều hành phiên toà một cách khoa học. Thực tiễn xét xử cho thấy các quy định về thủ tục hỏi đặt ra hướng mở cho HĐXX có thể vận dụng hỏi (từ vụ án có tính chất ít phức tạp đến những vụ án rất phức tạp với nhiều tình tiết, sự kiện cần chứng minh với nhiều người làm chứng, nhiều nguyên bị đơn, người có nghĩa vụ liên quan...) một cách hợp lý, công minh và khách quan được đông đảo quần chúng nhân dân và dư luận đồng tình ủng hộ.

Tại phần hỏi, HĐXX chủ trì việc hỏi theo quy định tại mục 3 chương XIV của BLTTDS năm 2004. Chủ toạ phiên toà là người điều khiển việc tranh tụng tại phiên toà. Nếu như trước đây các thẩm phán tiến hành hỏi từ đầu đến cuối thì nay thẩm phán chỉ đặt các câu hỏi có tính chất gợi mở, còn lại việc hỏi các tình tiết cụ thể bảo vệ cho các yêu cầu, ý kiến của đương sự là nhiệm vụ đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tình trạng độc diễn của HĐXX trong phần thủ tục hỏi không còn nữa. Quá trình thẩm tra chứng cứ công khai tại phiên toà đã được san xẻ cho các bên đương sự, chủ toạ phiên toà làm đúng chức năng "người trọng tài" trong quá trình hỏi.

Tại phần tranh luận, HĐXX không tham gia tranh luận mà là người điều khiển việc tranh tụng tại phiên toà. HĐXX xác định những vấn đề để các

bên tranh luận với nhau, hướng việc tranh luận đi vào đúng vấn đề. Hiện tượng ý kiến của những người tham gia tố tụng không được HĐXX chú lý lắng nghe và xem xét khi nghị án không còn nữa. Quy định "Khi nghị án chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà, kết quả việc hỏi tại phiên toà và phải xem xét đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng, kiểm sát viên" (khoản 3 Điều 236 BLTTDS năm 2004) đã buộc HĐXX phải chú ý lắng nghe, tôn trọng ý kiến của những người tham gia tố tụng, kiểm sát viên tại phiên toà. Có thể nói thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTDS năm 2004 đã bảo đảm việc tranh tụng dân chủ, bình đẳng.

Việc tranh luận và đối đáp giữa các bên đương sự một cách dân chủ và bình đẳng theo quy định của BLTTDS năm 2004 đã làm cơ sơ và căn cứ quan trọng cho HĐXX khi nghị án để ra một bản án chính xác, đúng pháp luật.

Ba là, thực tiễn qua hơn 6 năm thi hành BLTTDS năm 2004 với số lượng các vụ án đưa ra xét xử sơ thẩm năm sau cao hơn năm trước, án năm sau phức tạp hơn năm trước. Nhưng Toà án vẫn giải quyết đúng thời hạn, xét xử đúng pháp luật. Tỷ lệ án bị huỷ, sửa ngày càng giảm.

Thực tiễn áp dụng các quy định về trình tự tố tụng thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thời gian qua cho thấy vai trò của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (chủ yếu là luật sư) đã có những đóng góp tích cực làm cho diễn biến phiên toà hiệu quả tăng lên. Nhiều phiên toà luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự đã đưa ra những lập luận sắc bén, buộc những người tham gia tố tụng và HĐXX phải có sự nhìn nhận, đánh giá toàn diện, đầy đủ và thận trọng hơn về chứng cứ. Nhiều phiên toà, ý kiến của luật sư, đương sự thông qua tranh luận đã có đủ cơ sở thuyết phục HĐXX quyết định theo ý kiến đề xuất của mình. Nhiều phiên toà việc tranh luận, đối đáp của những người tham gia tố tụng đã góp phần đấu tranh với những bản án đã được xây dựng sẵn, góp phần xét xử bảo đảm khách quan, đúng pháp luật. Điều này được thể hiện qua đánh giá của Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình:

Bộ luật tố tụng dân sự cũng như nhiều văn bản pháp luật khác của Việt Nam đang ngày càng thể hiện rõ việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà..., trong đó đặc biệt chú trọng vị trí, quyền và nghĩa vụ của Luật sư đã giúp cho Toà án đưa ra các phán quyết đúng pháp luật và có sức thuyết phục cao [1].

Một phần của tài liệu Thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên toà dân sự sơ thẩm (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)