Xuất phát từ yêu cầu của cải cách tư pháp ở Viê ̣t Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn qua thực tiễn tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 85)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.1.Xuất phát từ yêu cầu của cải cách tư pháp ở Viê ̣t Nam hiện nay

Cải cách tư pháp đã được đã cập trong các Văn kiện và các Nghị quyết của Đảng mà trọng tâm là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Toà án. Xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn có hiệu quả thì vai trò của Toà án là trung tâm. Về mặt tổ chức, Toà án cấp sơ thẩm càng ít phụ thuộc vào các cơ quan hành chính thì càng đảm bảo sự độc lập khi xét xử. Do vậy, có quan điểm cho rằng:

Chúng ta chưa tổ chức tư pháp hoàn toàn theo nguyên lý tư pháp độc lập. Điều này thể hiện ở chỗ Tòa án nước ta được tổ chức căn cứ vào đơn vị hành chính lãnh thổ. Đã coi nguyên lý độc lập là một nguyên lý tổ chức tư pháp thì phải thiết kế cơ quan tư pháp tách khỏi cơ quan hành chính. Nếu tổ chức cơ quan tư pháp theo đơn vị hành chính sẽ làm hạn chế sự độc lập của cơ quan tư pháp, dễ tạo ra khả năng cho sự can thiệp của chính quyền địa phương vào hoạt động xét xử của Tòa án [48, tr.85].

Xây dựng cơ chế xét xử đảm bảo sự độc lập của Toà án, độc lập của Thẩm phán và HTND là một trong những yếu tố quyết định chất lượng xét xử. Bởi lẽ "xét xử là phòng tuyến cuối cùng của việc bảo vệ pháp luật cần phải được độc lập, do đó những người thực hiện nó cần phải được độc lập. Hơn nữa tính tự chủ của quyền tư pháp là điều kiện quan trọng và tiền đề bảo

đảm sự độc lập của xét xử và của những người thực hiện xét xử" [70, tr.16]. Do vậy, tư tưởng chỉ đạo đã được thể hiện trong Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 24 tháng 5 năm 2005 với tinh thần là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của TAND, đảm bảo Toà án xét xử độc lập, đúng pháp luật, kịp thời và nghiêm minh; đồng thời phân định thẩm quyền xét xử của Toà án sơ thẩm và Toà án phúc thẩm phù hợp với hai cấp xét xử [1, tr.5].

Một trong những quan điểm chỉ đạo trong quá trình cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay là nâng cao chất lượng tranh tụng theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Các bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm phải là kết quả của quá trình tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa. Để thực hiện tranh tụng tại phiên tòa vai trò của Toà án có ý nghĩa quyết định, sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của Toà án đến đâu chính là biểu hiện của nguyên tắc tranh tụng [70 tr.69].

Nếu không nâng cao vai trò và trách nhiệm của Toà án trong suốt giai đoạn sơ thẩm, đặc biệt là tại phiên toà thì tranh tụng khó có thể thực hiện được trên thực tế. Để tranh tụng tại phiên toà là cả một quá trình chuẩn bị của các đương sự có vai trò rất quan trọng của Toà án (chẳng hạn tạo điều kiện cho các đương sự trao đổi chứng cứ, hỗ trợ thu thập chứng cứ, các thủ tục tại phiên toà,...). Trong điều kiện xây dựng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước Việt Nam hiện nay yêu cầu thủ tục tố tụng dân sự phải thực sự là thủ tục tranh tụng. Vì vậy, trong quá trình cải cách tư pháp, với tinh thần của Nghị quyết số 49/NQ-TW là đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh. Đồng thời, "nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp" [1, tr.5].

Hệ thống Toà án ở nước ta, được tổ chức theo đơn vị hành chính cũng làm ảnh hưởng đến sự “độc lập” trong xét xử của Toà án. Do đó có ý kiến cho rằng: "Thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử phải đảm bảo cấp xét xử sơ thẩm và cấp phúc thẩm độc lập với nhau chứ không phải là cấp trên và cấp dưới. Cách tổ chức hệ thống Toà án như hiện hành đã biến Toà án thành hệ thống khép kín" [70, tr.679]. Khắc phục hạn chế của pháp luật, chủ trương tổ chức Toà án thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án (trong đó có các vụ án ly hôn) về cơ bản vẫn tổ chức theo hành chính lãnh thổ như như hiện nay, nhưng có sự đổi mới là thành lập Toà án khu vực bằng việc gộp một số Toà án cấp huyện lại. Theo mô hình này, sẽ cho phép hình thành đội ngũ Thẩm phán ở quy mô lớn hơn trong một Toà án, chất lượng xét xử cao hơn, giảm sức ép cho Toà án cấp trên; đồng thời cũng hạn chế được sự dư thừa, sử dụng không hiệu quả nguồn nhân lực của Toà án huyện hiện nay. Thực tế, có những Toà án cấp huyện hàng năm phải giải quyết một số lượng án ly hôn quá lớn, có những Toà chỉ có vài vụ án, trong khi các chế độ và con người chênh lệch nhau không đáng kể. Theo chúng tôi quan điểm thành lập hệ thống Toà án trong tương lai theo cấp xét xử là phù hợp với xu thế cải cách tư pháp hiện nay, đồng thời đảm bảo hiệu quả xét xử. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập Toà chuyên trách HN&GĐ.

Một phần của tài liệu Xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn qua thực tiễn tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 85)