Thực trạng phiên toà sơ thẩm vụ án ly hôn

Một phần của tài liệu Xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn qua thực tiễn tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 74)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.3. Thực trạng phiên toà sơ thẩm vụ án ly hôn

Áp dụng pháp luật tại phiên toà sơ thẩm vụ án ly hôn tại TAND các cấp tại Thừa Thiên Huế còn có những vướng mắc, hạn chế sau đây:

Thứ nhất, áp dụng quy định pháp luật về quy định căn cứ ly hôn

khinh xuất.

Luật HN&GĐ quy định căn cứ ly hôn chung là "mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được". Căn cứ vào từng vụ án cụ thể mà Toà án vận dụng, xem xét mức độ mâu thuẫn trầm trọng hay chưa, nếu tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân đó có ảnh hưởng đến môi trường sống của vợ chồng, giáo dục các con hay không? Đây là vấn đề khó khăn nhất khi xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn.

Đơn cử như trường hợp sau đây:

Toà án nhân dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xét xử cho phép anh Lê Q được ly hôn với chị Hồ Thị L. Bản án sơ thẩm số 03/2005/ LHST ngày 15/10/2005 bị chị L kháng cáo vì chị cho rằng Tòa án giải quyết không khách quan và chưa đúng luật. Chị L vẫn còn yêu thương anh Q, anh Q xin ly hôn chị là do có quan hệ ngoại tình với cô gái trẻ đẹp khác. Tại phiên tòa phúc thẩm chị L đã xuất trình tấm hình anh Q chụp chung với người tình rất tình cảm. Anh Q thì một mực xin được ly hôn chị L, nhưng chỉ đưa ra được lý do là chị L vừa xấu lại vừa vụng về và không biết chiều chồng mặc dù vợ chồng đã có 2 người con chung. Tòa án phúc thẩm sau khi thẩm tra, xác

minh đã xử bác đơn ly hôn của anh Q vì chưa đủ căn cứ cho anh Q được ly hôn, anh Q xin ly hôn chỉ vì động cơ do người tình thúc giục. Quyết định này đã được nhân dân, nhất là hội phụ nữ xã, huyện Phú Lộc đồng tình ủng hộ. Qua phiên tòa phúc thẩm, anh Q được giáo dục về đạo đức làm người, bổn phận làm chồng làm cha và chị L được hiểu thêm về phương pháp làm mẹ, làm vợ. Đến nay cuộc sống của gia đình họ đã hoàn toàn hòa thuận, kinh tế phát triển và cháu trai thứ hai, sản phẩm của tình yêu đã ra đời. Đây là kết quả đáng biểu dương của ngành Tòa án. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc giải quyết ly hôn như bản án sơ thẩm là chưa phù hợp, thể hiện việc không kiên trì hòa giải, xem xét đánh giá các tình tiết của vụ án sơ sài, xét xử chưa thấu tình đạt lý và có thể nói là khinh suất.

Thứ hai, những vướng mắc trong áp dụng pháp luật xét xử chia tài sản

chung khi ly hôn.

Một là, căn cứ xác lập quyền sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng.

Khi xét xử sơ thẩm các vụ án ly xác định tài sản chung hay tài sản riêng của vợ hoặc chồng mới có cơ sở áp dụng pháp luật giải quyết chia tài sản chung. Trong thực tế, có những trường hợp ly hôn quan hệ hôn nhận được vài năm nhưng cũng có trường hợp đã chung sống vài chục năm nên việc xác định tài sản chung hay riêng là vấn đề rất phức tạp. Do vậy, khi xác định tài sản chung hợp nhất phải căn cứ vào các quy định của pháp luật vào thời điểm xác lập quyền sở hữu của vợ chồng.

Đơn cử một vụ án ly hôn sau đây:

Nguyên đơn bà Huỳnh Thị Bồng và bị đơn là Nguyễn Văn Ngô do Toà án thành phố Huế xét xử sơ thẩm.

Nội dung vụ án là bà Bồng và ông Ngô kết hôn hợp pháp vào năm 1980 tại Huế, sau đó bà nội ông Ngô cho hai vợ chồng thửa đất 140m2, hai người

xây dựng căn nhà tranh tre mái lợp tôn để ở và sinh được hai người con vào năm 1981 và năm 1983. Từ năm 1983, ông Ngô đưa ba mẹ con bà Bồng vào khu kinh tế mới tại Bình Dương và hứa sẽ đón ra nhưng không thực hiện được. Sau đó ông Ngô chung sống như vợ chồng với bà Minh từ năm 1984 sinh được hai người con và đăng ký kết hôn vào năm 2000. Năm 2005, bà Bồng chỉ xin ly hôn mà không yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật đối với hôn nhân sau và yêu cầu chia tài sản chung là diện tích nhà đất.

Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào Luật HN&GĐ 1959 làm căn cứ tính thời kỳ hôn nhân và xác lập quyền sở hữu của vợ chồng bắt đầu từ năm 1981, đồng thời nhận định mặc dù không ở với nhau nhưng quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại nên xác định tài sản chung của vợ chồng. Căn cứ vào công sức đóng chia bà Bồng 25%, ông Ngô là 75% (Bản án số 14/DSST/2006 ngày 31 tháng 3 năm 2006).

Bản án phúc thẩm số 10/2006/DSPT lại nhận định trái ngược là từ khi Luật HN&GĐ 2000 có hiệu lực, theo Nghị quyết 35 tất cả các văn bản pháp luật trước đó đều hết hiệu lực nên cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Luật HN&GĐ 1959 để xác định thời kỳ hôn nhân và xác lập quyền sở hữu chung của ông Ngô và bà Bồng kết hôn năm 1981 là không đúng, mà phải căn cứ vào Luật HN&GĐ 2000 xác định tài sản là sở hữu riêng của ông Ngô. Trên cơ sở lập luận này của cấp phúc thẩm thì tất cả các quan hệ dù phát sinh vào thời điểm nào thì đều phải áp dụng luật hiện hành khi giải quyết. Nếu theo nhận thức này thì trường hợp nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13 tháng 01 năm 1960 ở Miền Bắc và trước ngày 25 tháng 3 năm 1977 ở Miền Nam mà hiện nay đưa ra xét xử đều là hôn nhân bất hợp pháp, không được quyền thừa kế của nhau và rất nhiều trường hợp khác việc áp dụng pháp luật như thế nào? Điều đáng bàn là Tòa án cấp phúc thẩm vẫn thừa nhận quan hệ vợ chồng

hợp pháp nhưng không thừa nhận tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng; đồng thời bác toàn bộ yêu cầu của bà Bồng nhưng bản án lại không buộc nguyên đơn phải chịu án phí (không có miễn giảm án phí) là chưa phù hợp với pháp luật.

Mặc dù không tham dự phiên tòa nhưng xem xét thấy việc áp dụng pháp luật thiếu chính xác, nên VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đã có Công văn số 889/CVDS ngày 30 tháng 11 năm 2006 gửi hồ sơ ra VKS nhân dân tối cao để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo đề nghị của đương sự; Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định số 91/QĐ-KNGĐ- V5 kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 10/DSPT/2006 của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo chúng tôi, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn từ khi Luật HN&GĐ 2000 có hiệu lực thì các văn bản pháp luật trước đó hết hiệu lực. Vấn đề là khi quan hệ hôn nhân của họ được xác lập thì Luật nào đang có hiệu lực điều chỉnh. Vấn đề đặt ra không phải là áp dụng pháp luật đã hết hiệu lực để xét xử vụ án ly hôn như Tòa án cấp phúc thẩm nhận định mà căn cứ vào Luật HN&GĐ để xác định dây là căn cứ xác lập quyền sở hữu (theo Điều 15 của Luật là tài sản có trước hoặc sau khi kết hôn đều là tài sản chung). Khi bà Bồng và ông Ngô kết hôn năm 1980, lúc đó Luật HN&GĐ 1959 có hiệu lực chỉ quy định một chế độ tài sản chung của vợ chồng nên quyền sở hữu tài sản chung đương nhiên được xác lập từ khi đăng ký kết hôn hợp pháp.

Hai là, đối với tài sản là quyền sử dụng đất được bố mẹ tặng cho.

Quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị lớn, trong BLDS 1995 không có quy định cụ thể về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Trong thực tế khi kết hôn bố mẹ thường cắt đất cho con làm nhà ở đã tạo lập tài sản trên đất. Khi vợ chồng chung sống hòa thuận thì hoàn toàn không có tranh chấp. Trong

nhiều vụ án ly hôn có tranh chấp về tài sản và không xác định được cha mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất hay chỉ cho ở tạm trên đất. Chẳng hạn, bố mẹ đã viết giấy cho con, các con đã nộp thuế và ở hàng chục năm nhưng trong giấy tờ vẫn đứng tên của bố mẹ thì phải giải quyết như thế nào?

Đơn cử một trường hợp thực tế sau đây:

Trường hợp anh T và chị V kết hôn hợp pháp năm 1982 tại Huế, ở chung với bố mẹ đến tháng 6 năm 1987 được bố mẹ cắt cho 240m2

đất làm nhà ở. Hai người xây ngôi nhà cấp 4 và ở riêng. Đến năm 1995 vợ chồng phát sinh mâu thuẫn và xin ly hôn vào năm 2002. Khi giải quyết chị V yêu cầu xác định nhà đất là tài sản chung của vợ chồng và chia theo quy định của pháp luật. Còn anh T và bố mẹ đẻ cho rằng bố mẹ chỉ cho ở nhờ trên đất, ngay cả ngôi nhà khi làm do anh T và chị V bận công việc nên giao cho bố chồng trông coi, mua vật liệu nên trong hóa đơn mua nguyên vật liệu đều đứng tên bố chồng (ông M). Vụ án qua nhiều lần xét xử nhưng việc giải quyết khác nhau: Bản án sơ thẩm (lần 1) xử ly hôn và xác định nhà đất thuộc quyền sở hữu bố mẹ chồng chứ không phải tài sản chung của vợ chồng; Bản án phúc thẩm (lần 1) hủy phần chia tài sản và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án sơ thẩm xử lại theo hướng xác định nhà ở trên đất là tài sản chung của vợ chồng để chia; Bản án sơ thẩm (lần 2) lại vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu.

Trong trường hợp trên về căn cứ pháp lý thì trong BLDS 1995 chưa quy định cụ thể hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (hiện nay được quy định trong BLDS 2005). Trên cơ sở hợp đồng tặng cho tài sản có thể công nhận những hợp đồng này trên thực tế. Tuy nhiên, đối với quyền sử dụng đất trong BLDS 1995 và BLDS 2005 đều quy định hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất từ thời điểm đăng ký theo pháp luật đất đai. Do đó, đường lối xử lý của Toà án cấp sơ thẩm đã dựa trên căn cứ pháp lý về thời điểm

chuyển quyền sử dụng đất là thời điểm đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với ngôi nhà và tài sản trên đất thực tế là do vợ chồng tạo lập nhưng các chứng cứ trong hồ sơ vụ án lại hoàn toàn có lợi cho ông M (bố chồng). Trong thực tế, nhiều trường hợp khi nhờ những người trong gia đình như bố mẹ, anh chị em trông coi hoặc mua nguyên vật liệu làm nhà, xây dựng công trình hiếm có trường hợp viết giấy giao tiền hay thỏa thuận bằng văn bản. Về nguồn gốc số tiền làm nhà các bên đều xuất trình được nguồn thu nhập hoặc vay mượn nên dẫn đến "tình ngay, lý gian", rất khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong những trường hợp này thông thường người vợ (chồng) được nhận một phần giá trị bằng tiền gọi là công sức đóng góp vào tài sản chứ không được chia tài sản.

Ba là, xác định tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng đối với

khoản tiền trợ cấp thôi việc, mất việc.

Theo Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 “tiền trợ cấp” bao gồm cả trợ cấp thôi việc, mất việc, hưu trí. Đây là thu nhập hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có những trường hợp vợ hoặc chồng nhận một khoản trợ cấp thôi việc quá lớn trong giai đoạn Toà án đang thụ lý giải quyết việc xin ly hôn của vợ chồng.

Trường hợp anh Tuấn và chị Chinh kết hôn vào năm 1985, đến tháng 01/2007 chị Chinh xin ly hôn và Tòa án thụ lý. Tháng 5/2007 anh Tuấn được xí nghiệp cho nghỉ việc và nhận trợ cấp một lần là 50 triệu đồng. Chị Chinh yêu cầu xác định là tài sản chung để chia. Qua nhiều lần xét xử, Tòa án có nhiều quan điểm khác nhau: Bản án sơ thẩm số 05/DSST ngày 20 tháng 01 năm 2008 xác định khoản tiền trợ cấp là tài sản chung nên nhập vào chia đôi còn Bản án phúc thẩm số 02/DSPT ngày 07 tháng 01 năm 2009 xác định là tài

sản riêng của anh Tuấn, theo nguyên tắc tài sản của riêng ai vẫn thuộc về sở hữu của người đó khi ly hôn. Bản án phúc thẩm bị Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm số 18 ngày 30 tháng 7 năm 2009 xác định số tiền trợ cấp 50 triệu đồng là tài sản chung của vợ chồng.

Đối với những trường hợp này khi giải quyết còn có ý kiến trái ngược nhau:

Loại ý kiến thứ nhất, trợ cấp thôi việc mà vợ hoặc chồng được nhận một lần khi chung sống với nhau thì việc sử dụng, xác định tài sản chung hay tài sản riêng không quan trọng. Trường hợp khi đang chờ Tòa án giải quyết ly hôn mới được nhận thì xem đây là tài sản riêng, giống như khoản “lương hưu sớm” để người nhận có điều kiện ổn định cuộc sống, giảm bớt khó khăn khi nghỉ việc và để đầu tư học, đào tạo nghề mới có thu nhập cho bản thân họ. Nếu anh Tuấn không nhận một lần, mà để sau này nhận từng tháng giống như lương hưu thì không phải chia cho chị Chinh.

Loại ý kiến thứ hai, xác định khoản tiền trợ cấp thôi việc dù nhận bất kỳ lúc nào cũng là tài sản chung theo nguyên tắc “thu nhập hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng”, khi chia tài sản thì căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên đóng góp vào khối tài sản chung đó. Do đó, khi chia tài sản phải chia cho anh Tuấn (70%) còn chị Chinh là (30%) vì anh Tuấn phải học nghề và chi cho trước mắt. Đây là loại ý kiến được đa số tán thành và thực tiễn xét xử vẫn áp dụng.

Theo chúng tôi, về nguyên tắc, pháp luật đã quy định thu nhập hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, tuy nhiên đối với khoản tiền trợ cấp mà một bên vợ hoặc chồng được nhận khi Toà án đang giải quyết ly hôn cần được xem xét phù hợp. Khoản tiền này chỉ được nhận một lần nên hoàn toàn khác với tiền lương. Theo chúng tôi cần có hướng dẫn cụ

thể về vấn đề này theo hướng phân biệt rõ từng thời điểm nhận trợ cấp (khi đang chung sống, khi đang giải quyết ly hôn), nếu khi đang chung sống với nhau thì việc xác định là tài sản chung theo quy định của pháp luật, khi vợ chồng đang ly hôn thì cần xem xét là tài của người được trợ cấp theo quy định của Bộ luật lao động để đảm bảo lợi ích của họ.

Một phần của tài liệu Xét xử sơ thẩm các vụ án ly hôn qua thực tiễn tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)