Về cơ chế phân cấp

Một phần của tài liệu Quản lý nguồn thu chi ngân sách Nhà nước tại chính quyền cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn hiện nay (Trang 95)

3.3.1.1 - Đẩy mạnh phân cấp quản lý ngân sách cấp xã

Do tính lồng ghép trong hệ thống ngân sách nhà nước nên trong phân cấp ngân sách trách nhiệm của từng cấp không rõ ràng, không thực sự đảm bảo quyền tự chủ của cấp dưới. Hệ thống ngân sách nhà nước có đến 4 cấp ngân sách nên hiện tượng “co kéo” nguồn thu là không thể tránh khỏi. Vì việc phân chia nội dung thu của các cấp ngân sách dựa vào cơ sở kinh tế của chính quyền tức là những tổ chức kinh tế do trung ương quản lý thì nguồn thu của các tổ chức này tập trung vào ngân sách trung ương, các tổ chức kinh tế do địa phương quản lý thì sẽ ghi thu vào ngân sách địa phương. Điều này đã dẫn đến tình trạng không gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc quan tâm tới công tác thu từ những tổ chức kinh tế do trung ương

quản lý ở địa phương. Đồng thời việc ngân sách cấp trên xem xét bổ sung cho ngân sách cấp dưới ít nhiều vẫn còn mang tính chủ quan suy diễn và do vậy trong một số trường hợp vẫn là cơ chế “xin cho”.

Mặt khác việc quy định một tỷ lệ điều tiết chung cho tất cả các xã đã có nhược điểm là không đảm bảo công bằng trong phân cấp ngân sách, có những xã quá dồi dào nguồn thu trong khi có những xã thiếu nguồn mà không được điều tiết bổ sung để có thể tự chủ về mặt cân đối ngân sách.

Vì vậy, đề nghị trung ương nghiên cứu để đưa ra một cơ chế phân cấp phù hợp nhất, phân cấp ngân sách phải căn cứ vào yêu cầu cân đối chung của cả nước, tăng cường phân cấp cho cơ sở để vừa khai thác tốt các nguồn lực nhưng đồng thời cũng phù hợp với đặc thù từng địa bàn và cố gắng hạn chế thấp nhất sự chênh lệch về văn hoá, kinh tế, xã hội giữa các vùng lãnh thổ.

Trước mắt đề nghị Trung ương :

- Xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết tối thiểu 70% của 5 khoản thu (thuế chuyển quyền sử dụng đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình; lệ phí trước bạ nhà đất) đối với cấp xã, thị trấn, hoặc cho phép HĐND tỉnh được điều chỉnh đối với những trường hợp thừa nguồn để điều hoà và bổ sung cho các địa bàn khác.

- Để khuyến khích động viên chính quyền phường tham gia quản lý khai thác nguồn thu cho ngân sách, đề nghị trung ương quy định cho ngân sách phường, thị trấn được điều tiết các khoản thu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh, tỷ lệ cụ thể do HĐND tỉnh quyết định.

Trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp nguồn thu cho ngân sách phường, để khuyến khích chính quyền phường tăng cường khai thác nguồn thu, Đề nghị đối với ngân sách phường nếu nguồn thu của ngân sách phường sau khi cân đối cho nhiệm vụ chi thường xuyên mà còn dư nguồn được HĐND tỉnh phân cấp thêm nhiệm vụ chi đầu tư các công trình trụ sở, trạm y tế, nhà trẻ, mẫu giáo và các cơ sở hạ tầng khác do phường quản lý.

Một phần của tài liệu Quản lý nguồn thu chi ngân sách Nhà nước tại chính quyền cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn hiện nay (Trang 95)