Thành Tựu

Một phần của tài liệu Hoạt động chuyển giá của các công ty xuyên quốc gia tại Việt Nam (Trang 76)

Động thái đầu tiên đánh dấu sự vào cuộc hóa giải vấn đề chuyển giá chính là sự ra đời của Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, sau đó là Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT-BTC và Thông tư 117/2005/TT-BTC. Các văn bản nói trên đã thể hiện tinh thần cơ bản xử lý vấn đề chuyển giá là xác định lại giá chuyển giao theo nguyên tắc giá thị trường.

Với sự ra đời của Thông tư 66/2010/TT-BTC, lần đầu tiên ở Việt Nam một văn bản pháp lý về chống chuyển giá được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp khác. Thêm vào đó, những hạn chế, bất cập của Thông tư 117/2005/TT-BTC đã được khắc phục. Về cơ bản, các quy định và các phương pháp xác định giá thị trường của Thông tư 66/2010/TT-BTC đã phù hợp với thông lệ quốc tế. Hơn nữa, Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế quy định cơ quan thuế có quyền ấn định thuế khi người nộp thuế “Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường”. Quy định này đã tạo ra căn cứ pháp lý nhất định để xử lý vấn đề chuyển giá.

Như vậy, có thể thấy, nỗ lực đầu tiên đáng ghi nhận của các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua là việc đã thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, tạo những cơ sở nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp.

70

Trên nền tảng pháp lý đó, trong những năm qua, ngành Thuế đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh chống chuyển giá, mà trọng tâm là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một trong những biện pháp quan trọng trong thực tiễn chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tập trung thanh tra các doanh nghiệp liên tục kê khai lỗ kéo dài mà vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua thanh tra bước đầu đã phát hiện những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá để tiến hành đấu tranh đảm bảo xác định lại giá chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2010 của Tổng cục Thuế cho biết: “Trong năm 2010 đã thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè tại Lâm Đồng..., truy thu 133,4 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.400 tỷ đồng”. Tất nhiên, không phải toàn bộ số lỗ được xác định giảm và số thuế truy thu đều là kết quả của hoạt động đấu tranh chống chuyển giá, mà một phần là kết quả của việc phát hiện các hành vi trốn thuế khác, song trong đó, đã có những kết quả bước đầu của hoạt động đấu tranh chống chuyển giá. Điển hình là trường hợp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, kinh doanh chè ở Lâm Đồng. Báo cáo tham luận của Cục thuế Lâm Đồng tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra thuế năm 2010 cho biết: Theo báo cáo tài chính và quyết toán thuế đã được kiểm toán của 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, kinh doanh chế biến chè thì sản lượng chè xuất khẩu năm 2009 là 1.522 tấn, doanh thu là 105 tỷ đồng với giá bán xuất khẩu từ 2,8 – 4 USD/kg chè thành phẩm dẫn đến số lỗ năm 2009 là 63,68 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2009 là 317 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đơn vị đã lỗ gần hết số vốn đầu tư hoặc vượt hơn số vốn đầu tư. Bằng việc thực hiện nghiêm túc quy trình nghiệp về kiểm tra thuế tại cơ quan thuế, Cục thuế Lâm Đồng nhận thấy, với giá chè búp tươi là

71

35.000 đồng/kg và định mức tiêu hao 5 kg chè tươi được 1 kg chè olong thành phẩm thì giá thành nguyên liệu chính là 175.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá xuất khẩu quy ra tiền Việt Nam chỉ là 64.580 đồng/kg.

Theo Tổng cục Thuế, kết quả thanh tra 575 DN FDI khai lỗ trong các năm từ 2005-2009 đã giảm lỗ hơn 4.000 tỷ đồng và truy thu thuế hơn 212 tỷ đồng, trong đó, phát hiện 43 DN FDI có quan hệ giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, qua đó xử phạt 37 DN, giảm lỗ 887 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt 27 tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng bắt đầu được chú trọng triển khai từ năm 2010 và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Đặc biệt, có cuộc thanh tra giá chuyển nhượng đã điều chỉnh tăng doanh thu so với số báo cáo của DN lên 250%. Tính đến ngày 31/12/2011, toàn ngành thuế đã rà soát quản lý được 3.144 DN phải kê khai thông tin giao dịch liên kết, trong đó 2.023 DN đã thực hiện kê khai, chiếm khoảng 64%.

Vấn đề chuyển giá giữa các bên liên kết đã từng bước được kiểm soát. Năm 2010, cơ quan thuế đã phát hiện 43 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, đã xử lý 37 doanh nghiệp, giảm lỗ hơn 887 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt 27 tỷ đồng.

Trong năm 2011, ngành thuế đã tổ chức thanh tra tại 921 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá, đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng (tăng 2,5 lần), truy thu và phạt 1.669 tỷ đồng (tăng 4 lần so với năm 2010). Kết quả thu thuế từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2011 tăng 11,3% so với năm 2010 có phần đóng góp của những nỗ lực chống chuyển giá.

Trong năm 2012, ngành thuế thanh, kiểm tra gần 1.495 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá, giảm lỗ 3.307 tỷ đồng, truy thu và xử phạt gần 623 tỷ đồng, chuyển doanh nghiệp từ lỗ thành lãi, cá biệt có DN đã phải điều chỉnh giá vốn gần 80 triệu USD.

72

Từ những biện pháp chống chuyển giá ở Việt Nam, có thể thấy được những động thái tích cực của Chính phủ trong việc nhận biết, đánh giá và linh hoạt trước những biến động của tình hình kinh tế.

Một phần của tài liệu Hoạt động chuyển giá của các công ty xuyên quốc gia tại Việt Nam (Trang 76)