Sau khi áp dụng hai kỹ thuật trên thì sẽ có câu hỏi đặt ra là: Tính đúng đắn của kết quả trả về sau khi kiểm chứng?
Các phản ví dụ được sinh ra có thể coi là ca kiểm thử hợp lệ của chương trình hay không?
Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất “Tính đúng đắn của kết quả trả về sau khi kiểm chứng?”. Với hệ thống ban đầu được đặc tả là đúng, và mô hình được cho là đúng. Ta có bảng 5.2 mô tả mối quan hệ giữa đặc tả, mô hình hệ thống và kết quả kiểm chứng mô hình.
Bảng 5.2. Mối quan hệ giữa đặc tả và mô hình hệ thống
Đặc tả đúng Đặc tả sai
Mô hình hệ thống đúng Thỏa mãn (1) Vi phạm + sinh ra phản ví dụ (3)
Mô hình hệ thống sai Vi phạm + sinh ra
phản ví dụ (2) Không xét
Để đảm bảo tính đúng đắn của kết quả kiểm chứng, ta chỉ xét đến hai trường hợp (2) và (3) là mô hình hệ thống sai hoặc đặc tả sai và kết quả kiểm chứng trả về là vi phạm và sinh ra các phản ví dụ. Bởi vì mô hình hệ thống, và đặc tả ban đầu của hệ thống là đúng đắn, nên nếu một trong hai thành phần trên sai, thì kết quả kiểm chứng cũng phải trả về kết quả là mô hình vi phạm. Trường hợp mô hình hệ thống sai hoặc đặc tả sai mà kết quả kiểm chứng là thỏa mãn, thì chứng tỏ là quá trình hình thức hóa/ mô hình hóa bị sai, và ta cần phải hình thức hóa/ mô hình hóa lại đặc tả/ mô hình hệ thống.
Câu hỏi thứ hai là “Các phản ví dụ được sinh ra có thể coi là ca kiểm thử hợp lệ của chương trình hay không? ” Theo như các nghiên cứu [2], [7] và [11] thì mỗi phản ví dụ sinh ra từ công cụ kiểm chứng mô hình đều được coi là một ca kiểm thử. Bởi vì phản ví dụ mô tả cách mà chương trình gặp phải một trạng thái không mong muốn, là một đường dẫn từ trạng thái ban đầu đến trạng thái không mong muốn. Mỗi trạng thái của hệ thống đều là chứa những thông tin về hoạt động của hệ thống. Mỗi phản ví dụ sẽ có các thông tin từ trạng thái đầu ban đầu qua các trạng thái khác nhau – đây chính là giá trị đầu vào cho một ca kiểm thử, đến trạng thái vi phạm – mô tả hành vi của hệ thống hay chính là kết quả mong muốn của ca kiểm thử. Tập các phản ví dụ chính là tập các ca kiểm thử của chương trình.