Đến năm 2020, các vùng đã hình thành một số nền tảng ban đầu về kết cấu hạ tầng, bước đầu đã thiết lập bộ khung hạ tầng liên vùng, các công trình đầu mối quy mô vùng, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ hiện đại trong các giai đoạn tới, nhiều tuyến giao thông lớn liên vùng được hoàn thành kết nối các hoạt động kinh tế các vùng trong cả nước, các vùng với khu vực và quốc tế. Cơ cấu lãnh thổ từng bước được định hình rõ nét, các vùng bước đầu được định hình các khu vực trọng điểm đầu tư, hình thành một số lãnh thổ động lực và một số hành lang kinh tế để ưu tiên phát triển phù hợp với nguồn lực huy động. Nhận thức về phát triển kinh tế theo vùng, liên kết vùng được nâng lên. Phát triển vùng và liên vùng từng bước được cụ thể hóa bằng các chính sách, chương trình dự án cụ thể, là cơ sở hình thành bộ khung phát triển bền vững cho quốc gia.
Đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/9/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025, trong đó giao một đồng chí Phó Thủ tướng là chủ tịch, bổ sung vai trò tham gia vào việc lập Quy hoạch các địa phương, vùng, việc giải quyết các vấn đề liên vùng để nâng cao vị thế của Hội đồng điều phối vùng. Các vùng kinh tế trọng điểm đã tiếp tục phát huy được thế mạnh và tiềm năng về vị trí giao lưu thuận lợi, mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đã được đầu tư nâng cấp, nguồn lao động có trình độ tay nghề cao so với cả nước, nơi tập trung tiềm lực khoa học - công nghệ, các trung tâm đào tạo của cả nước. Các vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục tăng sự đóng góp vào GDP cả nước, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Mạng lưới kết cấu hạ tầng các vùng kinh tế trọng điểm đã được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hiện nay, hầu hết các cảng biển lớn, các tuyến đường cao tốc đã và đang xây dựng đều nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm.