III. ĐỊNH HƯỚNG CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
d) Về chính sách giảm nghèo
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, đề án về giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền các trường hợp thành công về giảm nghèo để thúc đẩy nhân rộng và lan tỏa trong toàn xã hội. Thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; triển khai các mô hình việc làm công gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo vào làm việc ổn định trong các doanh nghiệp.
đ) Về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, phát triển thanh niên, thúc đẩy bình đẳng giới
Thực hiện đầy đủ, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Mở rộng chi trả chính sách người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp đối với người có công với cách mạng. Tiếp tục thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ người có công; từng bước xây dựng ngân hàng dữ liệu gen (ADN); tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mô và
nghĩa trang liệt sỹ. Tuyên truyền vận động toàn xã hội chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các hoạt động tình nghĩa tạo điều kiện để bản thân và gia đình người có công nỗ lực vượt khó khăn vươn lên hội nhập trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công" nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; tăng cường vận động, hỗ trợ người có công về nhà ở.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chích sách trợ giúp xã hội, thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Theo dõi sát tình hình thiên tai, dịch bệnh; chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và giáp hạt đầu năm 2021 để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện trợ giúp đột xuất ở địa phương. Xây dựng, triển khai mô hình chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng; đổi mới công tác trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất; phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, nhân rộng thí điểm đăng ký trực tuyến và chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi; khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi cô đơn, đời sống khó khăn; phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Triển khai thực hiện tốt quyền trẻ em; triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em và các chương trình, đề án mới về trẻ em, thực hiện đầy đủ các Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn. Tăng cường các hoạt động truyền thông về thực hiện quyền trẻ em, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, tư vấn thông qua các câu lạc bộ, nhóm; truyền thông quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; đặc biệt là hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm về bảo vệ trẻ em, về bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; khuyến khích việc phát hiện, lên tiếng, thông báo, tố cáo các hành vi bạo lực xâm hại trẻ em. Đẩy mạnh công tác giám sát, theo dõi, giải trình liên quan đến thực hiện quyền trẻ em thông qua việc tăng cường phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em từ trung ương đến địa phương. Tăng
cường đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình về trẻ em, kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp. Tổ chức triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2020. Thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, chú trọng đa dạng hóa các hình thức truyền thông để phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, dân cư. Triển khai các hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử.