b) Phương pháp phân tích
3.3.2. Kiến nghị với ngân hàng nhà nước
Thực hiện tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng sao cho các ngân hàng phải mạnh về nguồn vốn, vững về bộ máy tổ chức, hiện đại về công nghệ, mạng lưới hoạt động rộng khắp. Từng bước thực hiện cải tiến và mở rộng các hình thức thanh toán, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt, tuyên truyền, vận động các tầng lớp dân cư thực hiện thanh toán, chi trả hàng hóa, dịch vụ thông qua tài khoản tại ngân hàng, để từ đó dần thay đổi tập quán sử dụng tiền mặt của người dân. Thường xuyên quan tâm, nâng cao hiệu quả của từng dịch vụ ngân hàng, củng cố sức mua đồng tiền, ổn định giá cả và tỷ giá hối đoái. Nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tạo lập và củng cố uy tín của hệ thống ngân hàng.
Hoàn thiện hơn nữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thiết lập củng cố và mở rộng quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng, nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường liên ngân hàng, đảm bảo điều hòa kịp thời giữa nơi thừa và nơi thiếu vốn.
Mở rộng hơn nữa quan hệ đối ngoại với các tổ chức tài chính nước ngoài, tranh thủ sự giúp đỡ và tài trợ các nguồn vốn với lãi suất thấp. Mở rộng quan hệ tín dụng, đa dạng hóa các hoạt động về ngoại tệ, tham gia hoạt động trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, điều hành tỷ giá đồng Việt Nam một cách linh hoạt phù hợp với biến động của thị trường cũng như biến động của nền kinh tế.
Ngân hàng nhà nước cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hành vi sai trái, gian lận làm ảnh hưởng hệ thống ngân hàng, đưa hoạt động của các NHTM vào nề nếp, có hiệu quả, phục vụ tốt cho các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, góp phần không ngừng nâng cao uy tín của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế.
NHNN cần làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đề cao trách nhiệm của các NHTM trong việc quyết định cho vay, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, thiết lập đồng bộ các cơ chế phòng ngừa rủi ro, đảm bảo sự lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng.
Về chính sách lãi suất: Lãi suất là công cụ quan trọng để ngân hàng có thể thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong các tầng lớp dân cư, tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp.
Chính sách lãi suất hợp lý sẽ phát huy hiệu quả trong công tác huy động vốn. Sử dụng lãi suất hợp lý sẽ thu hút nguồn vốn ngày càng nhiều trong xã hội, kích thích các đơn vị, tổ chức kinh tế sử dụng vốn có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Chính sách lãi suất hợp lý phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của cả ngân hàng và khách hàng, đồng thời phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ theo nguyên tắc thị trường.
Vấn đề lãi suất đầu vào và đầu ra là một vấn đề phức tạp, song để giúp cho các NHTM có được lãi suất hợp lý để thu hút được các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư và đồng thời đẩy mạnh chính sách cho vay mang lại nguồn lợi nhuận cho ngân hàng, giảm khối lượng tiền tệ trong lưu thông,… thì NHNN cần phải xây dựng chính sách lãi suất linh hoạt trong quản lý hoạt động kinh doanh của NHTM. Xây dựng chính sách lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu hợp lý trong từng thời kỳ vì đây là điều kiện chủ yếu tác động trực tiếp vào việc thực hiện chính sách lãi suất của NHTM.
Cần xây dựng lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng một cách khoa học vì nó có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động ngân hàng là cơ sở để các NHTM cũng như các TCTD tham khảo và xác định lãi suất kinh doanh của mình.
Về chính sách tỷ giá: Chính sách tỷ giá cũng có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của NHTM trong đó có công tác hoạt động huy động vốn. Khi tỷ giá không ổn định tăng hoặc giảm một cách nhanh chóng mà không thể lường trước được nó sẽ gây ra những tác động xấu đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Chẳng hạn khi VND mất giá so với đồng USD thì cho dù lãi suất huy động đồng USD được giảm xuống và lãi suất huy động VND có được đẩy lên cao thì chưa chắc nguồn vốn huy động VND của các NHTM đã tăng lên do tâm lý của người dân còn e ngại đồng VND sẽ tiếp tục mất giá.
Như vậy, trong thời gian tới NHNN cần tiếp tục xây dựng chính sách tỷ giá ổn định, hợp lý, tạo niềm tin cho người dân vào đồng tiền nội tệ. Có như vậy, mới tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của NHTM, trong đó có hoạt động huy động vốn.
Về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, việc quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại ảnh hưởng đến nguồn vốn khả dụng của ngân hàng và chủ trương phân bổ nguồn vốn huy động của ngân hàng, NHNN cần áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sao cho phù hợp với tình hình thực tế, vừa đảm bảo an toàn thanh khoản, vừa đảm bảo cho
ngân hàng tận dụng hiệu quả nguồn vốn huy động của mình vào các hoạt động sinh lời. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng công cụ dự trữ bắt buộc trong việc thực thi chính sách tiền tệ.
Về hỗ trợ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: NHNN cần tạo điều kiện và phối hợp với các NHTM cùng với các cơ quan có liên quan trong việc phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: thanh toán thẻ, chi trả lương qua hệ thống ATM, kết nối hệ thống ATM giữa các NHTM, thu các loại phí, lệ phí, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại qua hệ thống tài khoản ngân hàng hoặc thông qua hệ thống ATM. Nhờ đó, khách hàng sẽ được tiện lợi hơn vì không cần tích trữ hoặc sử dụng nhiều tiền mặt để thanh toán, các NHTM thu hút được một nguồn vốn lớn tạm thời nhàn rỗi từ tài khoản thanh toán của khách hàng. Các quy định pháp lý về hoạt động thanh toán, dịch vụ thẻ cần được bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển.