II. Tổ chức dạy học chuyên đề
2. Đặc trưng của module dạy học
- Tính trọn vẹn: Mỗi module chứa một nội dung, chủ đề xác định, thể hiện sự trọn vẹn trong cấu trúc, khả năng thực thi của người học. Từ đó xác định được mục tiêu, nội dung, phương pháp và quy trình thực hiện, do vậy, nó không phụ thuộc vào nội dung đã có và sẽ có sau đó.
- Tính cá biệt: Đây là đặc trưng mang tính cá nhân. Chương trình của một module phải có tính mềm dẻo, dễ dàng thay đổi, bổ sung để thích hợp với từng đối tượng học tập.
- Tính phát triển: Module phải có khả năng liên kết với các module khác sao cho phù hợp với mục đích của quá trình đào tạo.
- Tính tích hợp: Module phải có khả năng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành cũng như giữa các yếu tố của quá trình dạy học.
- Tự kiểm tra đánh giá và đánh giá liên tục : Quy trình thực hiện một module được đáng giá thường xuyên bằng hệ thống câu hỏi dạng test.
Có bốn loại test được sử dụng trong việc đánh giá một module:
+ Test vào: Giúp học sinh kiểm tra xem mình đã biết những gì cần và đủ để có thể chọn vào module.
+ Test trước: Giúp học sinh kiểm tra xem khi bước vào module đã sẵn sàng lĩnh hội kỹ năng, tri thức và thái độ mà module định truyền đạt hay không.
+ Test kết thúc: Giúp kiểm tra xem học sinh đã đạt mục tiêu về kỹ năng, kiến thức và thái độ của một module chưa.
+ Test trung gian: Giúp học sinh kiểm tra xem sự tiến bộ của mình và cung cấp cho họ niềm tin.
Theo Nguyễn Ngọc Quang, một module dạy học gồm có bốn đặc trưng cơ bản sau:
1- Nó bao gồm 1 tập hợp những tình huống dạy học, được tổ chức xoay quanh một chủ đề trí dục được xác định tường minh.
2- Nó được định hướng bởi hệ thống mục tiêu dạy học được xác định cụ thể rõ ràng và có thể đo lường được.
3- Nó chứa đựng hệ thống những test điều khiển quá trình dạy học, nhằm đảm bảo thống nhất hoạt động dạy, hoạt động học và cả việc kiểm tra – đánh giá (liên hệ nghịch) để phân hóa con đường lĩnh hội tiếp theo.
4- Nó phải có khả năng thích nghi tốt với những hệ dạy học phân hóa - cá thể hóa, tức là chứa đựng nhiều con đường lĩnh hội, theo những cách thức khác nhau để chiếm lĩnh cùng một nội dung trí dục, đảm bảo cho người học tiến lên theo nhịp độ riêng, đi tới mục tiêu chung.
Về mặt thực tiễn, mỗi module dạy học chiếm khoảng một số tiết không nhiều. Nó không giống như một giáo trình bộ môn, cũng không phải là một bài học.
Một bài học thường được thiết kế như một cấu trúc mắt xích: Nó liên quan đến cái trước nó, và là bước đi tới cái kế tiếp; nghĩa là không độc lập, mà là một khâu liên hoàn với cái trước và cái sau của nó.
Còn module dạy học thì tương đối độc lập, nó có một đời sống riêng; nó không gắn với cái gì đi trước nó hay sẽ đi sau nó, về nội dung dạy học. Nhưng nó lại liên quan chặt chẽ với cái cái trước và cái sau nó về hoạt động học tập của người học.
Muốn tiếp theo được module này người học phải có điều kiện tiên quyết gì về kiến thức, kỹ năng (càng gần module càng tốt) và học xong module này, người học có khả năng ứng dụng vào những lĩnh vực nào.