Các yếu tố bên ngoài:

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Phát triển thị trường tiêu thụ trong nước của công ty Dược Hậu Giang (Trang 57)

- Nguồn nhân lực: Một trong những lợi thế cạnh tranh của Dược Hậu Giang so vớ

2.2.1Các yếu tố bên ngoài:

- Tình hình tăng trưởng thị trường dược phẩm Việt Nam và thị phần thuốc trong nước:

Theo báo cáo từ Công ty Nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI) Ltd (Anh) về thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2013: “Năm 2008, thị trường dược phẩm Việt Nam đạt doanh thu 1,1 tỷ USD. Năm 2009, con số này tiếp tục tăng lên 1,2 tỷ USD và dự báo năm 2013 sẽ tăng lên 1,7 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng khoảng 25%/năm, nằm trong nhóm thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới về chi tiêu cho dược phẩm và các dịch vụ y tế. Con số này có thể đạt hơn 5 tỷ USD vào năm 2015”.

Trong suốt thời gian qua, thị trường dược phẩm đã chứng kiến nhiều biến động trong tốc độ tăng trưởng của thuốc nội và thuốc ngoại. Nếu như các năm từ 2004 – 2007 tốc độ tăng trưởng bình quân của thuốc nội là 25% (trong khi tốc độ tăng trưởng của thuốc nhập khẩu là 10%) thì từ năm 2008 tốc độ tăng trưởng của thuốc sản xuất trong nước đã giảm còn 19,11% (khi tốc độ tăng trưởng của thuốc nhập khẩu là 32,57% ), đến năm 2010 tốc độ tăng trưởng của toàn ngành cũng đã có dấu hiệu chững lại và giảm sâu (chỉ còn 12,82%) do những biến động về giá nguyên

liệu nhập khẩu và tỷ giá cùng với tốc độ gia nhập của yếu tố thuốc ngoại tăng cao. Tuy nhiên đến 2012 mức tăng trưởng doanh thu ngành đã tăng tới 17%/năm. Trong khi đó thuốc sản xuất nội địa mới chỉ đáp ứng 50% so với nhu cầu sử dụng thuốc tại thị trường trong nước mà mục tiêu của Chính phủ là đến 2015 sẽ đưa giá trị sản xuất thuốc trong nước đáp ứng tới 70% nhu cầu điều trị do đó các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược phẩm như DHG vẫn còn hứa hẹn nhiều cơ hội tăng trưởng.

- Về mặt cung:

Tình hình cung trong nước: Cũng theo đánh giá của BMI thì hiện nay các công ty dược trong nước chỉ mới đáp ứng 40% nhu cầu thị trường, 60% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó theo thống kê của Bộ y tế cả nước có khoảng 185 DN tham gia ngành dược, trong đó khoảng 100 DN sản xuất tân dược, 80 DN sản xuất đông dược và 5 DN sản xuất vacxin, sinh phẩm y tế. Tuy nhiên phần lớn các DN trong nước cũng chỉ mới sản xuất được những dược phẩm chuyên khoa thông thường hay thuốc không kê đơn trong đó chỉ 19-20% được bán trong hệ thống điều trị còn các nhóm thuốc đặc trị có giá trị cao như thuốc gây mê, thuốc giải độc đặc hiệu, chế phẩm máu, thuốc chống ung thư… đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Các doanh nghiệp đến từ nước ngoài: Nhận thấy sự hấp dẫn của thị trường này, thời gian gần đây các doanh nghiệp sản xuất lớn từ nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư vào trong nước trong đó phải kể đến các tập đoàn lớn có thương hiệu mạnh trên thế giới: Tập đoàn dược phẩm Sanofi với việc đầu tư 3 nhà máy sản xuất, Rohto-Mentholatum đã tăng vốn đầu tư từ 18 triệu USD lên 33 triệu USD và xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai tại Việt Nam, United Pharma cam kết mở rộng đầu tư vào hai nhà máy đang hoạt động tại TP.HCM và Bình Dương, công ty Dược Actavis đang tìm đối tác để phát triển sản xuất và kinh doanh... Tuy nhiên theo nghiên cứu thì các doanh nghiệp đến từ nước ngoài mặc dù có thế mạnh về sản xuất các sản phẩm đặc trị tuy nhiên khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam thì hầu hết các doanh nghiệp này cũng tập trung sản xuất các loại thuốc thông thường. Vì vậy sự tăng lên ngày một nhiều các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm từ nước ngoài vào

Việt Nam cho thấy trước mắt sẽ là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi phân khúc sản phẩm thuốc thông thường vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước lại bị cạnh tranh nhiều hơn.

- Tình hình tiêu thụ dược phẩm nội địa (Mặt cầu): Theo khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh, hiện tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện trong nước ở tuyến trung ương chỉ đạt 12%, các bệnh viện tỉnh, thành phố đạt gần 34% và tại các bệnh viện huyện cũng chỉ khoảng 61%. Do đó tại chính hệ thống bệnh viện công lập và thị trường trong nước, thuốc nội cũng đang bị lép vế. Trong khi đó, theo kết luận của Bộ Y tế cho thấy, thuốc nội hiện đang đáp ứng tốt cho nhu cầu điều trị với 234/314 hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu của VN và 29 nhóm tác dụng dược lý đã đáp ứng được khuyến cáo của WHO. Đây thực sự là một nghịch lý đối với thị trường thuốc nội gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Nghịch lý này có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân: thói quen sử dụng thuốc của người dân (quan niệm rằng thuốc ngoại tốt hơn thuốc nội, do sự cạnh tranh về giá thuốc, sự độc quyền của một số loại thuốc kinh doanh tại thị trường, giá cả, chế độ hậu mãi,…). Vì vậy nếu các doanh nghiệp sản xuất trong nước tháo gỡ và giải quyết được sự mâu thuẫn này thì vẫn có nhiều cơ hội để phát triển tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên thị trường dược phẩm, thực phẩm chức năng trong nước còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển do dân số Việt Nam tăng nhanh, ý thức bảo vệ sức khỏe theo hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh ngày càng cao và thu nhập của người dân Việt Nam có phân khúc phù hợp thuốc nội. Trong khi thuốc nội với chất lượng sản phẩm cao tương đương thuốc ngoại nhập nhưng giá chỉ bằng 30% đến 50% vẫn là cơ hội tăng trưởng rất lớn cho ngành dược trong nước và đặc biệt với một doanh nghiệp luôn trú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm như DHG.

- Về mặt giá cả: Có thể nói thị trường dược phẩm Việt Nam trong những năm gần đây đang chứng kiến một sự nhiễu loạn trong giá dược phẩm mặc dù giá thuốc tại Việt Nam không cao hơn so với giá thuốc tại một số nước trong khu vực song vẫn tồn tại bất hợp lý biểu hiện ở các mặt: Đó là cùng một loại thuốc nhưng giá cung

ứng vào bệnh viện khác nhau, thuốc trong bệnh viện còn có giá cao hơn thị trường và việc phân phối lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá thuốc lên cao (vấn đề này xảy ra hầu hết đối với dòng thuốc đặc trị nhập khẩu từ nước ngoài) và một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trượng trên đó là nhiều hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn thuốc biệt dược nhập ngoại để hưởng chênh lệch.

Sự bất hợp lý về giá thuốc còn ở sự phân biệt giữa giá thuốc nội và thuốc ngoại: các sản phẩm cùng một hoạt chất và công dụng như nhau nhưng sản phẩm nội bao giờ cũng bị lép vế rất lớn về giá bán. Mặc dù giá thuốc tại Việt Nam được đánh giá là thấp hơn mặt bằng chung quốc tế và ở trong giới hạn được cho là phù hợp (MPR từ 1- 1,5 lần). Chỉ số so sánh MPR của thuốc tên gốc của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (Thượng Hải), Thái Lan, Phillippines, Indonesia. Về mặt này thì sự thiếu hiểu biết của người dân về mặt hàng đặc thù này cùng với sự không minh bạch trong công bố thông tin của các cơ sở khám chữa bệnh làm cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra giá thuốc tại Việt Nam hiện nay vẫn có sự kiểm soát của chính phủ trong khi giá nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu vẫn ở mức trên 80% khiến cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chịu nhiều sức ép từ thị trường. Mặc dù DHG đã chuyển hướng quan tâm nghiên cứu ứng dụng nguồn nguyên liệu trong nước nhưng nguyên liệu nhập ngoại vẫn chiếm tới 80% nhu cầu sử dụng nguyên liệu của công ty và chiếm tới trên 50% giá thành sản phẩm của công ty. Trong khithuốc lại là sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn giá do đó mỗi khi muốn tăng giá, các doanh nghiệp nội lại phải trình lên các cơ quan để được duyệt và cũng chỉ được tăng ở biên độ rất nhỏ.

- Sự cạnh tranh: Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nội vẫn đang cạnh tranh nhau ở phân khúc thị trường thuốc thông thường và chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm genegic (thuốc đã hết hạn bảo hộ). Trong khi đó theo đánh giá của bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Hậu Giang: thế mạnh của các công ty dược nước ngoài là sản xuất các loại thuốc đặc trị, là những loại thuốc mà các DN trong nước khó sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy nước ngoài tại

Việt Nam hiện nay lại chưa đi sâu sản xuất các loại thuốc đặc trị, mà chỉ sản xuất những chế phẩm thông thường như các DN trong nước.

Bên cạnh đó đối với các doanh nghiệp không đầu tư sản xuất tại Việt Nam mà chủ yếu thông qua hình thức văn phòng đại diện hầu hết là những tên tuổi hàng đầu thế giới trong ngành dược như Pfizer (Mỹ), GlaxoSmithKline (Anh)… hoặc liên doanh như Sonofi-Vietnam (giữa Công ty Sản xuất Dược phẩm Trung ương và Sanofi-SynThélabo của Pháp), Stada Vietnam (giữa Công ty Dược phẩm Khương Duy và Công ty Stada của Đức)... đều hoạt động kinh doanh dưới hình thức nhập khẩu không những nhập khẩu các loại thuốc loại đặc trị mà cả các loại thuốc thông thường làm cho miếng bánh thị trường của các doanh nghiệp trong nước càng bị thu hẹp hơn.

Không những vậy, theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, kể từ năm 2012 thuế nhập khẩu trung bình đối với thuốc nhập khẩu là 2,5% (trước đó là 5,2%) khi đó việc nhập khẩu thuốc sẽ càng mạnh mẽ hơn đe dọa đến sự phát triển thị trường tiêu thụ cho dược phẩm trong nước.

Các vấn đề khác:

- Thị trường thuốc giả: Thuốc giả chiếm 0,08% trên 25.497 số đăng ký hiện đang lưu hành tại Việt Nam theo số liệu của Cục quản lý Dược Việt Nam năm 2010. Sự bất cập về quản lý thuốc tại Việt Nam khiến thuốc giả vẫn có cơ hội lách luật để tồn tại trong thị trường. Các thuốc này đa số được vận chuyển từ Trung Quốc, Campuchia, Lào, Ấn Độ do quản lý yếu kém của hải quan, đi vào các nhà thuốc chưa đạt tiêu chuẩn GPP và các thị trường chợ đen khác. Điều này phần nào gây khó khăn trong tiêu thụ cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. - Quy định về chi phí Quảng cáo: Hình thức quảng bá sản phẩm trên phương tiện

thông tin là hình thức phổ biến để đưa hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Tuy nhiên thuốc ETC (thuốc kê đơn) bị giới hạn khá nhiều trong việc quảng bá sản phẩm, các hình thức hội thảo, hội nghị và các tài liệu quảng cáo đều phải thông qua sự chấp nhận của Bộ Y Tế, chỉ có thuốc OTC (thuốc không kê

đơn) mới được chấp nhận dễ dàng hơn khi quảng cáo trên kênh truyền thông đại chúng, brochure và các phương tiện truyền thông khác như báo, tạp chí, outlet .…

Tuy nhiên theo quy định hiện tại của Bộ Y tế, thuốc nội đang bị áp khung quảng cáo với chi phí không quá 10% tổng chi phí hợp lý của doanh nghiệp (trong khi thuốc ngoại lại được ưu ái khung lên đến 30%). Điều này khiến DN nhập thuốc ngoại khi vào VN quảng cáo một cách thoải mái hơn vô hình chung lại làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Quảng cáo nhiều đồng nghĩa với việc khách hàng biết đến nhiều hơn trong khi thuốc nội có nhiều sản phẩm có cùng hoạt chất giá thấp hơn 1/10 thì lại không được người dân biết đến và sử dụng điều này cũng gây khó khăn trong việc phát triển thị trường của sản phẩm thuốc nội. => Tóm lại từ các thực tế trên để phát triển thị trường tiêu thụ trong nước cho sản phẩm của mình DHG cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược phẩm trong nước gặp phải không ít khó khăn từ giới hạn về quảng bá sản phẩm, phải gánh chịu những áp lực cạnh tranh trong ngành lớn: giá bán chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, trong khi đa phần các doanh nghiệp này đều sản xuất thuốc genegic, nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu trong khi giá nguyên liệu không ổn định do biến động tỷ giá, giá cả đầu vào tăng,…lại chịu áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và từ các doanh nghiệp nước ngoài,…

Tuy nhiên không thể không nhìn thấy những mặt thuận lợi trước mắt mà các doanh nghiệp cần nắm bắt và tận dụng: Nhìn chung thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, tổng giá trị tiêu thụ thuốc tăng trưởng mạnh hàng năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP trong khi mức giá tăng bình quân ngành chỉ ở mức trên 5.8% chứng tỏ tăng trưởng của thị trường dược chủ yếu dựa trên yếu tố sản lượng do dân số đông, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cùng với nỗ lực của Chính phủ là trong thời gian tới sẽ nâng tỷ lệ sử dụng thuốc nội và chính sách “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Phát triển thị trường tiêu thụ trong nước của công ty Dược Hậu Giang (Trang 57)