Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong lĩnh vực khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 87)

vực khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với vấn đề khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường, ngoài những cái chung, phổ biến còn có cái đặc thù, cái riêng. Ở mỗi vùng địa lý, con người có những cách ứng xử khác nhau trong quan hệ đối với tự nhiên, vì vậy, không thể áp dụng một hình thức quản lý chung, duy nhất cho tất cả các địa phương, các vùng miền khác nhau. Trong lịch sử tồn tại của mình, các cộng đồng dân cư đã đúc kết và rút ra nhiều kinh nghiệm phong phú, đa dạng biểu hiện sự gắn bó, chung sống phù hợp với những đặc điểm của từng vùng sinh thái tự nhiên không giống nhau. Điều đó hoàn toàn không phải là một sự tùy tiện; trái lại, xuất phát từ chính những điều kiện tự nhiên cụ thể, xác định. Đặc điểm này thể hiện khá rõ trong lối sống, trong cách thức canh tác và trong văn hóa truyền thống của nhân dân các địa phương, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hơn ai hết, nhân dân các địa phương, trải qua cuộc sống lâu đời của mình trên những vùng tự nhiên cụ thể, họ hiểu biết khá rõ về đặc tính, đặc điểm của từng loại đất, từng cây con trong vùng, dù rằng các tri thức đó chủ yếu mang tính kinh nghiệm. Từ đó, trong suốt một thời gian dài, họ đã tạo nên cho mình một lối sống hài hòa, nhịp nhàng với thiên nhiên và sử dụng, khai thác các nguồn lực tự nhiên một cách hợp lý, bền vững. Các phong tục, tập quán và

đôi khi cả những niềm tin mang màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh trong đời sống của họ đã phản ánh khá rõ điều đó.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau như chiến tranh kéo dài, tốc độ gia tăng dân số cao, nghèo đói,… cho nên nhiều tập quán, phong tục tốt đẹp của các địa phương bị lãng quên, từ bỏ. Theo nhận định của một số nhà khoa học ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, kiểu quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lực tự nhiên đang được áp dụng lại thường bỏ qua các yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân địa phương, đồng thời ít chú ý, quan tâm đến sự hiểu biết, các kiến thức, cách quản lý truyền thống, cách tổ chức xã hội và cả những giá trị tài nguyên thiên nhiên mà họ đã từng được hưởng thụ. Công việc quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lực tự nhiên sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn, nếu như nó bị tách rời khỏi các cộng đồng dân cư địa phương, tách rời khỏi các hoạt động phát triển. Có thể nói, việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên đạt được hiệu quả thực tế như thế nào phụ thuộc đáng kể vào mức độ khai thác, sử dụng văn hóa truyền thống của các địa phương, vùng miền trong lĩnh vực này, vào sự khuyến khích đối với họ cũng như mức độ hỗ trợ của các cộng đồng dân cư. Điều này lại phụ thuộc vào sự quan tâm, giải quyết lợi ích chính đáng của người dân. Bởi vậy, cần chú ý khai thác tốt văn hóa truyền thống của từng địa phương, từng tộc người thông qua quan hệ lợi ích nhằm mục đích quản lý và bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên. Để làm tốt vấn đề này, chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp sau:

1. Cần có sự nghiên cứu một cách nghiêm túc và toàn diện đối với những giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp của các địa phương, các vùng miền trong lĩnh vực khai thác nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường. Qua đó cần chỉ rõ những điểm nào là hợp lý, có giá trị, còn phù hợp với yêu cầu của việc khai thác nguồn lực tự nhiên để kế thừa, phát triển; đồng thời những điểm nào không phù hợp thì phải loại bỏ.

2. Trong quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực khai thác nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường cần phải có sự kết hợp hợp lý giữa những tri thức khoa học hiện đại với những giá trị văn hóa truyền thống, giữa cái chung và cái riêng. Điều này vừa có tác dụng phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách và pháp luật của nhà nước đến với tất cả mọi người dân; đồng thời vừa kích thích tính chủ động, tự giác của các cộng đồng dân cư trong việc thực hiện mục tiêu chung của sự phát triển.

3. Xây dựng chương trình hợp tác cụ thể giữa chính phủ và người dân địa phương trong việc giữ gìn và khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên, bảo vệ môi trường như: gắn kết chặt chẽ quyền lợi và trách nhiệm của người dân ở các vùng, miền cụt thể vào pháp luật quốc gia, đưa ra yêu cầu họ kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với nguồn tài nguyên của mình; đồng thời xây dựng các khu tự quản, tạo lập các khu bảo vệ và tham gia tích cực vào việc hoàn chỉnh luật pháp, vào việc quyết định các vấn đề về quản lý và khai thác nguồn lực tự nhiên có ảnh hưởng đến họ…

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 87)