Sự cần thiết phải khai thác một cách hợp lý nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 25)

quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay

Trong triết học Mác, chúng ta có thể thấy giữa con người và tự nhiên có mối quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau. Mối quan hệ biện chứng và thống nhất đó bắt nguồn từ tính thống nhất vật chất của thế giới. Điều này đã được chứng minh bằng sự phát triển lâu dài và khó khăn của triết học và khoa học tự nhiên. Theo đó, giới tự nhiên có quá trình phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, và trong quá trình đó, sự xuất hiện con người là một bước nhảy vọt về chất, là sản phẩm cao nhất của sự tiến hóa trong nhiều triệu năm của giới tự nhiên. Chính vì nguồn gốc tự nhiên đó mà xét về mặt bản chất con người không thể đối lập với giới tự nhiên.

Tuy con người là sản phẩm của giới tự nhiên, nhưng từ khi xuất hiện nó đã làm thay đổi tự nhiên. Khi mới thoát thai từ động vật để tạo thành xã hội, con người còn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tự nhiên. Dần dần, trong quá trình sản xuất xã hội, thông qua lao động, con người học cách biến đổi tự nhiên, điều khiển những quá trình tự nhiên nhằm tạo ra những điều kiện tồn tại, những trạng thái môi trường phù hợp với mình. Sản xuất vật chất chính là quá trình hoạt động có mục đích của con người, là quá trình con người sử dụng công cụ lao động tác động vào giới tự nhiên, cải biến các dạng vật chất của tự nhiên để tạo ra của cải vật chất phục vụ cho đời sống của con người và xã hội. Không có sản xuất vật chất thì xã hội sẽ tiêu vong, vì thế, sản xuất ra của cải vật chất là điều kiện cơ bản của mọi xã hội, là một hành động lịch sử mà hiện nay cũng như hàng ngàn năm trước đây người ta vẫn phải tiến hành từng ngày, từng giờ cốt để duy trì cuộc sống của con người. Lao động sản xuất để tạo ra các vật phẩm vốn không có sẵn trong tự nhiên, đó cũng chính là điểm khác biệt căn bản giữa con người với tất cả các loài động vật khác, đồng thời sản xuất vật chất cũng chính là cơ sở tạo nên sự thống nhất giữa con người với tự nhiên.

Vì mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là mối quan hệ biện chứng nên có sự tác động hai chiều: không chỉ con người tác động làm biến đổi tự nhiên (thông qua quá trình sản xuất vật chất), mà tự nhiên cũng tác động trở lại đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên, sự tác động biện chứng hai chiều này không phải là vĩnh viễn không thay đổi, mà nó phát triển, phức tạp nên cùng với sự phát triển của xã hội loài người và của hoạt động thực tiễn của con người. Xu hướng quyết định sự phát triển này gắn liền với sự tăng cường vai trò cải tạo của con người và của xã hội đối với tự nhiên, tức là phụ thuộc vào trình độ của lực lượng sản xuất, mà trước hết là vào sự phát triển của công cụ lao động.

Ở những thời kỳ đầu trong sự phát triển của văn minh loài người hay giai đoạn cổ sơ, con người sống chủ yếu bằng săn bắn và hái lượm, sử dụng những sản phẩm có sẵn do tự nhiên cung cấp, nhờ những công cụ sản xuất còn quá thô sơ (chỉ là những cành cây, hòn đá, cung tên...). Lúc này, sự tác động của thiên nhiên đối với con người mạnh gấp nhiều lần so với sự tác động của con người lên tự nhiên. Con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, “hòa tan” mình vào giới tự nhiên, “thờ cúng tự nhiên”. Đây là giai đoạn “hài hòa tuyệt đối” hay sự phụ thuộc mù quáng, vô ý thức của con người đối với tự nhiên. Xã hội loài người lúc bấy giờ và môi trường tự nhiên về cơ bản chưa có gì khác biệt, chúng tạo thành chỉnh thể thống nhất, trong đó chưa có sự đối lập giữa con người với tự nhiên.

Xã hội loài người ngày một tiến lên, sản xuất ngày một phát triển. Vì thế, nguồn lực tự nhiên trong môi trường tự nhiên cũng được sử dụng ngày càng nhiều hơn, sự tác động của con người đối với tự nhiên cũng dần tăng lên. Nhưng nhìn chung, vào giai đoạn trước công nghiệp, các nguồn lực tự nhiên vẫn còn chưa được khai thác nhiều và môi trường sống của con người và hệ sinh thái mới chỉ thay đổi ở một số mặt có tính chất cục bộ và còn chưa có biến động hoặc đảo lộn trên phạm vi lớn.

Khác hẳn với hai giai đoạn trước, bước sang giai đoạn công nghiệp và hậu công nghiệp (đặc biệt là giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa), mối quan hệ giữa con người với tự nhiên có sự chuyển biến một cách căn bản. Bằng cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật, con người và xã hội loài người đã tác động một cách mạnh mẽ lên giới tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ những nhu cầu và mục đích ngày càng cao của mình. Trong giai đoạn này, con người đã khai thác một số lượng khổng lồ các nguồn lực tự nhiên cho hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động kinh tế. Thực tế đã cho thấy, bằng cách này, con người đã tạo ra một khối lượng của cải khổng lồ, làm cho chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được cải thiện. Có thể nói, con người hiện đại đã tạo ra cho mình một môi trường sống đầy đủ về vật chất, an toàn về sinh mệnh, phong phú về văn hóa so với các giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác nguồn lực tự nhiên phục vụ sự phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đang tạo ra hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng như nạn khan hiếm, cạn kiệt nguồn lực tự nhiên, ô nhiễm và suy thoái chất lượng môi trường khắp mọi nơi trên thế giới. Điều đó nhắc nhở chúng ta không được quên lời cảnh báo của Ph.Ăng-ghen rằng “chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta. Thật thế, mỗi một thắng lợi, trước hết là đem lại cho chúng ta kết quả mà chúng ta hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, lượt thứ ba, thì nó lại gây ra những tác dụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được, những tác dụng thường hay phá hủy tất cả những kết quả đầu tiên của nó” [30, 654].

Nhân loại đã có quá nhiều bài học đau đớn về sự biến mất của một số nền văn minh cổ xưa đã từng một thời rất hưng thịnh như nền văn minh Crét, nền văn minh May-a, nền văn minh Lưỡng Hà… do những hoạt động có tính chất hủy diệt của con người đối với môi trường tự nhiên. Những gì đã xảy ra trong quá khứ hoàn toàn có thể lặp lại ở hiện tại và tương lai, một khi con người vô tình hoặc cố ý không đảm bảo mối quan hệ hài hòa và sự đồng tiến hóa giữa xã hội và tự nhiên. Ngày nay, càng có nhiều cơ sở để chúng ta thấy

rằng, quyền hành và sự thống trị của con người đối với giới tự nhiên không phải là lớn như ta hình dung ở các thế kỷ trước, càng không phải tuyệt đối, nhất là khi con người với khoa học trong tay đã trở thành một lực lượng có sức mạnh biến đổi tự nhiên ngày càng lớn hơn gấp nhiều lần. Không thể tiếp tục sai lầm, đã đến lúc chúng ta cần tìm cách sống hài hòa với thiên nhiên, điều khiển có ý thức mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, con người không chỉ thực hiện một chiều là khai thác tự nhiên, mà còn có trách nhiệm bồi bổ, tái tạo và làm phong phú thêm cho tự nhiên. Đó là cách giải quyết đúng đắn cho những vần đề sinh thái toàn cầu đang đặt ra hiện nay.

Việt Nam hiện nay vẫn là quốc gia chậm phát triển, đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu là sớm thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Để thực hiện được mục tiêu đó thì việc đẩy mạnh sản xuất nhằm tăng trưởng kinh tế là yêu cầu tất yếu; mà để tăng trưởng kinh tế thì nhất định phải sử dụng các nguồn lực tự nhiên với tư cách là nguồn lực đầu vào không thể thiếu của sản xuất. Tuy nhiên, giống như tình trạng chung của các nước đang phát triển, một vấn đề bức xúc đặt ra hiện nay là nguồn lực tự nhiên của chúng ta ngày càng cạn kiệt tới mức trầm trọng do việc khai thác quá mức và sử dụng không hợp lý. Đồng thời việc sản xuất lại chủ yếu dựa vào kỹ thuật và công nghệ lạc hậu dẫn tới sự tiêu tốn và lãng phí nhiều nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng. Bên cạnh đó, thái độ không thân thiện của con người với môi trường, cách thức quản lý không phù hợp, cùng với mặt trái của cơ chế thị trường chưa được khắc phục một cách hiệu quả cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Để có thể giảm thiểu tới mức thấp nhất những hậu quả về mặt môi trường sinh thái do hoạt động tăng trưởng kinh tế và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần phải lựa chọn cho mình một chiến lược nhằm khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho sự phát triển, trong đó có nguồn lực tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thế nào là khai thác một cách hợp lý?

Trong thập niên 70 của thế kỷ XX, khi nhận thức được rằng khai thác nguồn lực tự nhiên một cách bừa bãi sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho sự sống của con người và toàn bộ sinh quyển, các nhà khoa học đã nêu ra một quan điểm về bảo vệ nguồn lực tự nhiên và môi trường được nhiều người ủng hộ, là bảo vệ tức là phải giữ nguyên hiện trạng tự nhiên mà không khai thác gì cho sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đến thập niên 80 của thế kỷ XX, quan điểm trên không còn đứng vững, vì trong thực tế không thể viện lý do bảo vệ nguồn lực tự nhiên và môi trường để hạn chế hoàn toàn việc khai thác nó cho sự phát triển kinh tế, nhất là đối với các nước đang phát triển, nơi đang có những nhu cầu phát triển sản xuất rất lớn. Mặt khác, chính bản thân các nguồn lực tự nhiên cũng biến đổi không ngừng, cho nên việc cố gắng giữ nguyên hiện trạng lâu dài trở nên không tưởng. Vì vậy, vấn đề hiện nay ở nước ta không phải là có khai thác hay không khai thác nguồn lực tự nhiên cho sự phát triển kinh tế, mà là khai thác sao cho hợp lý và có hiệu quả nhất. Theo chúng tôi, tính hợp lý và hiệu quả của việc khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay phải được thể hiện trên cả hai phương diện: phương diện kinh tế và phương diện môi trường.

- Về phương diện kinh tế: Việc khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên được thể hiện ở hai khía cạnh:

+ Thứ nhất, việc khai thác đó phải đảm bảo yêu cầu cho sự phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nó được bộc lộ thông qua

năng suất lao động, thông qua hiệu quả kinh tế mà hoạt động khai thác đó đem lại. Điều này có nghĩa việc khai thác và sử dụng nguồn lực tự nhiên được gọi là hợp lý khi mà nguồn đầu vào (các nguồn lực tự nhiên) là thấp nhất, nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm phải cao nhất. Tất nhiên, tùy thuộc vào từng ngành kinh tế, từng lĩnh vực thì các tiêu chí chung cần được cụ thể hóa thành một hệ thống các tiêu chí riêng phản ánh tính hiệu quả của việc khai thác và sử dụng nguồn lực tự nhiên.

+ Thứ hai, việc khai thác nguồn lực tự nhiên phải hướng đến sự phát triển lâu bền, nghĩa là phải đảm bảo rằng việc khai thác nguồn lực tự nhiên để phục vụ cho nhu cầu tồn tại và phát triển của hiện tại nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn những nhu cầu đó.

- Về phương diện môi trường: Việc khai thác nguồn lực tự nhiên được coi là hợp lý khi nó không gây ra những tác động xấu đến môi trường, tức là phải đảm bảo việc hạn chế ô nhiễm môi trường sống do chính hoạt động khai thác đó gây ra, tiến đến không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống của con người. Tức là phải đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên trong sự phát triển xã hội nói chung và giữa sự tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sống nói riêng.

Tóm lại, trong quá trình khai thác nguồn lực tự nhiên phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay phải đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả và lâu bền. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề đơn giản, bởi lẽ nó phải giải quyết được một mâu thuẫn giữa một bên là nguồn lực tự nhiên trong môi trường tự nhiên là có hạn với một bên là nhu cầu khai thác và sử dụng nó của con người là vô hạn, đặc biệt là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường. Mâu thuẫn này chỉ có thể được giải quyết một khi con người sử dụng sức mạnh của tư duy, của nhận thức để nắm bắt được các quy luật của tự nhiên và hành động thuận theo những quy luật đó nhằm mục đích xác lập lại mối quan hệ hài hòa, thống nhất và sự đồng tiến hóa giữa xã hội và tự nhiên.

Như vậy, từ vị trí, vai trò của nguồn lực tự nhiên và yêu cầu của việc khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như đã trình bày ở trên, vấn đề đặt ra là phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện thực trạng và đặc điểm của việc khai thác đó ở nước ta hiện nay để từ đó có phương hướng khai thác và sử dụng hợp lý và có hiệu quả hơn, đảm bảo cho sự thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chƣơng 2

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)