Phƣơng hƣớng chung

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 71)

Việc khai thác nguồn lực tự nhiên ở nước ta hiện nay phải đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả và bền vững. Nghĩa là việc khai thác đó, một mặt, phải đáp ứng được yêu cầu là nguyên liệu đầu vào cho sự phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao hiệu quả và chất lượng của việc khai thác đó; mặt khác, phải tăng cường việc bảo vệ, cải tạo và nuôi dưỡng nguồn lực tự nhiên sao cho việc khai thác nó của thế hệ hôm nay không làm ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau.

Xuất phát từ quan điểm đúng đắn này và đáp ứng những đòi hỏi mới trong việc khai thác nguồn lực tự nhiên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp

hóa, hiện đại hóa đã được trình bày ở chương 2, cần quán triệt các định hướng cơ bản sau đây:

3.1.1. Khảo sát và đánh giá đúng thực trạng khai thác nguồn lực tự nhiên ở Việt Nam hiện nay cả về cách thức, quy mô, hiệu quả, mức độ đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xã hội, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đặc biệt là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường, cách mạng khoa học – công nghệ và hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó, thấy được các thành tựu, ưu điểm đã đạt được để phát triển, đồng thời phải chỉ ra được những hạn chế, bất cập, không phù hợp để khắc phục.

3.1.2. Trong quá trình khai thác nguồn lực tự nhiên phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải quán triệt và thực hiện quan điểm về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Điều này có nghĩa, việc khai thác nguồn lực tự nhiên cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay phải nhằm đạt đến ba mục tiêu cơ bản của sự phát triển bền vững: bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường.

+ Bền vững về kinh tế: việc khai thác nguồn lực tự nhiên phải thỏa mãn nhu cầu là yếu tố đầu vào không thể thiếu của quá trình sản xuất xã hội, nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định.

+ Bền vững về xã hội: thực hiện công bằng, bình đẳng xã hội, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), tăng thu nhập quốc dân tính theo đầu người (GDP), nâng cao chất lượng giáo dục và nâng cao dân trí; chăm sóc sức khỏe và nâng cao tuổi thọ của người dân.

+ Bền vững về môi trường: việc khai thác nguồn lực tự nhiên phải đảm bảo việc hạn chế ô nhiễm môi trường sống do chính hoạt động khai thác đó gây ra, tiến đến không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống của con người.

3.1.3. Nâng cao vai trò và năng lực quản lý của nhà nước đối với nguồn lực tự nhiên nói chung và với hoạt động khai thác nguồn lực tự nhiên nói riêng phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quản lý nhà nước đối với vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường là sự thể hiện tập trung, sâu sắc và đầy đủ nhất nguyên lý về vai trò chủ thể tích cực của con người trong việc điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên. Có thể thấy rằng, những hạn chế và hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực khai thác nguồn lực tự nhiên ở nước ta thời gian qua có một phần không nhỏ là do năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với vấn đề này còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải có được những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của nhà nước đối với vần đề này, đặc biệt là thông qua các công cụ quản lý cơ bản như chính sách, pháp luật, kinh tế, văn hóa…

3.1.4. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc khai thác nguồn lực tự nhiên.

Việc khai thác nguồn lực tự nhiên chủ yếu theo bề rộng ở nước ta thời gian qua không chỉ làm cho số lượng các nguồn tài nguyên bị khai thác đã vượt quá mức độ cho phép, dẫn đến nạn cạn kiệt và khan hiếm dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn làm cho môi trường sống bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Có thể nói, số lượng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước ta hiện nay không còn nhiều để chúng ta tiếp tục khai thác bừa bãi và lãng phí. Cái giá phải trả cho sự sai lầm sẽ là rất lớn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có được những giải pháp hữu hiệu nhằm khai thác có hiệu quả hơn nguồn lực tự nhiên, sao cho vừa đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, nhưng vẫn duy trì và nuôi dưỡng nguồn lực tự nhiên cho các thế hệ mai sau.

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)