Xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách và pháp luật về khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 78)

sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường

Hệ thống chính sách và pháp luật trong lĩnh vực khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường là một bộ phận tạo ra khuôn khổ

pháp lý trong việc hướng dẫn các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên nhằm hướng đến sự phát triển mang tính lâu bền. Bởi vậy, các chính sách và pháp luật thuộc lĩnh vực khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường giữ vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động khai thác của các tổ chức, các doanh nghiệp và tất cả các cá nhân liên quan.

Hệ thống chính sách và pháp luật là một công cụ đắc lực để thực hiện vai trò quản lý của nhà nước trong lĩnh vực khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên. Ý thức được điều này nên nhà nước ta cũng đã sớm xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật nhằm quản lý việc khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất vật chất. Điều 29 của Hiến pháp năm 1992 của nước ta đã ghi rõ: “Các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường”.

Nhằm cụ thể hóa những quy định chung về khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường đã được khẳng định trong Hiến pháp, Nhà nước ta đã ban hành “Luật bảo vệ môi trường” vào năm 1993 (có hiệu lực từ tháng 01 năm 1994), sau đó tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005 (có hiệu lực từ 01/7/2006). Cùng với việc nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành “Luật bảo vệ môi trường” sửa đổi theo hướng hình thành các quy phạm rõ ràng, cụ thể, chi tiết và khả thi, nhà nước cũng đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành một số ngành luật cụ thể như: Luật bảo vệ và phát triển rừng (năm 1991), Luật đất đai (năm 1993), Luật dầu khí (năm 1993), Luật khoáng sản (năm 1996), Luật tài nguyên nước (năm 1998)… Những bộ luật này là cơ sở pháp lý quan trọng, thể hiện sự cố gắng của nhà nước trong việc quản lý đối với hoạt động khai thác và sử dụng nguồn lực tự nhiên. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng trong những năm qua nhiều bộ luật vẫn chưa thực

sự đi vào cuộc sống, mà một trong những nguyên nhân là chưa tạo ra được hệ thống kiểm tra, giám sát hữu hiệu với các quy định cụ thể dưới luật.

Sự thiếu đồng bộ trong hệ thống chính sách và pháp luật cùng với thiếu kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực khai thác nguồn lực tự nhiên là kẽ hở cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh lợi dụng nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình mà bất chấp những hậu quả gây ra cho xã hội, quên mất lợi ích lâu dài của quốc gia. Do vậy, để nâng cao vai trò quản lý của nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên thì hệ thống chính sách và pháp luật ở nước ta cần phải được hoàn thiện theo hướng:

1. Hệ thống chính sách, pháp luật phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ; đồng thời có cơ chế điều chỉnh một cách linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tiễn và những yêu cầu mới đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề khai thác và sử dụng nguồn lực tự nhiên. Việc thường xuyên bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh các bộ luật về khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên là việc làm rất cần thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước, vì đó chính là những căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước về nguồn lực tự nhiên và môi trường các cấp, các địa phương tổ chức quản lý, điều chỉnh, hướng dẫn, thưởng phạt trong lĩnh vực khai thác và sử dụng nguồn lực tự nhiên.

2. Hệ thống chính sách và pháp luật về khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên phải vừa có tính chất giáo dục, ngăn ngừa những hành vi vi phạm, vừa đủ mạnh để răn đe, trừng phạt những kẻ cố tình vi phạm hay có những biểu hiện coi thường pháp luật.

3. Nhanh chóng xây dựng những văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn, cụ thể hóa các điều khoản, quy định chung trong các bộ luật (như Luật đất đai, Luật khoáng sản, Luật bảo vệ và khai thác rừng…) nhằm tăng hiệu lực của công cụ quan trọng này trong đời sống thực tiễn. Trong đó, nên xác định rõ trách nhiệm pháp lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời

khuyến khích, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân tích cực trong hoạt động khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường.

4. Vấn đề khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường là một vấn đề có tính liên ngành, đa dạng, đòi hỏi có sự chủ động và tự giác tham gia của nhiều chủ thể. Vì thế, trên phương diện này, một vấn đề quan trọng đặt ra là cần phải đưa yêu cầu khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên vào nội dung các điều khoản thuộc các ngành luật khác (như Luật dân sự, Luật hình sự, Luật hành chính) và trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Đây chính là cơ sở, hành lang pháp lý để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nền sản xuất xã hội nói riêng và toàn bộ đời sống xã hội nói chung.

5. Thiết lập ý thức pháp luật về bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên đối với tất cả mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội. Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đang tìm mọi cách nhằm tăng nhanh nguồn thu từ hoạt động khai thác nguồn lực tự nhiên do lợi dụng những kẽ hở do hệ thống chính sách, pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường sống của con người. Có thể nói rằng, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và khai thác nguồn lực tự nhiên của các chủ thể kinh tế chưa cao, chưa trở thành một hành động mang tính tự giác; mục tiêu phát triển bền vững chưa được thể hiện rõ nét trong các hoạt động kinh tế. Vì vậy, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay yêu cầu đặt ra là cần phải có sự hưởng ứng từ tất cả các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, bằng hành động thực tiễn của mọi chủ thể kinh tế, mọi thành viên trong xã hội mà tiền đề là ý thức pháp luật về khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên.

6. Hệ thống chính sách và pháp luật cần phải được xây dựng dựa trên cơ sở tính hợp lý, đồng bộ giữa ba mục tiêu: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể quán triệt

được mục tiêu phát triển lâu bền ngay từ đầu mà không phải theo kiểu “làm đến đâu sửa đến đấy”.

7. Những điều luật là những yêu cầu bắt buộc chung đối với tất cả mọi công dân, mọi địa phương, mọi vùng miền của đất nước và công tác quản lý việc thực hiện luật là thống nhất trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước về nguồn lực tự nhiên. Tuy nhiên, quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với vấn đề khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên cũng cần phải kèm theo những chính sách cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương. Chẳng hạn, đồng bào ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ở các vùng sâu, vùng xa, cuộc sống từ bao đời nay của họ gắn liền với việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là với tài nguyên rừng. Nay, với những điều đã được quy định trong các bộ luật, việc khai thác rừng và các tài nguyên rừng bị hạn chế, bị nghiêm cấm, đã làm cho cuộc sống của người dân ở các nơi đó vốn đã rất khó khăn, thiếu thốn, càng trở nên khó khăn, thiếu thốn hơn. Bởi vậy, cùng với việc quản lý việc thi hành các bộ luật trong lĩnh vực khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên, cần phải có những chính sách về xóa đói, giảm nghèo; chính sách giao đất, giao rừng; chính sách khuyến nông, khuyến lâm… để một mặt hỗ trợ cho người dân trong cuộc sống, và mặt khác, tăng cường công tác bảo vệ và khai thác một cách hợp lý, có hiệu quả hơn nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường ở những vùng xung yếu của đất nước.

8. Một số vấn đề về khai thác nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường hiện nay không còn là mối quan tâm riêng của từng quốc gia, mà đã trở thành những vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có vấn đề về chính sách và pháp luật. Do đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Điều này có nghĩa là, các chính sách và pháp luật của nước ta về khai thác nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường cũng phải được xây dựng trên cơ sở vừa thỏa mãn những yêu cầu, chuẩn mực chung của luật pháp và thông lệ quốc tế, đồng thời phải phù hợp với tình hình cụ thể của nước ta.

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 78)