Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 74)

trong việc bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên

Chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng những vấn đề bức xúc hiện nay trong lĩnh vực khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường trên thế giới có nguyên nhân từ chính hoạt động sống của con người; đồng thời, đến lượt mình, cũng chỉ có con người mới có thể khắc phục được những hậu quả do chính mình gây ra đó nhằm thiết lập trở lại mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên. Sở dĩ chúng ta có thể làm được điều đó là bởi vì con người khác các loài vật khác ở chỗ con người biết tư duy, có thể nhận thức được các quy luật khách quan của tự nhiên và do đó, có thể hành động ngày càng phù hợp hơn với các quy luật ấy. Vì vậy, trước khi nói đến việc vì sao và làm thế nào để khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên thì trước hết phải chú ý đến việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội (từ cán bộ quản lý nhà nước cho đến các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp và của toàn thể nhân dân) đối với vấn đề đó, bởi vì, chỉ có dựa trên cơ sở của sự nhận thức đúng đắn thì mới có được những giải pháp mang tính khả thi. Những vấn đề về nhận thức cần phải làm rõ ở đây là:

- Thứ nhất, cần phải nhận thức rõ vị trí, vai trò của nguồn lực tự nhiên đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người nói chung và với hoạt động sản xuất vật chất, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa,

hiện đại hóa nói riêng; thực trạng của việc khai thác nguồn lực tự nhiên ở nước ta hiện nay (chúng ta đã đạt được những thành tựu gì, đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém gì? Thuận lợi nào cần phát huy, khó khăn nào cần khắc phục, vượt qua?...).

- Thứ hai, cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc vấn đề mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong sự phát triển xã hội, thấy được mối quan hệ biện chứng, thống nhất giữa chúng; từ đó mới có thể thấy được khả năng cũng như những điều kiện cần thiết để có thể khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do việc khai thác và sử dụng bừa bãi, không hợp lý nguồn lực tự nhiên gây ra.

Để có thể nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với những vấn đề trên, chúng ta phải thực hiện các biện pháp sau:

1. Nâng cao nhận thức, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác nguồn lực tự nhiên, từ đó mới có cơ sở để hoạch định và tổ chức thực hiện một chiến lược ở tầm quốc gia về khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên, gắn nó với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong các xã hội hiện đại ngày nay, tăng trưởng kinh tế không còn là mục tiêu duy nhất của các quốc gia. Sự bức xúc của các vấn đề như cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường buộc con người phải có sự thay đổi căn bản trong quan niệm về sự phát triển. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc một chiến lược đúng đắn, hợp lý trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lực tự nhiên, gắn nó với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước chính là nhằm hướng đến sự phát triển mang tính lâu bền, là sự biểu hiện của mối quan hệ hài hòa và sự cùng tiến hóa giữa xã hội và tự nhiên. Việc thực hiện chiến lược này phải được quán triệt trong toàn bộ quá trình, từ khâu xây dựng các chủ trương, chính sách, xác định các mục tiêu đến cách thức tổ chức thực hiện trong thực tế.

Như Ph.Ăng-ghen từ cuối thế kỷ XIX đã cảnh báo rằng, con người hoàn toàn không thể thống trị giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, bởi vì con người thuộc về giới tự nhiên, là sản phẩm của tự nhiên, do vậy, con người chỉ có thể điều khiển được tự nhiên bằng cách nắm vững những quy luật của tự nhiên và biết vận dụng những quy luật đó vào hoạt động thực tiễn, trước hết là hoạt động sản xuất vật chất. Để có thể xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật về khai thác nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường thì một mặt đòi hỏi người quản lý phải có sự am hiểu thấu đáo về các vấn đề của nguồn lực tự nhiên, phải nắm vững quy luật về sự thống nhất biện chứng của hệ thống tự nhiên – con người – xã hội và sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các yếu tố đó. Mặt khác, người làm ra luật, ra các chủ trương chính sách về khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên phải nắm vững thực trạng khai thác các nguồn lực tự nhiên và môi trường của đất nước, cùng xu hướng biến động của chúng trong điều kiện cụ thể đang có nhiều tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường. Để đáp ứng được những đòi hỏi đó thì đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước không có cách nào khác là phải thường xuyên, liên tục được đào tạo và đào tạo lại để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức đối với lĩnh vực mà mình quản lý. Chỉ có trên cơ sở đó nhà nước mới có được hệ thống chính sách, pháp luật hoàn thiện trong lĩnh vực khai thác nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường.

2. Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, xây dựng nếp sống hài hòa, thân thiện giữa con người với tự nhiên; giáo dục ý thức và thói quen trong việc khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường.

Cần phải giáo dục và tuyên truyền để mọi người thấy được rằng vấn đề khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường sống của con người không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước và các cơ quan chuyên trách của nhà nước, mà nó là yêu cầu và nhiệm vụ chung của toàn xã hội, từ nhà nước cho đến các doanh nghiệp, các tổ chức và của mỗi người dân. Hiểu biết về điều

này sẽ giúp cho toàn xã hội có thói quen và sự tự giác trong việc phải khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên trong toàn bộ hoạt động sống của mình, tạo thành một ý thức tự giác cao, thường trực, một nếp sống văn hóa và hành động cụ thể trong việc đối xử giữa con người với tự nhiên.

3. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật và các thông tin về các vấn đề bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên cho mọi người dân. Đưa nội dung giáo dục về những vấn đề trên vào chương trình sách giáo khoa của hệ thống giáo dục quốc dân, tăng dần thời lượng và tiến tới hình thành môn học chính khóa đối với tất cả các cấp học từ tiểu học cho tới đại học. Những nội dung giáo dục cần cung cấp những kiến thức cơ bản về nguồn lực tự nhiên; về tính chỉnh thể của hệ thống tự nhiên; về vai trò của nguồn lực tự nhiên và về vị trí của con người cũng như mối quan hệ biện chứng giữa con người và tự nhiên; về sự hài hòa giữa lợi ích của chủ thể (con người) với lợi ích của khách thể (tự nhiên); về sự kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ, duy trì và nuôi dưỡng nguồn lực tự nhiên vì sự phát triển lâu bền… Chỉ khi nào đạt đến mức độ đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục về khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên mới đạt được kết quả tốt; mới tạo cho mọi người những điều kiện, cơ hội để tự mình quyết định một cách đúng đắn và hợp lý hoạt động của mình trong mối quan hệ với tự nhiên.

4. Nâng cao trình độ dân trí làm cơ sở để nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường. Đây cũng là một giải pháp quan trọng, bởi vì tất cả những biện pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục có thực hiện được mục tiêu đặt ra hay không còn phụ thuộc khá nhiều vào sự hiểu biết và thái độ của người dân đối với nó. Để nâng cao trình độ dân trí thì việc làm quan trọng và có hiệu quả nhất là đầu tư thỏa đáng cho giáo dục và đào tạo; để giáo dục và đào tạo thực sự trở thành quốc sách hàng đầu.

5. Xây dựng và từng bước hình thành một nền đạo đức sinh thái và lối sống văn hóa sinh thái mới thay thế cho lối sống văn hóa tiểu nông – đó là nền đạo đức sinh thái và lối sống văn hóa sinh thái trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kinh tế thị trường.

Lối sống văn hóa sinh thái truyền thống, vốn được hình thành trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, có thể gọi đó là lối sống văn hóa sinh thái tiểu nông với đặc trưng cơ bản tích cực là sống hài hòa với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, nhưng lại chưa biết khai thác tự nhiên một cách tích cực, hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội. Những thói quen, phong tục, tập quán của lối sống tiểu nông đó, ngoài những mặt tích cực như trên đã nói, còn có những nét chưa đẹp và bất cập so với sự phát triển xã hội hiện đại, nhất là trong lĩnh vực khai thác nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, một nền đạo đức sinh thái và lối sống văn hóa sinh thái mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường mà chúng ta xây dựng cần phải cùng lúc thỏa mãn được cả hai điều kiện: một mặt

là đảm bảo mối quan hệ hài hòa và sự cùng tiến hóa giữa con người và tự nhiên, mặt khác là phải khai thác hợp lý nguồn lực tự nhiên nhằm phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế. Muốn thực hiện được điều đó thì yêu cầu đặt ra là chúng ta phải xây dựng được một hệ thống các chuẩn mực của đạo đức sinh thái trên cơ sở của hệ thống các chuẩn mực đạo đức nói chung của con người. Trên cơ sở các chuẩn mực đó, các chủ thể đạo đức sinh thái sẽ tự ý thức, tự điều chỉnh những hành vi của mình trong mối quan hệ với tự nhiên theo tiêu chí: những hành động nào phù hợp với các chuẩn mực thì được coi là những hành động có đạo đức, có văn hóa sinh thái; còn những hành động nào không phù hợp với các chuẩn mực thì cũng đồng nghĩa với vô văn hóa, vô đạo đức.

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác nguồn lực tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (Trang 74)