Mối quan hệ giữa trẻ em với gia đình và xã hội

Một phần của tài liệu Vai trò của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh Cao Bằng hiện nay (Trang 27)

Đối với mỗi gia đình, trẻ em là thành viên nhỏ tuổi nhất là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt nhất. Chính vì vậy khi nói đến trẻ em là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình. Mỗi người làm cha làm mẹ, con cái là niềm hạnh phúc, niềm hy vọng lớn lao là tương lai của gia đình nếu chúng khôn lớn, khoẻ mạnh, trưởng thành, giúp ích được cho đời, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, sống hoà thuận. Ngược lại sẽ trở thành nỗi bất hạnh lớn nếu như con cái bị tật nguyền, và nhất là chúng hư đốn, bất hiếu, phản phúc, hại dân, hại nước. Nói như vậy để thấy rằng việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước tiên là trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ, của mỗi gia đình. Trong các tài sản của các gia đình thì con cái là tài sản quý báu nhất. Trong các tình cảm của mỗi bậc làm cha, làm mẹ thì đây là tình cảm gần gũi và sâu sắc nhất; trong trách nhiệm của gia đình, bố mẹ thì đây là trách nhiệm trực tiếp nhất;

trong các hy vọng của cha mẹ thì đây là hy vọng cao nhất. Vì vậy, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phải bắt đầu từ cái nôi của gia đình.

Đối với xã hội, trẻ em là lớp công dân đặc biệt vì các em còn nhỏ tuổi, là nguồn nhân lực tương lai. Các em còn ngây thơ, trong trắng. chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, dễ bị tổn thương, còn phụ thuộc và chưa đủ điều kiện cũng như kỹ năng để tự chăm sóc và bảo vệ mình. Vì vậy, các em cần sự yêu thương quý trọng để được sống khoẻ mạnh, được vui chơi, học tập và phát triển trong cuộc sống. Tương lai của trẻ cần được hình thành trong sự chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ của người lớn một cách đặc biệt, điều này phù hợp với đặc điểm yêu cầu của lứa tuổi, phù hợp với lý tưởng xã hội với vai trò tương lai mà các em sẽ đảm nhận.

Trẻ em là những lực lượng lao động tương lai, người làm chủ xã hội về mọi mặt. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của những người chủ tương lai của đất nước. Bác đã khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng

là chủ tương lai của đất nước… chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân… vì tương lai con em chúng ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt” [ 23, tr.74].

Trẻ em được cả thế giới quan tâm, khẩu hiệu “Trẻ em nay thế giới ngày mai” đã và đang trở thành phương châm hành động của nhiều quốc gia trên thế giới. Quyền và hạnh phúc của trẻ em đã được Liên hiệp quốc quan tâm từ khi tổ chức này thành lập. Một trong những hành động đầu tiên của Liên Hiệp Quốc là thành lập Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) vào ngày 11/12/1946, ngày nay nó trở thành trụ cột chính của sự viện trợ quốc tế cho trẻ em. Trong Tuyên ngôn về quyền con người, Liên hiệp quốc tuyên bố rằng: “Trẻ em có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt”. Tư tưởng này đã được nêu ra rất sâu sắc trong bản Tuyên ngôn Giơ-ne-vơ năm 1942 về quyền trẻ em. Tuyên ngôn năm 1959 sửa đổi lần hai khẳng định quyền trẻ em - mối

quan tâm của toàn nhân loại và loài người có trách nhiệm trao cho trẻ em những cái tốt đẹp nhất.

Trong thời gian chuẩn bị cho năm quốc tế trẻ em năm 1979, Uỷ ban Liên hiệp quốc về nhân quyền đã soạn thảo một Công ước về quyền trẻ em. Sau 10 năm sửa đổi và tu chỉnh với sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các nước và các tổ chức quốc tế, được các cơ quan Liên hiệp quốc như uỷ ban về quyền con người và Hội đồng kinh tế - xã hội chuẩn y, Công ước đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc chính thức thông qua ngày 20-11-1989. Công ước có hiệu lực và trở thành luật quốc tế từ ngày 02-9-1990. Tính đến nay đã có 195 quốc gia thành viên gia nhập hoặc phê chuẩn công ước, nhiều hơn bất kỳ hiệp ước nào khác về nhân quyền trong lịch sử. Công ước không chỉ là những hiệp ước mới nhất mà được chấp nhận rộng rãi nhất về nhân quyền quy định những quyền mà trẻ em trên thế giới được hưởng. Đó là các quyền được sống, được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn công ước này (ngày 20-02- 1990) và trở thành quốc gia thành viên của công ước về quyền trẻ em.

1.3. Vai trò của gia đình trong việc việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu Vai trò của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh Cao Bằng hiện nay (Trang 27)