Vai trò của các thế hệ trong gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Một phần của tài liệu Vai trò của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh Cao Bằng hiện nay (Trang 32 - 38)

1.3. Vai trò của gia đình trong việc việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta hiện nay

1.3.2. Vai trò của các thế hệ trong gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

1.3.2.1. Vai trò của cha mẹ

Vai trò của cha mẹ là đảm bảo gia đình luôn ấm no, bình đẳng, hạnh phúc; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mang tính cá biệt cụ thể cho từng trẻ. Cha mẹ là người sinh thành vì thế biết được tính cách của từng đứa con của mình, hiểu được những điểm mạnh cần phát huy của con và những hạn chế cần uốn nắn kịp thời; giữa con trai và con gái, trẻ nhỏ và trẻ lớn cần có những biện pháp giáo dục khác nhau. Khoa học đã chứng minh ở giai đoạn đầu đứa tiếp thu ngôn ngữ, văn hoá, kinh nghiệm xã hội không phải bằng lý trí và tư duy khái niệm mà đơn giản chỉ bằng những cử chỉ bắt chước thông

qua âm thanh, tình cảm của người xung quanh mà đầu tiên và quan trọng nhất là cha mẹ.

Trẻ em là một sinh thể còn non nớt, lúc còn nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào sự bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của cha mẹ. Do quan hệ huyết thống và quá trình sinh sống gần gũi một cách tự nhiên với cha mẹ vì thế cha mẹ là người hiểu hơn ai hết đứa con mà mình sinh ra. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của người cha người mẹ có những thiên hướng riêng đối với đứa trẻ mà không ai có thể thay thế được cho ai.

Người mẹ chính là cô giáo đầu tiên của trẻ, bằng những dòng sữa ngọt lành của chính cuộc sống người mẹ, bằng lời ru, bằng cử chỉ âu yếm, ân cần chăm sóc nhân hậu, đức tính kiên nhẫn, chịu đựng cần cù, chịu thương, chịu khó… đã gây dựng cho trẻ tình cảm yêu thương con người, cảnh vật, tình yêu quê hương đất nước, lao động tốt. Tất cả những điều đó sẽ đặt nền móng cho sự hình thành nhân cách của trẻ sau này.

Ở Việt Nam, bằng những lời hát ru mang đậm bản sắc văn hoá riêng của dân tộc, người mẹ đã truyền cho con tất cả tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc đặc biệt, bởi vì hát ru là một loại hoạt động có giá trị lớn lao đối với trẻ em. Trải qua năm tháng trẻ em cảm nhận được nét đẹp của văn hoá gia đình, dân tộc đồng thời tình cảm tốt đẹp này được nảy sinh hình thành những năng khiếu thẩm mỹ, hướng trẻ đến cái thiện, tạo cho trẻ lòng nhân ái. Đó là phẩm chất cơ bản của đạo đức con người, hình thức dạy con bằng những tiếng hát ru là hình thức đầu tiên mang lại hiệu quả tuyệt vời cả mặt tâm lý cũng như sinh lý.

Gia đình Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo nhưng vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình vẫn được khẳng định. Điều đó trước hết khẳng định bản lĩnh tự chủ của dân tộc ta trong việc tiếp thu nền văn hoá ngoại nhập, hơn nữa điều kiện của một nước với nền kinh tế nông nghiệp, đòi hỏi phải có sự phân công lao động giữa vợ và chồng

vì thế vai trò của người phụ nữ trong gia đình ngày càng được khẳng định.

Văn hoá Việt Nam là văn hoá nông nghiệp trồng lúa nước mà đặc trưng của nó trong ứng xử xã hội là ưa trọng tình thương dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn và trọng phụ nữ. Mặt khác, đất nước ta luôn có chiến tranh, các thế hệ con trai, những người cha ra trận, để lại đằng sau một hậu phương lớn với gánh nặng đè lên đôi vai của người phụ nữ, người mẹ trong gia đình.

Tuy nhiên, để giúp trẻ em phát triển hài hoà cần có sự dẫn dắt chỉ bảo của người cha. Cùng với người mẹ, người cha sẽ giúp cho con mình hình thành nhân cách và những giá trị tinh thần của gia đình, của dòng họ và của thân tộc. Quá trình ấy diễn ra từ khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến lúc trưởng thành và cả đến khi lập gia đình. Nếu như trong giai đoạn tuổi thơ, nhân cách của trẻ được hình thành chủ yếu chịu sự tác động tình cảm của người mẹ thì ở giai đoạn sau cùng với sự tác động tình cảm của người mẹ, người cha mang lại cho trẻ những thức tỉnh mới của nhân cách là lý trí, cách tư duy, tính quyết đoán… Tuy nhiên ở giai đoạn này nhân cách của trẻ em hình thành ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cha và mẹ.

Người con ngoan hay không ngoan thường diễn ra ở trong giai đoạn này. Khi người con đã đến tuổi trưởng thành bản thân đã thu lượm được những kinh nghiệm xã hội nhất định. Bản sắc cá nhân của con người đã phát triển, có ý thức tự chủ thì việc áp đặt ý muốn của cha hay mẹ trong học tập hay hôn nhân sẽ dẫn đến những phản ứng gây nên những rạn nứt tình cảm trong quan hệ gia đình. Con cái đã có công ăn việc làm, có gia đình riêng thì vai trò giáo dục của cha mẹ giảm vì chúng đã độc lập biết suy nghĩ và chịu trách nhiệm trước xã hội. Khi đó cha mẹ chỉ đóng vai trò là những người cố vấn bằng những kinh nghiệm trong cuộc sống, sự từng trải của cha mẹ sẽ chỉ ra cho con những khiếm khuyết để con vượt khó đi đến thành công.

Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục nhân cách cho con ở tuổi thanh thiếu niên là hết sức quan trọng và vô cùng cần thiết. Trách nhiệm và công lao của cha mẹ trong nuôi dạy con nên người là vô cùng vô tận:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

1.3.2.2. Vai trò của ông bà với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cháu

Ở Việt Nam bên cạnh những gia đình hạt nhân đang có xu hướng phát triển, những gia đình truyền thống (gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống) cũng còn chiếm tỉ lệ cao. Cho dù gia đình hạt nhân hay gia đình truyền thống thì vai trò của ông bà cũng có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em, đúng với đạo lý Việt Nam “trẻ cậy cha, già cậy con”, với suy nghĩ của người phương Đông sống để đức cho con cháu. Hình ảnh của ông bà đối với các cháu rất gần gũi thấm đượm tình cảm, ông bà thường chỉ bảo những điều hay, khuyên bảo các cháu dạy dỗ các cháu sống đúng lẽ phải, kính trên nhường dưới, lễ phép với mọi người, hòa nhã với bạn bè,... khi có khuyết điểm ông bà ân cần chỉ bảo để các cháu nhìn ra đúng, sai mà sửa chữa, khắc phục.

Hiện nay nhiều cặp vợ chồng trẻ có tâm lý không muốn sống chung cùng người già, mặt khác do có dịch vụ nhà trẻ, mẫu giáo, người giúp việc trong gia đình đã làm cho vai trò của ông bà không còn trực tiếp như trước đây. Tuy nhiên vấn đề này còn thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chúng ta thấy rằng ông bà có vai trò qua trọng trong gia đình, nó phù hợp với đạo lý của con người Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”.

1.3.2.3. Vai trò của anh, chị, em đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục các em

Anh chị là những thành viên của gia đình, với truyền thống của gia đình Việt Nam anh, chị, em trong gia đình có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Vai trò đó thể hiện đến đâu còn phụ thuộc vào nề nếp gia phong của gia đình và bản thân, sự gương mẫu của anh, chị. Trong gia đình truyền thống con trai trưởng thay cha quyết định mọi việc trong và ngoài gia đình theo nguyên tắc “quyền huynh thế phụ”. Khi đã được trao quyền, con trai trưởng đảm đương trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục các em, lo cho các em trưởng thành, dựng vợ gả chồng. Nếu loại bỏ yếu tố gia

trưởng trọng nam khinh nữ dẫn tới sự bất bình đẳng trong anh em ruột thịt, thì tinh thần đoàn kết, yêu thương, sự nhường nhịn, đùm bọc và có trách nhiệm đối với nhau giữa anh, chị, em trong gia đình Việt Nam là những giá trị cao đẹp.

Hiện nay, quan hệ giữa anh chị em trong gia đình “là giọt máu sẻ đôi”

vẫn được tôn trọng và giữ gìn; anh chị cũng có vai trò trong việc nuôi dạy các em khôn lớn thành người. Tuy nhiên dưới sự tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, vai trò ảnh hưởng của anh chị đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có phần lỏng lẻo nhất là ở các vùng đô thị, điều này ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa anh chị đối với các em.

1.3.2.4. Vai trò của dòng họ đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Trong những năm gần đây, việc tìm về cội nguồn của người Việt Nam là một tinh thần thiêng liêng, một sinh hoạt tâm linh không thể thiếu của người cao tuổi trong nước cũng như nước ngoài. Với hàng triệu người Việt Nam sống xa Tổ quốc thì đó còn là niềm khát vọng cháy bỏng, còn là niềm day dứt khôn nguôi khi nhìn quanh mình toàn là xứ người, không có cây đa bến nước sân đình. Tìm về với cội nguồn trước hết là tìm về với những người trong dòng họ cùng huyết thống máu mủ ruột thịt con chú con bác, chi trên chi dưới, cùng họ, cùng xóm, cùng làng.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chim có tổ, người có tông”. Nhớ về ông bà cụ kỵ, tổ tiên là một đạo lý là từ ngàn xưa của người Việt Nam, là lẽ tự nhiên, là lương tri, là tình cảm là sức mạnh của mỗi người chúng ta. Lẽ sống của người Việt Nam từ khi lớn lên tới khi nhắm mắt xuôi tay là mang một trách nhiệm đối với những người xung quanh, với gia đình, họ hàng. Tục ngữ có câu: “Anh em như chân với tay”; “tay đứt ruột xót”; “chị ngã em nâng”

đã nói lên tính tập thể, vì gia đình họ hàng của người Việt Nam.

Phát huy truyền thống gia đình và dòng họ đối với mỗi người Việt Nam trong lịch sử và hiện nay luôn là nhu cầu tinh thần chính đáng, vừa là biểu hiện của đạo lý uống nước nhớ nguồn, vừa có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ nối tiếp làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Nhìn lại lịch sử dân tộc, chúng ta đều thấy rất rừ nhiều anh hựng dõn tộc, nhiều danh nhõn lịch sử văn hoỏ của đất nước đều được nuôi dưỡng từ những gia đình, dòng họ có truyền thống lâu đời như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh…

Chúng ta nhận thấy vai trò dòng họ cũng rất quan trọng nó phát huy truyền thống tốt đẹp và đoàn kết tương trợ tạo nên sức mạnh, ý thức trách nhiệm trước cộng đồng và lòng yêu nước nồng nàn, cho nên dù ở chân trời góc bể nào cũng hướng về gia đình, dòng họ và đất nước. Khơi dậy và nhân lên những điều tốt đẹp đáp ứng những nhu cầu tình cảm, tinh thần của mỗi người, phát huy truyền thống của dòng họ Việt Nam nhất định sẽ góp phần làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và tốt đẹp hơn, xã hội ngày càng văn minh hơn.

1.3.3. Mối quan hệ giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong việc

Một phần của tài liệu Vai trò của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh Cao Bằng hiện nay (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)