Thay đổi cấu trúc bài học

Một phần của tài liệu Nhận xét sách giáo khoa ngữ văn các lớp 6,7,8,9 năm học 2008 - 2009 ( Phần văn xuôi (Trang 74)

Cấu trúc một bài học rất quan trọng đối với học sinh, vì chính cấu trúc bài học sẽ hướng dẫn các em cần phải học cái gì trước cái gì sau và nên ghi nhớ, tìm hiểu điều gì trong mỗi bài học. Do đó, thiết kế một cấu trúc bài học phù hợp với học sinh không phải là điều đơn giản.

Có thể mỗi giai đoạn biên soạn sách, tác giả biên soạn cấu trúc bài học theo nhiều hình thức khác nhau: hình thức bài học trên lớp theo truyền thống, hình thức bài học được cấu tạo theo chủ đề, dự án, mô đun. Cấu trúc bài học trên lớp truyền thống có lô gic tuyến tính chặt chẽ. Cấu trúc bài học theo chủ đề, dự án, mô đun có tính độc lập, linh hoạt hơn, mang tính mở nhiều hơn và đa dạng hơn.

Trong chương trình sách giáo khoa bài Văn ở Việt Nam trước cải cách (năm 2002) chủ yếu được cấu tạo theo hình thức bài học trên lớp, thuộc kiểu cấu trúc bài học truyền thống và khác hẳn với kiểu cấu trúc của sách sau cải cách. Dưới đây là kết quả như sau:

Sách Văn học Trung học cơ sở trước cải cách, gồm năm nhân tố cấu thành và trật tự cơ bản của nó là như sau:

1, Tên bài học 2, Tiểu dẫn 3, Dẫn văn bản 4, Chú thích

5, Hướng dẫn học bài

Sách Ngữ văn Trung học cơ sở sau cải cách, gồm 7 nhân tố cấu thành và trật tự như sau:

1, Kết quả cần đạt 2, Tên bài học 3, Dẫn văn bản 4, Chú thích

71 5, Đọc – Hiểu văn bản

6, Ghi nhớ 7, Luyện tập

Để đánh giá cấu trúc nào hơn cấu trúc nào, có thể dựa vào tiêu chí cơ bản để phân biệt chính là cấu trúc bài học đó có hướng đến việc rèn luyện khả năng tự học, tự phát hiện, chiếm lĩnh kiến thức của học sinh hay không? Và kết quả sau khi học sinh được học? So sánh hai mô hình bài học, chúng ta thấy mô hình trong sách sau cải cách có thêm các phần: Kết quả cần đạt, Đọc - hiểu văn bản, Ghi nhớ. Kết quả cần đạt nêu lên những định hướng về kiến thức then chốt mà học sinh cần phải đạt khi đọc tác phẩm. Chúng còn có tác dụng như những gợi ý giúp học sinh có điểm tựa để khám phá tác phẩm. Đọc – Hiểu văn bản và Luyện tập có cùng chức năng là củng cố kiến thức, kĩ năng, rèn luyện phương pháp đọc hiểu văn bản cho học sinh. Phần Ghi nhớ chốt lại những nội dung cơ bản của bài học mà học sinh không thể quên…Tóm lại, những phần mới thuộc mô hình bài học đều hướng vào hỗ trợ toàn diện quá trình tự học của học sinh. Hệ thống câu hỏi trong Hướng dẫn học bài ở sách Văn học trước cải cách, tồn tại nhiều dạng câu hỏi hướng học sinh vào những nội dung mà người biên soạn đã định sẵn, còn ở sách Ngữ văn sau cải cách, những câu hỏi lại chủ yếu để tổ chức, dẫn dắt học sinh tự khám phá tác phẩm theo cách hiểu riêng của mình. Và cả phần chú thích cũng có sự khác nhau: Nếu ở sách Văn học trước cải cách phần Tiểu dẫn là phần dành riêng để giới thiệu tác giả thì ở Ngữ văn sau cải cách phần giới thiệu về tác giả lại chỉ là một phần chú thích nhỏ trong cả phần chú thích lớn. Những điểm trên tạo lên sự khác nhau cơ bản giữa hai mô hình dạy học này và có thể coi là những ưu điểm của sách sau cải cách.

Một phần của tài liệu Nhận xét sách giáo khoa ngữ văn các lớp 6,7,8,9 năm học 2008 - 2009 ( Phần văn xuôi (Trang 74)