I. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
2. Tổ chức khai hoang, mở rộng diện tích canh tác
Như đã trình bày, vùng châu thổ mầu mỡ thời này chưa phải đã được khai thác hết, còn nhiều nơi hoang rậm, lầy thụt. Hẳn rằng không phải đợi đến nhà nước tác động, mà bản thân cư dân thời kỳ này cũng tiếp tục khẩn hoang theo kinh nghiệm cổ truyền từ xa xưa, khi tiến xuống chiếm lĩnh trung du và đồng bằng. Họ đã tự tổ chức khai phá, mở rộng không gian sinh tồn, tạo nên những vùng sinh thái nhỏ hẹp, lập nhiều tụ điểm dân cư mới. Nhưng đó chỉ là việc khai hoang tự phát như một sinh hoạt lao động mang tính tự nhiên trước hết vì nhu cầu ăn ở hàng ngày. Về phía tác động của nhà nước, ở thời kỳ này sử chép khá tản mạn và rất hiếm hoi.
Trước hết, chúng ta không hề thấy một chủ trương ngăn cấm, mà chỉ thấy những biểu hiện khuyến khích, hoặc nhà nước tồ chức khai hoang. Câu chuyện tương truyền về một người có tên là Hoàng Lệ Mật người làng Lệ Mật (huyện Gia Lâm) có công mò được xác một công chúa thời Lý bị chết đuối, được nhà vua cho đem dân nghèo ở Lệ Mật đến khai hoang lập làng ở phía tây thành Thăng Long1, hiện còn di tích đền thờ gắn với khu “thập tam trại”2 là một ví dụ về thời Lý. Sang thời Trần, vua Trần Nhân Tông còn cho phép một đối tượng hạn hẹp chiêu tập dân nghèo, không sản nghiệp, khai khẩn ruộng hoang lập điền trang vào năm 1266. Do tác động của chủ trương này, một loạt điền trang xuất hiện. Có thể dẫn ra điền trang của thượng tướng Trần Phó Duyệt (cha Trần Khánh Dư) ở ven sông Kinh Thầy (Chí Linh, Hải Hưng), điền trang của An Sinh vương Trần Liễu (cha Trần Hưng Đạo) ở An Lạc (xã Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc - Nam Định cũ), điền trang của công chúa Trần Khắc Hãn ở An Nội và Cổ Nhuế (Từ Liêm - Hà Nội), điền trang của Trần Khánh Dư ở Linh Giang... Vua Trần Nhân Tông khai hoang lập nên các trang ấp ở Hạ Hào, Hữu Cáo, Sơn Dựng ở Thanh Hà, Hải Hưng; một vùng rộng lớn ở Văn Lâm, Ninh Hải (Gia Khánh - Ninh Bình) do thượng hoàng Trần Thái Tông mộ dân về khai khẩn3. Ta còn biết thêm điền trang của Trần Thủ Độ ở ấp Ngừ, làng Khuối. làng Khống (xã Liên Hiệp và Thái Thụy, huyện Hưng Hà), điền trang của tướng quốc Thái úy Trần Nhật Hạo ở Dưỡng Xá (xã Tiên Đức, huyện Hưng Hà), điền trang của Bảo Anh phu nhân ở Phất Lộc (xã Thái Giang - Thái Thụy), ở Thương Liệt (xã Đông Tân, Đông Hưng), điền trang của Bà Chúa Muối - vợ Trần Anh Tông ở Quang Lang (Thụy Hải, Thái Thụy), đều thuộc tỉnh Thái Bình ngày này4. Cho đến cuối thời Trần, hoàng hậu Bạch Ngọc - vợ của Trần Duệ Tông (làm vua từ 1373 - 1377), người huyện Hương Khê đã đưa 172 người về khẩn hoang ở vùng đất giáp hai huyện Can Lộc và Đức Thọ ngày nay, về sau lập thành bốn điền trang mới: Lai Sơn, Hằng Nga, Ngũ Khê, Tùng Chính với tồng diện tích đến 3985 mẫu5.
Chủ trương khuyến khích khẩn hoang, cho phép một đối tượng hạn hẹp có đặc quyền lập điền trang còn được phản ánh gián tiếp qua ghi chép ngắn ngủi của sử sách. Năm 1371, Thái hậu Chiêu Từ lập phép cắt chân bãi bồi (sa châu tiệt cước), sử có chép: “Trước đây các nhà vương hầu, công chúa lập điền trang ở ven sông thì đất phù sa mới bồi đều thuộc về người chủ”6. Năm 1397, nhân việc hạn danh điền (ruộng có chủ đúng tên) theo chủ trương của Hồ Qúy Ly, sử lại chép: “Trước kia các nhà tôn thất thường sai nô tỳ của mình đắp đê bối ở bờ biển để ngăn nước mặn, sau hai ba năm khai khẩn thành ruộng, cho họ lấy lẫn nhau và ở ngay đấy, lập ra nhiều ruộng đất tư trang”7.
Trong tổ chức khai hoang thời kỳ này, bên cạnh những hình thức đã kể trên, nhà nước còn sử dụng một lực lượng đông đảo tù binh Chiêm Thành, phân bổ sắp đặt cho họ cư trú và khai khẩn ở các vùng thượng du hoặc ven biển. Sử cho biết vào năm 1044, vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, bắt được hơn 5.000 tù binh, xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ thuộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang (nay thuộc Tương Dương, Nghệ An) đến Đăng Châu (nay thuộc Yên Bái), đạt hương ấp phỏng theo tên gọi cũ của Chiêm Thành8. Cho đến nay, mọi dấu vết cư trú và khai khẩn của người Chiêm thời này hầu như đã mờ xóa. Trường hợp thôn Đa Gia Ly, sau đổi thành thôn Bà Già, điểm cư trú của người Chiêm gần Thăng Long mà Trần Nhật Duật thường cưỡi
Kế sách giữ nước thời Lý - Trần
voi đến chơi 3-4 ngày mới về9, nay là thôn Phú Gia, huyện Từ Liêm, không hề còn vết cũ, cả tên họ của cư dân cũ10. Tuy nhiên, rất hiếm hoi, còn tìm thấy đôi nét mờ nhạt về người Chiêm thuộc vùng ven biển thời đó ở Bát Đụn Trang, nay thuộc các xã Thụy Hồng, Thụy Dũng huyện Thái Thụy, Thái Bình11.
Từ những thông tin tản mạn, khan hiếm chắt lọc từ sử sách hoặc thu lượm qua khảo sát điền dã ta biết được nhà nước thời Lý - Trần đã có chủ trương khuyến khích khẩn hoang bằng nhiều hình thức, sử dụng nhiều lực lượng khác nhau. Với chủ trương đó, diện tích canh tác không ngừng mở rộng. Từ những bãi bồi ven sông cho đến các vùng thượng du, đặc biệt vùng ven biển, đều ghi nhận thành tựu khai khẩn của thời Lý - Trần.
__________________________________________
1. Theo Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. phần “dư địa chí”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 1992, t.I, tr.111.
2. Mười ba trại: Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Đại Yên, Cống Yên, Cống Vị; Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Vạn Phúc, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Yên Biểu, Kim Mã. nay đều thuộc Hà Nội. Có ý kiến cho “thập tam trại” trên xuất hiện về sau này vào thế kỷ XVIII - XIX . Xem Nguyễn Quang Ngọc bài Góp thêm ý kiến về hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần và lịch sử “Thập tam trại”. Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 1(226) - 1986.
3. Tham khảo Trương Hữu Quýnh: Chế độ ruộng đất ở Việt Nam. NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1982. t.I
4. Nhiều tác giả: Ngàn năm đất và người Thái Bình, Sở Văn hóa thông tin Thái Bình, 1989, tr. 166 - 167.
5. Tham khảo Trương Hữu Quýnh: Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1982, t.I.
6, 7. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr. 154, 193. 8. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, t.I, tr. 276.
9. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, t.II, tr. 118.
10. Tham khảo Nguyễn Vinh Phúc Những phát hiện khảo cổ học 1976, bài “Tìm ra thôn Bà Già” 11. Xem Nguyễn Thị Thảo: Bước đầu khảo sát Bát Đun. Trang thời Trần, Thái Bình với sự nghiệp dựng nước thời Trần, Ban nghiên cứu lịch sử Thái Bình, 1986. tr . 206 - 207.