Canh Tý, (Long Hưng) năm thứ 8 (1300), tháng 6.
Hưng Đạo Đại vương ốm. Vua (Trần Anh Tông) ngự tới nhà thăm hỏi rằng:
- “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?” Vương trả lời:
- “Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế “thanh dã”1, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ2 mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh3 là vì có thế.
Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dũng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.
Trích Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. TII, tr. 79.
______________________________________________
1. Thanh dã: làm vườn không nhà trống, khiến quân xâm lược tới không có một nguồn hậu cần tại chỗ nào.
Kế sách giữ nước thời Lý - Trần
2. Thành Bình Lỗ: chưa biết là ở đâu? Nhưng có lẽ là nằm trong vùng hương Bình Lỗ hay quận Bình Lỗ đời Lê Đại Hành, tức khu vực nằm giữa sông Cầu và sông Cà Lồ, gần Phú Lỗ, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
3. Đèo Mai Lĩnh: tức đèo Đại Dũ, phía nam huyện Đại Dũ, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
BÀI TỰA CỦA TRẦN KHÁNH DƯ CHO CUỐN “VẠN KIẾP TÔNG BÍ TRUYỀN THƯ” CỦA TRẦN QUỐC TUẤN CỦA TRẦN QUỐC TUẤN
Hưng Đạo Vương lại chép nhặt binh pháp các nhà làm “đồ Bát quái của cung” gọi là Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Nhân Huệ Vương Khánh Dư làm bài tựa rằng: “Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bầy trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết. Ngày xưa Cao Dao làm sĩ sư mà người ta không dám trái mệnh, vua Vũ Thành nhà Chu1 làm văn vũ sư, ngấm ngầm sửa đức để lật đổ nhà Thương mà dấy nghiệp vương, thế là người giỏi cầm quân, không cần phải bầy trận vậy, vua Thuấn múa mộc và lông trĩ mà họ Hữu Miêu tự phải đến, và Tôn Vũ nước Ngô đem mĩ nhân trong cung thử lập trận2 mà phía tây phá nước Sở mạnh, phía bắc làm sợ nước Tần, nước Tần nổi tiếng với chư hầu, thế là người khéo bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập nước Tấn theo đồ bát trận, chuyển đánh nghìn dặm, phá được Thu Cô - năng mà lấy lại Lương Châu3, thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy. Cho nên “trận” nghĩa là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa Hiên Hoàng đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế, Gia Cát Lượng xếp đá ong để làm đồ bát trận, Vệ Công4 sửa lại làm trận Lục Hoa. Hoàn On đặt trận Xà thế, có đồ bày ra thứ tự, thành pháp rành rành. Nhưng người đương thì ít người hiểu được, muôn đầu nghìn mối, chỉ thấy rối ren, chưa từng biến đổi, như Lý Thuyên5 định phép mà suy, đời sau không ai hiểu nghĩa là gì. Cho nên Quốc Công ta mới so sánh đồ bản và phương pháp của các nhà, chép thành một tập. Tuy chép cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dừng thì nên bỏ bớt chỗ rờm, lược lấy chất thực, rồi lấy năm hành cảm ứng với nhau, chín cung cân nhắc với nhau, cương và nhu phối hợp với nhau, chẵn và lẻ quanh vòng với nhau, không lẫn âm với dương, thần với sát, phương lợi sao tốt, thần hung tướng ác, ba cát năm hung, đều rõ rệt cả, thâm bớt ba đời, thắng cả trăm trận, cho nên dương thì có thể phía bắc làm Hung Nô phải sợ phía tây làm Lâm Ấp phải kinh. Mới lấy sách này dạy bảo con em làm gia truyền, không tiết lộ cho người ngoài biết. Lại có câu dặn lại rằng: “Sau này con cháu và bồi thần của ta có học được bí thuật này, thì nên lấy lòng sáng suốt mà thi hành bày xếp, không nên lấy ngu tối mà dạy truyền, trái thế thì mình phải chịu tai ương mà vạ lây đến cả con cháu. Thế gọi là tiết lộ cơ trời vậy”.
Trích Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd.
______________________________________________ 1. Tức là Vũ Vương và Thành Vương nhà Chu.
2. Thời Xuân Thu, Tôn Vũ người nước Tề làm tướng cho Ngô Vương Hạp Lư, lấy 80 người cung nhân của Hạp Lư chia làm hai đội, đặt ra đội trưởng để diễn tập giả cho Hạp Lư xem.
3. Tân Thư, Việt truyện, q.27 chép là Mã Long, chứ không phải là Mã Ngập.
4. Vệ Công tức là Lý Tĩnh đời Đường Thái Tôn, phỏng theo bát trận đồ của Gia Cát Lượng làm ra trận Lục Hoa, trận lớn học trận nhỏ, doanh lớn bọc doanh nhỏ, gọi là Lý Vệ Công binh pháp.
5. Lý Thuyên: Người đời Đường làm sách “Thái bạch âm kinh” nói về mưu chước hành quân.
Kế sách giữ nước thời Lý - Trần
THỜI LÝ
1. Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn): 1009 - 1028 2. Lý Thái Tông (Lý Phật Mã): 1028 - 1054. 3. Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tông): 1054 - 1072. 4. Lý Nhân Tông (LÝ Càn Đức): 1072 – 1128 5. Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán): 1128 – 1137 6. Lý Anh Tông (Lý Thiên Tộ): 1137 - 1175 7. Lý Cao Tông (Lý Long Trát): 1175 - 1210 8. Lý Huệ Tông (Lý Hảo Sảm): 1210 - 1224 9. Lý Chiêu Hoàng (Lý Chiêu Thánh): 1224 - 1226 THỜI TRẦN
1. Trần Thái Tông (Trần Cảnh): 1226 – 1258 2. Trần Thánh Tông (Trần Hoảng): 1258 - 1278 3. Trần Nhân Tông (Trần Khẩm): 1278 - 1293 4. Trần Anh Tông (Trần Thuyến): 1293 - 1314 5. Trần Minh Tông (Trần Mạnh): 1314 - 1329 6. Trần Hiến Tông (Trần Vượng): 1329 - 1341 7. Trần Dụ Tông (Trần Hạo): 1341 - 1369 8. Trần Nghệ Tông (Trần Phủ): 1370 - 1372 9. Trần Duệ Tông (Trần Kính): 1372 - 1377 10. Trần Phế Đế (Trần Nghiễn): 1377 - 1388 11. Trần Thuận Tông (Trần Ngung): 1388- 1398 12. Trần Thiếu Đế (Trần An): 1398 - 1400