MỞ MANG CÔNG, THƯƠNG NGHIỆP

Một phần của tài liệu Kế sách giữ nước thời Lý - Trần (Trang 37 - 40)

CHƯƠNG III: XÂY DỰNG KINH TẾ LÀM CHO DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH, “QUỐC PHÚ BINH CƯỜNG”

II. MỞ MANG CÔNG, THƯƠNG NGHIỆP

Đề cập đến công, thương nghiệp thời Lý - Trần người ta thường nhắc đến các làng chuyên dệt vải, lụa giấy quanh Hồ Tây như Nghi Tàm, Trích Sài, Trúc Bạch; các làng Ma Lôi (Hải Hưng) chuyên làm nón, làng Bát Tràng (Gia Lâm), Phúc Lãng (Hà Bắc), Hương Canh (Vĩnh Phúc) chuyên sản xuất đồ gốm, sành, sứ; cục bách tác của triều đình ở kinh thành Thăng Long. Về thương nghiệp, phải kể đến các chợ trong nội địa có mặt ở hầu khắp các địa phương đến trung tâm Thăng Long 61 phố phường và phố Hiến đã manh nha từ thế kỷ XIV. Ngoài ra còn các tụ điểm ngoại thương ở biên giới phía bắc gọi là “bạc dịch trường”, trang Vân Đồn ở biển Quảng Ninh. Và cũng còn phải kể đến việc lưu hành tiền tệ, bên cạnh tiền Trung Hoa còn có mười loại tiền đồng đúc vào thời Lý và năm loại tiền đúc vào thời Trần, tất cả những điều trên đã nói lên một cách khái quát những nét cơ bản về sự phát triền của công thương nghiệp thời Lý - Trần.

Kế sách giữ nước thời Lý - Trần

Yêu cầu của sách chuyên đề này không phải khảo cứu về công, thương nghiệp thời Lý - Trần trong quá trình phát triển của nó, mà hướng về một nền công, thương nghiệp vì mục đích phục vụ dân sinh kết hợp với quốc phòng. Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta sẽ tìm hiểu về chính sách của nhà nước với công thương nghiệp đối với dựng nước và giữ nước.

Như đã trình bày ở phần trên, nhà nước thời Lý - Trần rất “trọng nông”. Về mặt công, thương nghiệp, ta chưa thấy hoặc không thấy một biểu hiện “ức thương” của nhà nước thời này. Sử sách không hề chép một lần nhà nước cấm chợ, ngăn sông, cấm buôn bán hoặc cấm các nghề thủ công hoạt động. Mặt khác, cũng phải thừa nhận nhà nước cũng không có một văn bản hoặc chiếu lệnh của nhà vua động viên, khuyến khích công, thương như đã từng nhiều lần khuyến nông. Một số sự kiện được sử sách ghi chép vào thời Lý như:

Năm 1097 cấm nhân dân không được xây nhà ngói, đóng thuyền lớn.

Năm 1099 cấm phụ nữ trong thành không được ăn mặc theo kiểu cung nữ.

Năm 1145 cấm thợ bách tác (các cục thủ công của nhà nước không được sản xuất đồ dùng theo kiểu của nhà nước để bán cho nhân dân).

Năm 1179 cấm không được đem nắm muối và đồ sắt lên bán đổi ở đầu nguồn1.

Như vậy hẳn chưa đủ cơ sở đề nhận định rằng nhà nước không khuyến khích sản xuất và buôn bán các mặt hàng thủ công nghiệp. Các chủ trương trên nhằm giải quyết, xử lý những vấn đề xã hội;

tuyệt nhiên, theo chúng tôi, không thuộc lĩnh vực kinh tế. Cho đến năm cuối cùng của thế kỷ XIV - năm 1400, Hồ Hán Thương bắt đánh thuế thuyền buôn. Sự kiện này phản ánh một sự thực: cho đến cuối Trần, buôn bán đường thủy đã khá phổ biến mà nhà nước không đánh thuế. Điều này càng chứng minh thêm nhà nước thời Lý- Trần không cản trở việc buôn bán, không “ức thương”.

Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu về thủ công nghiệp thời Lý - Trần đã phục vụ đời sống xã hội, kết hợp với quốc phòng như thế nào?

Cứ cho rằng nhà nước thời này tổ chức cục bách tác, cho cung nữ dệt gấm vóc (năm 1040), tổ chức khai thác ngọc trai ở châu Vĩnh An (năm 1033), sai người khai mỏ vàng ở Vũ Kiên (Cao Bằng), Hạ Liên (Bắc Cạn), đãi vàng ở các xứ Như Cá (?) (năm 1143) nhằm phục vụ cho cuộc sống nơi cung đình gồm một bộ phận nhỏ so với toàn xã hội. Vậy còn việc xây dựng thành quách, công sự và dụng cụ quốc phòng, kiến trúc tôn giáo các loại hẳn vì lợi ích của một đối tượng rộng khắp - toàn dân.

Chỉ riêng việc kiến trúc tôn giáo ta thấy chùa tháp, đền quán, đúc chuông, tô tượng khắp nơi từ kinh thành cho đến lộ, phủ được sử sách ghi chép dày đặc vào thời Lý - Trần và được dân chúng hưởng ứng tham gia nhiệt liệt. Sự phát triển của chùa chiền đến mức vào cuối thế kỷ XIV, đời Trần Nghệ Tông còn có tình trạng: “Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông, trống, lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư”2 thì không thể không có một nền sản xuất thủ công nghiệp rộng khắp, phong phú về sản phẩm, đa dạng về chất liệu và tinh xào về kỹ thuật được. Ngay từ đầu thời Lý, tầng lớp thợ thủ công chuyên nghiệp đã xuất hiện. Sử chép vào năm 1031 vua Lý Thái Tông “xuống chiếu phát tiền thuê thợ làm chùa quán ở các hương ấp, tất cả 150 chỗ”3. Thành tựu kiến trúc, mỹ thuật thời Lý - Trần đã được giới khoa học khảo cứu, giới thiệu và quen biết với mọi người.

Sử gia đương thời - Lê Văn Hưu (1280 - 1322) - phê phán Lý Thái Tổ: “tiêu phí của cải, sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể” để “đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ phật lộng lẫy hơn cung vua”4 cũng có cái đúng. Tuy nhiên, với quan điểm Nho giáo độc tôn, ông không nhìn nhận được đây là một mặt rất quan trọng trong đời sống của nhân dân - đời sống tâm linh - mà nhà nước đã nắm bắt, đúng ra là đã hòa nhập được và đã quan tâm đặc biệt.

Trong giới hạn của thời đại, với việc làm này, nhà nước thời Lý - Trần đã tạo nên một sắc thái độc

Kế sách giữ nước thời Lý - Trần

đáo cho buổi bình minh của nền văn minh Đại Việt. Thủ công nghiệp thời Lý - Trần không chỉ phục vụ cái mặc, cái ở và tiện nghi sinh hoạt thường ngày nơi hương ấp mà còn thỏa mãn tình cảm, ước mơ của nhân dân trong sinh hoạt tinh thẩn lúc thái bình thịnh trị.

Nhưng thời kỳ Lý - Trần đâu chỉ hòa bình để dựng nhà, dựng nước, tạo nên một cuộc sống giàu có êm ả. Nạn xâm lăng nhiều phen xảy đến từ hai đầu nam bắc của Tổ quốc đã là hiện thực. Nhà nước thời Lý - Trần nhận thức rừ được điều này và luụn luụn cảnh giỏc, sẵn sàng huy động toàn dõn cầm vũ khí chống giặc.

Việc đóng thuyền nhiều kiểu loại: du thuyền, thuyền vận tải, đặc biệt là thuyền chiến với một số lượng không phải là ít, cùng các loại vũ khí đáp ứng nhu cầu quốc phòng, nhiều lần đánh thắng giặc hẳn là phải đòi hỏi một nền thủ công nghiệp phát triển. Còn phải kể đến việc xây dựng theo hướng mở rộng và nhiều lần tái thiết kinh đô Thăng Long, xây dựng 50 kho sở ở Nghệ An (năm 1037), kho của nhà vua (năm 1038), dựng hành cung Tức Mạc (1229), sáu hành cung ở Thanh Hóa (1240), thành Tây Giai ở Thanh Hóa (năm 1397) các công trình xây dựng, kiến trúc, tu tạo trên đều có liên quan mật thiết đến quốc phòng.

Tiếp theo thủ công nghiệp là thương nghiệp. Thủ công nghiệp xuất hiện từ rất sớm. Tuy nhiên sản phẩm thủ công nghiệp chỉ trở thành hàng hóa một khi nó được giao lưu, trao đổi thị trường và thương nghiệp xuất hiện. Không còn nghi ngờ về sự có mặt của hoạt động thương nghiệp vào thời Lý - Trần. Vấn đề là thương nghiệp thời này phát triển đến mức nào? Chính sách của nhà nước đối với thương nghiệp và mối quan hệ của thương nghiệp với quốc phòng ra sao?

Ở đây ta cũng không thấy có được một văn bản của nhà nước đối với thương nghiệp, chỉ có những biểu hiện của hoạt động thương nghiệp được sử sách ghi chép.

Cùng với việc dời đô ra Thăng Long, ngay từ đầu đã hình thành một trung tâm buôn bán với chợ Cửa Đông nổi tiếng, khu phố thường được gọi là Hà Nội cổ bao gồm các phố Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Nguyễn Siêu, chợ Đồng Xuân, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Cân ngày nay5. Năm 1035, lại thấy sử chép “mở chợ Tây Nhai có hành lang dài”6. Cùng với việc mở mang công nghiệp, phát triển thủ công nghiệp, nhu cầu trao đổi thông qua thị trường ngày càng tăng. Ở Thăng Long, ngoài khu cấm thành, hoàng thành còn có một khu dân cư hoạt động công thương sầm uất vào đầu đời Trần (năm 1230) đã đạt tới 61 phố phường7. Ngoài kinh đô, ở các địa phương đều có chợ. Trần Cương Trung - sứ giả Trung Hoa có mặt ở nước ta thời Trần có nói đến chợ: “hai tháng họp một kỳ, trăm thứ hàng húa tụ tập tại đõy. Cứ năm dặm thỡ dựng một cỏi nhà bốn mặt đều đặt chừng làm nơi họp chợ”8.

Việc buôn bán không chỉ đóng khung trong thị trường nội địa. Quan hệ buôn bán với nước ngoài đã mở mang, hình thành những tụ điểm buôn bán lớn. Các bạc dịch trường - một thứ chợ biên giới phía bắc đã xuất hiện từ thời Lý. Có thể kể đến Vĩnh Bình, Cổ Vạn phía Lạng Sơn, Hoành Sơn phía Cao Bằng và Vĩnh An phía Quảng Ninh ngày nay. Trong đó Vĩnh An giáp với châu Khâm là địa điểm giao lưu thương mại với Trung Hoa thuận tiện và lớn nhất vào thời Lý - Trần. Việc buôn bán lớn nơi đây “phải có viên coi châu Vĩnh An ở nước ta thông điệp cho viên coi châu Khâm trước, rồi kẻ phú thương mới được đem hàng hóa vào. Cũng có lúc nhà nước sai sứ sang châu Khâm buôn bán.

Các hàng của ta có vàng, bạc, tiền đồng, trầm hương, thục hương, sinh hương, trân châu, ngà voi, sừng tê. Về nhà Tống, các đại thương ở vùng Thục (Tứ Xuyên) mỗi năm tới một lần đem gấm Thục đổi lấy hương chở về Thục. Buôn như vậy rất to, mỗi lần trao đổi kể có hàng ngàn quan tiền”9. Quan hệ buôn bán còn mở rộng với các nước Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Sử chép vào năm 1149, đời Lý Anh Tông, “thuyền buôn ba nước Trảo Ơa (Java - Indônêxia), Lộ Lạc, Xiêm La (đều thuộc vùng Thái Lan) vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương”10. Cũng từ thời Lý, ngoài trang Vân Đồn ở phía bắc, vùng Thanh Hóa, Nghệ An còn có Cửa Chào (Lạch Trường), Cửa Tha (Cửa Thoi), Cửa Viên (Cửa Cờn) là nơi giao lưu tiếp xúc với thuyền buôn nước ngoài.

Kế sách giữ nước thời Lý - Trần

Dường như thương nhân nước ngoài không chỉ được phép đến buôn bán, tiếp xúc ở hải đảo, cửa sông. Ít nhất sử còn phép vào năm 1274 người Tống ở Giang Nam tránh giặc Nguyên đã đem 30 thuyền biển chở vợ con, của cải sang lánh nạn. Nhà nước cho dẫn họ về Thăng Long ở phường Nhai Tuân (?) được bày hàng mở chợ buôn bán riêng11. Ngoài ra còn có mặt thương nhân Hồi Hột (vùng Tân Cương) để đến năm 1267 Hốt Tất Liệt đòi vua Trần nộp với ý đồ khai thác nội tình Đại Việt12, và thương nhân người Hoa ở tụ điểm phố Hiến trong buổi đầu manh nha vào thế kỷ XIV.

Từ những biểu hiện trên, có thể hình dung được nhà nước thời Lý - Trần, một mặt cảnh giác trước sự dòm ngó của nước ngoài, nhưng không “bế quan tỏa cảng”, nếu không muốn nói là sẵn sàng đặt quan hệ với thương nhân các nước láng giềng. Khỏi phải nói về tác động tích cực qua lại giữa nội thương và ngoại thương. Chúng ta lưu ý đến chủ trương mở mang công, thương nghiệp của nhà nước Lý - Trần trong quan hệ với nông nghiệp. Hẳn rằng vào thời Lý - Trần, cùng với việc mở mang nông nghiệp, và trên cơ sở nông nghiệp, công thương nghiệp đã đạt một bước tiến bộ đáng kể, góp phần kích thích sản xuất nông nghiệp tạo nên sức mạnh kinh tế nói chung của đất nước. Và hệ quả tất yếu của nó là thỏa mãn nhu cầu dân sinh và quốc phòng, không chỉ nhiều lần đánh thắng giặc mạnh mà còn nhanh chóng hàn gắn, khôi phục đất nước sau nhiêu lần bị tàn phá vì chiến tranh và thiên tai nghiêm trọng.

_________________________________________

1. Theo Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử lược.

2. Lời Văn bia của Lê Quát: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. t.II, tr.153.

3, 4. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, t.I, tr. 260, 242.

5. Tham khảo thêm Trần Quốc Vuợng - Vũ Tuấn San: Hà Nội ngàn xưa, Sở Văn hóa Hà Nội, 1975.

6, 7. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II. tr.264, 10.

8. Dẫn theo Hà Văn Tấn - Trần Quốc Vượng: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. NXB Giáo dục. Hà Nội, 1968. t.I, tr.290.

9. Theo Chu Khứ Phi: Lĩnh ngoại đại đáp, trích theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt. NXB Sông Nhị. Hà Nội, 1949, tr.106.

10. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd: t.I. tr.337-338.

11. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. t.IV, tr.37.

12. Nguyên sử, dẫn theo Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968.

Một phần của tài liệu Kế sách giữ nước thời Lý - Trần (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w