Quy định về môi trường

Một phần của tài liệu Sử dụng các biện pháp phi thuế quan trong bảo hộ hàng hóa của Việt Nam (Trang 91)

Môi trường đã trở thành vấn đề của toàn thế giới. Việt Nam và hầu hết các nước đang phát triển đang bị ô nhiễm môi trường ở mức độ cao. Nhưng sự quan tâm cũng như các quy định còn chứa thể hiện một cách đầy đủ để bảo vệ môi trường sinh thái. Do vậy, sử dụng những công cụ này như một rào cản thương mại thì hầu như mới được đề cập trong một vài năm gần đây, mặc dù hiện nay, ở Việt Nam có 502 TCVN, trong đó ban hành trước năm 2002 có 412 tiêu chuẩn, năm 2002 ban hành 49 tiêu chuẩn và năm 2003 ban hành 51 tiêu chuẩn.

Những năm vừa qua Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp quy về môi trường có liên quan đến hoạt động thương mại như sau:

Luật Môi trường ngày 27/12/1993 quy định: tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ môi trường, thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện việc phòng chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, trong trường hợp cần thiết phải đóng góp tài chính cho việc bảo vệ môi trường, khi gây tổn hại môi trường phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường còn quy định: chủ đầu tư, chủ dự án quản lý hoặc giám đốc các cơ quan, xí nghiệp,... phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Thông tư Liên Bộ số 2880-KHCCNMT/TM, ngày 19/12/1996 của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường - Bộ Thương mại quy định tạm thời đối với việc nhập khẩu các phế liệu.

Quyết định số 65/2001/QĐ-BKHCNMT của Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã đề ra mục tiêu 100% hàng hoá xuất khẩu và 50% hàng hoá tiêu dùng nội địa trong nước được ghi nhãn sinh thái theo tiêu chuẩn iso 14021.

Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng đã bắt đầu quan tâm đến xây dựng chương trình nhãn sinh thái cho hàng hóa biểu hiện cụ thể bằng việc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc khởi xướng chương trình đã tiến hành giao nhiệm vụ cho các bộ phận chức năng, cụ thể là Vụ Môi trường tiến hành nghiên cứu, lấy ý kiến tham vấn của nhiều chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài để đề ra một đề cương cho cơ chế cho chương trình cấp nhãn sinh thái sẽ dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm của doanh nghiệp, trước mắt thử nghiệm trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường và khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường chất lượng đã và đang nghiên cứu để ban hành tiêu chuẩn iso về nhãn sinh thái để làm căn cứ cho việc cấp nhãn sinh thái tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong năm 2000, Việt Nam đã ban hành TCVN: iso 14021 Nhãn sinh thái và công bố môi trường - nguyên tắc chung, theo Quyết định số 2596/2000/QĐ- KHCNMT của Bộ trưởng Bộ KHoa học, Công nghệ và Môi trường.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã không ngừng nâng cao mức độ hài hoà tiêu chuẩn với khu vực và quốc tế. Theo thống kê, hiện tiêu chuẩn Việt Nam hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế vào khoảng 20% (so với malaixia 38%, Nga 30%, Trung Quốc 43%, Hàn Quốc 32,5%). Trong thời gian tới, Việt Nam đang có kế hoạch cụ thể để nâng tổng số TCVN hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế lên tới 30% đồng thời đảm bảo sự đồng thuận cao từ phía các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng, gắn chặn với các sản phẩm dịch vụ xuất khẩu là thế mạnh và có tiềm năng của đất nước.

Có thể hài hoà tiêu chuẩn là tiền đề để nâng các tiêu chuẩn Việt Nam thành một hệ thống tiêu chuẩn có trình độ khoa học kỹ thuật cao ngang tầm với khu vực và quốc tế, để khi Việt Nam bắt đầu chương trình nhãn sinh thái thì các nhãn đó sẽ được thị trường quốc tế công nhận và tin tưởng bởi sản phẩm đã được kiểm tra và đánh giá bởi những kỹ thuật, khoa học và công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã bắt đầu có nhiều chương trình về môi trường nhưng mới cơ bản chỉ đang ở mức độ cố gắng làm giảm mức độ ô nhiễm chứ chưa thực sự gắn kết chặt chẽ giữa môi trường với hoạt động thương mại đặc biệt là chưa xây dựng được một chương trình quản lý và cấp nhãn sinh thái đối với hàng hoá tiêu dùng nội địa và hàng xuất khẩu, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, mặt khác đây cũng là một hàng rào phi thuế quan bảo vệ thị trường nội địa. Mặt khác khi áp nhãn sinh thái cũng là sự phát triển nhằm thực hiện các cam kết quốc tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, công việc này cơ bản mới dừng lại ở một vài đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, cần phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa để áp dụng trong thực tiễn.

Một phần của tài liệu Sử dụng các biện pháp phi thuế quan trong bảo hộ hàng hóa của Việt Nam (Trang 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)