Các qui định về kỹ thuật, tiêu chuẩn và thủ tục xác định sự phù hợp được qui định bởi Tổng cục Đo lường và Chất lượng thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ. Một số văn bản liên quan đến vấn đề qui định kĩ thuật và thủ tục xác định sự phù hợp đã được ban hành, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đã được đưa vào áp dụng với trên 5.600 tiêu chuẩn chung, cùng với khoảng 4000 tiêu chuẩn do các Bộ, ngành ban hành. Các tiêu chuẩn này chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực an toàn, vệ
sinh, bảo vệ sức khoẻ và môi trường. Tuy nhiên do quá trình độ quản lí cũng như khả năng áp dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại còn hạn chế nên công tác kiểm tra chất lượng mặt hàng hoá chưa được thực hiện tốt, mục tiêu loại trừ những mặt hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường chưa được đảm bảo.
Bên cạnh đó, nhiều Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đã trở nên lạc hậu. Theo đánh giá sơ bộ, mặc dù một số lĩnh vực có tiêu chuẩn đạt mức hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế cao như lĩnh vực thử nghiệm (100%), cao su chất dẻo (60%), bảo vệ môi trường và an toàn (54,8%), điện (50%), điện tử (38,4%), luyện kim (37%) và thực phẩm (32,3%) nhìn chung mới chỉ có 25% tiêu chuẩn Việt Nam hài hoà với quốc tế và khu vực22. Thông thường, sau 5 - 6 năm, các tiêu chuẩn đều phải được xét lại để sửa đổi cho phù hợp nhưng Việt Nam có nhiều tiêu chuẩn tồn tại trên 20 năm vẫn chưa thay đổi. Trong vài năm gần đây, việc xây dựng các TCVN theo hướng tham khảo và chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế đã được đẩy mạnh, tuy nhiên tốc độ xây dựng các TCVN theo hướng hài hoà với quốc tế vẫn còn thấp do kinh phí hạn hẹp, nhiều văn bản của các Bộ, ngành chưa được bổ sung và thay đổi. Đây là một khó khăn lớn cho Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế.
2.1.6 Kiểm dịch động, thực vật
Pháp lệnh về Thú y ngày 15/2/1993 và Nghị định số 93/ NĐ-CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y quy định: Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến lấy công tác thú y trên lãnh thổ Việt Nam "không được làm lây lan dịch bệnh gây hại cho... môi trường sinh thái", "phải đảm bảo vệ sinh thú y, y tế và môi trường", "nước sử dụng, hệ thống thoát nước thải,..., đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y".
Danh mục các sản phẩm động thực vật nhập khẩu được đặt dưới sự quản lí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các biện pháp kiểm dịch động vật đã được ban hành khá chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế trong Qui định 28/TTg ngày 13/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 20/NN-XNK/TT ngày 30/30/1997 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thông tư số 41/2000/TT-BNN-KH ngày 13/4/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc diện quản lý ngành nông nghiệp quy định " Cấm xuất khẩu vì mục đích thương mại các loại động vật hoang dã và thực vật rừng...".
Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch vật ngày 25/7/2001, là cơ sở quan trọng để bảo vệ động thực vật quý hiếm, ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng. Chính vì lý do đó liên tục trong danh mục hàng hoá cấm xuất, nhập khẩu đều có nhóm hàng hoá " Động vật hoang dã và động thực vật quý hiếm tự nhiên".
Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 30/06/2002 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý thuộc bảo vệ thực vật quy định: Mọi tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh không được "có hành vi gây hại tài nguyên thực vật, sức khoẻ nhân dân, môi trường và hệ sinh thái".
Mặc dù vậy cũng như những qui định về kĩ thuật và tiêu chuẩn những qui định này còn rất mới mẻ đối với Việt Nam, mặt khác công tác kiểm tra giám sát chưa tốt nên công tác kiểm dịch hầu như tiến hành không thường xuyên, hiệu lực kém (việc này có lẽ thực hiện tốt nhất sau khi có dịch sars, và dịch cúm gia cầm) do đó chưa có tác động đáng kể đối với việc bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường cũng như tạo ra được hàng rào bảo hộ trong nước. Nếu thực hiện những quy định này tốt, không những vừa đáp ứng được những định chế của wto, thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế vừa tạo ra hàng rào kỹ thuật hữu hiệu bảo vệ thị trường nội địa.