3.1.2.1 Tác động của các sáng kiến hợp tác khác trong khu vực
Trong Tiểu vùng GMS, bên cạnh Chương trình Hợp tác GMS còn có các sáng kiến hợp tác khác ở quy mô nhỏ hơn đang cùng tồn tại và hoạt động như Ủy ban sông Mekong (MRC), Hợp tác sông Mekong-sông Hằng (MGC), Chiến lược hợp tác kinh tế 3 dòng sông Mekong-Chaophraya (Thái Lan)-Ayawady (Mianma) ACMECS... Xét về tổng thể, không có sáng kiến nào phát triển đồng bộ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và mang lại kết quả thực tế cho các lĩnh vực hợp tác hơn Chương trình hợp tác GMS. Mặc dù tồn tại những hạn chế như gây lãng phí nguồn lực, tạo ra sự hỗn loạn và lẫn lộn về đầu mối hợp tác tại từng nước thành viên; nhưng các sáng kiến này cũng có những tác động nhất định tới cơ chế hợp tác GMS. Ủy hội sông Mekong MRC được hình thành từ năm 1957, gồm bốn nước hạ lưu sông Mekong làm thành viên. Mặc dù MRC không có nhiều chương trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn, nhưng giúp cho hợp tác GMS phát triển sâu hơn trong lĩnh vực quản lý môi trường và nguồn nước sông Mekong.
Chiến lược hợp tác kinh tế 3 dòng sông Mekong-Chaophraya (Thái Lan)- Ayawady (Mianma) ACMECS với sự tham gia của 5 nước thành viên (Campuchia, Lào, Thái Lan, Mianma, Việt Nam) đã hình thành danh mục các chương trình, dự án hợp tác ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tuy phần lớn các dự án và chương trình ưu tiên đều chưa huy động được vốn đầu tư, lợi ích về kinh tế và chính trị cho ACMECS tạo ra còn nhỏ nhưng Chiến lược này đã góp phần tạo dựng khung khổ và môi trường hợp tác thuận lợi cho các nước thành viên, tăng cường sự hiểu biết giữa các nước.
88
Sáng kiến hợp tác Hai hành lang, một vành đai kinh tế được hai nước Việt Nam và Trung Quốc tích cực ủng hộ và tham gia. Hai tuyến hành lang trong sáng kiến hợp tác này trùng lặp với hai tuyến hành lang kinh tế của hợp tác GMS. Vì thế, sáng kiến này sẽ có tác động lớn tới sự phát triển của Việt Nam và Trung Quốc thông qua các địa bàn hợp tác.
3.1.2.2 Sự phát triển của các nước thành viên GMS
Các quốc gia GMS đã có những tiến bộ trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo khả năng tăng cường và mở rộng hợp tác GMS. GMS đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho chính phủ các nước GMS thực hiện kết nối chính sách hợp tác ở nhiều lĩnh vực với các Hiệp định như Hiệp định tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hành khách qua biên giới, Hiệp định mua bán điện năng trong Tiểu vùng; Các tuyên bố chung tại các Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng,...
Trong tương lai không xa, việc hoàn thành các dự án triển khai xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Tiểu vùng sẽ tạo ra tuyến đường giao thông xuyên suốt từ Đông Nam Á đến Đông Bắc Á, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển thương mại, đầu tư và du lịch của toàn khu vực Đông Á, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước. Việc hoàn tất hệ thống mạng lưới đường giao thông và điện năng sẽ là cơ sở quan trọng để các ngành khác như nông, lâm, ngư nghiệp từng bước hiện đại hóa, trở thành ngành xuất khẩu chủ lực và có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
3.1.2.3 Sự đổi mới của nước Mianma
Những thay đổi mạnh mẽ gần đây ở Mianma đang đưa đất nước này bước sang một trang mới trong lịch sử hiện đại của quốc gia. Hội nhập đầy đủ với cộng đồng thế giới với những bước tiến mạnh mẽ trong cải cách chính trị-kinh tế chắc chắn sẽ mở ra cơ hội phát triển quan trọng cho Mianma.
Hai năm trở lại đây chứng kiến những chuyển biến sâu sắc có ý nghĩa đột phá đối với Mianma. Lần đầu tiên, vai trò của Quốc hội đã được khôi phục trong
89
đời sống chính trị của đất nước này. Chính quyền Mianma chủ động trong thực hiện lộ trình dân chủ 7 bước, trả tự do cho hàng nghìn tù nhân chính trị, ký thỏa thuận hòa bình sơ bộ với các nhóm sắc tộc, nới lỏng kiểm soát truyền thông, thông qua luật lao động mới, giảm thuế đầu tư nước ngoài cũng như tạo đột phá để cải thiện và bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây, từ đó mở rộng quan hệ đối ngoại. Kể từ khi bắt đầu đổi mới, nhiều tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là từ các nước ASEAN, ngày càng chú ý đến cơ hội đầu tư tại Mianma, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, du lịch. Bằng những cải cách trong thời gian qua, bước đầu Mianma đã có được những thuận lợi nhất định, mở ra triển vọng phát triển kinh tế trong nước, tăng cường hợp tác quốc tế. Từ chỗ nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới sau hơn hai thập kỷ bị bao vây cấm vận, giờ đây tiến trình cải cách mở ra nhiều cơ hội để Mianma vực dậy nền kinh tế trì trệ. Theo Báo cáo gần đây của IMF, GDP của Mianma tăng 5,5% trong năm 2011 (tính đến tháng 3/2012), và có thể đạt 6% cùng kỳ năm tới [19].
Tiến trình tự do hóa và bình thường hóa quan hệ với thế giới bên ngoài của Mianma hiện nay có thể tác động sâu sắc đến tình hình địa chính trị tại Châu Á. Các chuyên gia của IMF cho rằng, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động trẻ và vị trí kinh tế chiến lược, Mianma có điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, kết nối Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á.
3.1.2.4 Vấn đề an ninh khu vực và sự cạnh tranh của các nước lớn.
Tình hình an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về tổng thể là ổn định, hoạt động của các nước lớn ngày càng gia tăng, các nước trong khu vực tích cực tham gia và hợp tác vào tiến trình an ninh. Tuy nhiên, an ninh khu vực cũng đứng trước nhiều thách thức, một số vấn đề nóng đang có nguy cơ bùng phát. Nổi bật trong số đó là vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế và vấn đề an ninh môi trường sông Mekong. Đây là hai vấn đề an ninh cơ bản mà các nước GMS đang phải đối mặt. Còn nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống khác có hệ quả từ đây, như an ninh lương thực, nguy cơ gia tăng bất ổn xã hội, dịch bệnh...
90
Khu vực Đông Nam Á nhận được nhiều sự quan tâm của các nước lớn, gây ra quá trình cạnh tranh và hợp tác đan xen. Bên cạnh “sự trở lại” Châu Á của Mỹ, các nước lớn khác cũng tăng cường sự can dự vào khu vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ thúc đẩy đa dạng hóa quan hệ quốc tế tại khu vực. Do vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của khu vực, các cường quốc đều có những điều chỉnh chiến lược nhằm tăng cường ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực này.
Yếu tố chủ nghĩa dân tộc ngày càng được thể hiện rõ thông qua quan điểm, vai trò và hành động của các nước lớn tại khu vực. Sự cạnh tranh nhằm tăng cường sức ảnh hưởng cũng như vị thế tại đây của Trung Quốc, Nhật Bản tác động đến sự hợp tác khu vực. Mục tiêu kinh tế được nêu ra nhằm thúc đẩy sự phát triển cho GMS, nhưng bản thân mỗi nước đều có những lợi ích riêng, đẩy mục tiêu chính trị được đặt lên hàng đầu trong quan hệ hỗ trợ, hợp tác. Yếu tố nước lớn được thể hiện rõ trong các mối quan hệ này tại khu vực.
Diện mạo địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á hiện đã thay đổi rất nhiều, quan hệ giữa các nước và khu vực ngày càng được tăng cường, con đường hợp tác đối với mỗi quốc gia đều rộng mở, song vẫn còn tồn tại những thách thức và các vấn đề về an ninh trong khu vực. Đông Nam Á cần phải nắm bắt các cơ hội chiến lược nhằm xây dựng một cấu trúc hoà bình bền vững thông qua nỗ lực chung để mở ra sự hợp tác địa chính trị mới.