Khả năng hợp tác Tiểu vùng của Việt Nam

Một phần của tài liệu Hợp tác quốc tế tiểu vùng Mekong mở rộng và sự tham gia của Việt Nam (Trang 73)

2.2.2.1 Khó khăn

So với các nước còn lại trong Tiểu vùng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước cũng như khả năng hợp tác Tiểu vùng. Tuy nhiên, cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn.

Kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm thấp. Trong khu vực, Việt Nam thuộc nhóm những nước nghèo nhất, là một trong những đối tượng ưu tiên trong các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN. Việt Nam mới bước ra khỏi cuộc khủng hoảng của những năm 80 thế kỷ 20 và bắt đầu giai đoạn đổi mới. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đối mặt với nhiều khó khăn, không tránh khỏi nhiều bất cập. Bộ máy quản lý nhà nước chưa thực sự năng động nắm bắt các cơ hội từ bên ngoài. Năng lực cán bộ chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của khu vực và trên thế giới, điều này có thể dẫn đến nguy cơ tụt hậu so với thế giới. Bên cạnh đó, sự khác biệt về hệ thống chính trị cũng gây cản trở cho

73

việc tăng cường các hoạt động hợp tác Tiểu vùng. Hơn nữa, chính sách về đầu tư và hợp tác của Việt Nam chưa thực sự thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thực tế, các khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế có thể khắc phục được thông qua nỗ lực từ bên trong kết hợp với sự trợ giúp, bổ sung của các nguồn lực, ưu thế bên ngoài.

2.2.2.2 Thuận lợi

Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở phía bờ Đông của phần lục địa Tiểu vùng, liền kề với các tuyến đường biển quốc tế Đông Á-Đông Nam Á, nối Châu Á với các châu lục khác trên thế giới. Do đó, Việt Nam có ưu thế nổi bật là mặt tiền của Tiểu vùng, là cửa ngõ thông thương ra biển và gần các đường hàng hải quốc tế nhất.

Về kinh tế, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn và có tiềm lực về dân số, tài nguyên, khoa học công nghệ so với các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong Tiểu vùng.

Việt Nam là nước có dân số đông nhất trong Tiểu vùng với nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nền giáo dục tốt và đang được cải tiến. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, đạt được nhiều thành tựu trong thời kỳ đổi mới. Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã tạo ra một môi trường chính sách thông thoáng, kết cấu hạ tầng cơ sở được cải thiện.

Kể từ khi tăng cường cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế năm 1989, chính phủ Việt Nam chủ trương thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại của mình với tất cả các nước trên thế giới, nhằm phát huy thế và lực mới cho phát triển kinh tế. Trong quá trình hội nhập này, chính phủ Việt Nam luôn giành sự ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực Đông Á. Việc hưởng ứng và tham gia Hợp tác Tiểu vùng GMS năm 1992 chính là bước đi đầu tiên của Việt Nam trên con đường hội nhập đầy cơ hội và thách thức này.

74

Xuất phát từ tầm quan trọng của hợp tác GMS đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, xét về các điều kiện trong nước và khu vực, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia hợp tác Tiểu vùng một cách tích cực và hiệu quả.

Một phần của tài liệu Hợp tác quốc tế tiểu vùng Mekong mở rộng và sự tham gia của Việt Nam (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)