- Quản lý nhân lực KH&CN cấp vi mô
1.2 Các mô hình quản lý nhân lực
Quản lý nhân lực là hoạt động thông qua con người, bằng con người để đạt được mục tiêu của tổ chức. Mọi chức năng và mục tiêu của quản lý nhân lực sẽ không thể hoàn thành tốt nếu các nhà quản lý không hiểu được yếu tố con người trong các hoạt động tổ chức. Dưới đây là một số mô hình về quản lý con người của một số tác giả mà Luận văn lựa chọn sử dụng khi phân tích các vấn đề về quản lý và sử dụng nhân lực tại ĐHQGHN.
Bốn mô hình con người của Edgar H.Schein
Edgar H.Schein đưa bốn mô hình quan niệm về con người, từ quan điểm lợi ích kinh tế đến con người tổng thể.
- Mô hình thứ nhất-Giả thuyết lợi ích kinh tế
Giả thuyết lợi ích kinh tế dựa trên quan điểm cho rằng con người trước hết bị thúc đẩy bởi những động cơ kinh tế. Và vì những động cơ này bị giám sát bởi tổ chức, nên con người thực chất là thụ động, bị điều khiển sử dụng, bị thúc đẩy và giám sát bởi các tổ chức.
- Mô hình thứ hai- Giả thuyết về mặt xã hội.
Dựa trên quan điểm của Elton Mayo cho rằng, về cơ bản con người bị thúc đẩy bởi những nhu cầu xã hội. Theo những đó các lực lượng về mặt xã hội của những nhóm phân chia theo địa vị xã hội là quan trong hơn sự kiểm tra theo quản lý của tổ chức.
- Mô hình thứ ba- Giả thuyết về tự thân vận động
Mô hình thứ ba gắn với lý thuyết về sự phân cấp nhu cầu của Abraham Maslow. Giả thuyết tự thân vận động cho rằng các động cơ được chia thành năm nhóm trong một hệ thống thứ bậc, từ những nhu cầu đơn giản để tồn tại là những nhu cầu sinh lý đến những nhu cầu cao hơn như tự thân vận động với sự tận dụng tối đa tiềm năng của con người. Theo đó mỗi con người sẽ tự thúc đẩy mình và có thể được hoàn thiện.
- Mô hình thứ tư- Giả thuyết phức hợp
Giả thuyết phức hợp thể hiện quan điểm của Schein: con người là một thực thể và có khả năng thay đổi, có nhiều động cơ kết hợp thành một
mẫu vận động phức hợp. Con người có khả năng học hỏi những cách thức vận động mới và có khả năng đáp ứng lại những chiến lược quản lý khác nhau.