- Quản lý nhân lực KH&CN cấp vi mô
2.1.1. Quá trình hình thành và phát triển
Đại học Quốc gia Hà Nội - tên giao dịch bằng tiếng Anh: Vietnam National University, Hanoi; viết tắt là VNU - được thành lập theo Nghị định số 97/ CP ngày 10 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 3 trường đại học lớn ở Hà Nội: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chính thức bước vào hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/9/1994.
Truyền thống của ĐHQGHN gắn với lịch sử hình thành và phát triển của những trường đại học tiêu biểu ở Việt Nam trong suốt bề dày của thế kỷ XX, từ Trường Đại học Đông Dương (16/5/1906) có cơ sở tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội; Trường đại học Quốc gia Việt Nam trên cơ sở kế thừa Trường đại học Đông Dương và khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 15/11/1945; Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1956) và Trường đại học Sư phạm Hà Nội (trong đó có khoa Ngoại ngữ, sau này phát triển thành Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội vào năm 1967). Trường đại học Tổng hợp Hà Nội là một trường đại học khoa học cơ bản đa ngành, trực tiếp kế thừa truyền thống của Trường đại học Đông Dương và Trường đại học Quốc gia Việt Nam.
Xét về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất - kỹ thuật và chương trình đào tạo, ĐHQGHN ngày nay là sự nối tiếp truyền thống và uy tín của các trường đại học lớn ở Việt Nam từ Đại học Đông Dương, Đại học Quốc gia Việt Nam trước đây đến Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội sau này.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN, một mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực có quy mô lớn, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài khoa học, công nghệ cho đất nước, đó được khẳng định. Ngày 1/2/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2001/NĐ-CP về Đại học Quốc gia; Đây là mốc lịch sử đánh dấu giai đoạn phát triển mới về quy mô và chất lượng của ĐHQGHN - một "trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao" hàng đầu, đóng vai trò đầu tàu của hệ thống giáo dục đại học của cả nước.
2.1.2.Sứ mệnh và mục tiêu phát triển:
2.1.2.1 Sứ mệnh
Xây dựng và phát triển ĐHQGHN thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ đa ngành đa lĩnh vực, từng bước tiếp cận trình độ quốc tế. (2)
2.1.2.2 Mục tiêu chiến lược:
Phấn đấu trở thành đại học định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực Châu á, trong đó có một số lĩnh vực và nhiều ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế. (2)