7. Kết cấu của luận văn
2.1.1.1 Vài nét về báo Tiếng nói Việt Nam
Báo Tiếng nói Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Báo ra đời ngày 2/11/1998, với tên gọi ban đầu là báo “Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Thành lập: 2/11/1998
Cơ quan chủ quản: Đài Tiếng nói Việt Nam
Đầu mối kinh doanh
- Trung tâm Quảng cáo & Dịch vụ phát thanh - Trực tiếp quản lý bộ phận phát hành
Ban đầu, báo “Đài Tiếng nói Việt Nam” chủ yếu tuyển chọn, in những tin, bài có chất lượng đã phát trên sóng của Đài trong tuần. Ngoài ra, là những thông tin về các chính sách mới của Đảng, Chính phủ và một số bài viết về các tấm gương người tốt, việc tốt…
Đầu năm 2003, báo đổi tên thành “Tiếng nói Việt Nam”. Với tên gọi mới, tờ báo đã có bước đột phá trong cải tiến nội dung và hình thức của tờ báo. Đến năm 2005, báo Tiếng nói Việt Nam phát hành 2 số/tuần và vẫn duy trì cho đến hiện nay.
Báo Tiếng nói Việt Nam hiện nay có 16 trang với nhiều chuyên mục như: Tin tức – Sự kiện; Tiêu điểm; Xã hội; Chuyển động Kinh tế; Diễn đàn; Văn hóa, Thể thao; Bạn đọc; Phóng sự; Quốc tế; Khám phá…
Với ưu thế là tờ báo trực thuộc một cơ quan ngôn luận lớn của đất nước có bề dày lịch sử lâu đời, báo Tiếng nói Việt Nam đã huy động được nhiều cây bút xuất sắc của Đài. Mục Phóng sự, Từ làng ra phố, quốc tế… thường xuyên có nhiều bài viết hay… Nhiều cây bút của báo đã đạt các giải thưởng báo chí Quốc gia.
Bên cạnh đó, với mạng lưới phóng viên rộng khắp, báo cũng có nhiều bài viết sâu sắc về các sự kiện nóng bỏng trong đời sống xã hội, cũng như các bài viết có tính chất tư liệu lịch sử.
Báo Tiếng nói Việt Nam số ra ngày 21/9/2010 có bài của GS.TS Hồ Sĩ Vịnh: “Có một dòng văn chương về đề tài Thăng Long – Hà Nội”; hay “Nhận thức về Chủ nghĩa tư bản hiện đại” của GS.TS Vũ Văn Hiền… Bên cạnh đó, là các phóng sự nóng về nguy cơ vỡ đê biển ở Cà Mau; tình trạng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, hoa quả; tình trạng tồn dư các chất tăng trưởng độc hại trong thịt, trứng, sữa…
Bên cạnh đó là vấn đề thể thao được mọi người quan tâm như chuyện Văn Quyến chấn thương cổ chân sau khi được gọi vào đội tuyển Quốc gia…
Do không phải là báo ngày, nên báo Tiếng nói Việt Nam thường ít tin, mà chủ yếu là các bài viết sâu, có tính chất suy ngẫm, hoặc các bài điều tra…
Các bài viết đều mang lại những thông tin có ích cho độc giả, có sự tìm tòi của người viết. Tuy nhiên, cũng không dễ nhận thấy, nhiều thông tin đã quá cũ so với các báo, đưa chậm hơn nhưng thông tin không có gì mới hơn, sâu hơn, hoặc không có góc tiếp cận khác.
Ví dụ: Bài viết trên trang Quốc tế số ra ngày 21/9: Nỗi lo khủng hoảng hưu trí ở Trung Quốc. Trong khi bài dịch từ nguồn BBC này, các báo đã đăng từ ngày 8/9.
Nhiều bài viết chung chung, thiếu câu chuyện và con người cụ thể, cách viết còn khô cứng. Ngoài ra, cách trình bày, và giật tít vẫn cũ kĩ, nhàm chán...
Chẳng hạn, có bài viết gần 2000 chữ (Đại lộ Thăng Long: Trục đường dành cho không gian hiện đại) nhưng không hề có tít phụ, tít xen, trong khi lại chia khổ rất dài… khiến người đọc báo có cảm giác nặng mắt, khó vào.
Chapeau của bài báo không đưa được chi tiết quan trọng hấp dẫn lên để thu hút người đọc : “Hiện nay, các đơn vị thi công đang khẩn trương gấp rút hoàn thành các hạng mục công trình trên tuyến đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, nay được đặt tên là Đại lộ Thăng Long. Theo dự kiến, ngày 25/9 toàn bộ các hạng mục của dự án sẽ hoàn thành, kịp thời chào mừng Đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”.
Mặc dù tên của tờ báo là “Tiếng nói Việt Nam” cũng được đánh giá là khá hay, với 40 nhân sự và mạng lưới phóng viên của Đài ở khắp mọi miền đất nước nhưng, do nhiều yếu tố, báo Tiếng nói Việt Nam khó đến được với đông đảo công chúng.
Vì thế, dù là đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng báo Tiếng nói Việt Nam hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn bao cấp của Nhà nước.