7. Kết cấu của luận văn
1.3.1 Khái quát
Nói đến Kinh tế thị trường là nói đến một cơ chế mà trong đó mọi hoạt động đều hướng tới mục đích sinh lời.
V.I . Lê nin cũng từng khái quát đại ý rằng trong thị trường, người mua thì cố mua cho thật rẻ, còn người bán thì cố bán cho thật đắt.
Rõ ràng, quy luật cơ bản chi phối mọi hành vi trong kinh tế thị trường là quy luật giá trị, quy luật giá cả, quy luật cung cầu và quy luật lợi nhuận.
Do đó, đã hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì động lực chủ yếu của mọi tổ chức và cá nhân là hoạt động nhằm sinh lời, thu lợi nhuận.
Báo chí làm kinh tế cũng phải tính toán đến điều đó.
Xét về cơ chế tài chính cho hoạt động của một cơ quan báo chí thì ở Việt Nam hiện nay, có thể phân loại hệ thống báo chí thành 3 nhóm:
- Nhóm các tờ báo được ngân sách Nhà nước bao cấp hoàn toàn. Đó là báo, tạp chí Đảng, đoàn thể quần chúng và các tờ báo, tạp chí chuyên ngành, địa phương do Bộ chủ quản hoặc cơ quan chủ quản bao cấp 100%.
- Nhóm các tờ báo hoạt động được bao cấp một phần với các mức độ khác nhau, phần còn lại tòa soạn báo phải tự trang trải, tự thu, tự chi (tự chủ một phần).
- Nhóm các tờ báo là cơ quan ngôn luận của một số tổ chức, đoàn thể quần chúng như các Hiệp hội… hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, tự thu tự chi (tự chủ toàn bộ).
Hiện nay, nhiều tờ báo ở Việt Nam đã có thể tự hạch toán kinh doanh, hòa nhập vào dòng chảy của nền kinh tế thị trường. Cũng như nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, kinh doanh báo chí chịu sự tác động của các quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường.
Nhìn từ góc độ kinh tế, báo chí là loại hàng hóa đặc biệt, tòa soạn cũng là một dạng doanh nghiệp đặc biệt.
Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng Trần Thế Tuyển cũng cho rằng, hiện nay báo chí không chỉ là cơ quan báo chí đơn thuần mà như một doanh nghiệp, tức phải tạo ra được lợi nhuận kinh tế. [3]
Chức năng kinh tế của báo chí đã rõ, song cần khẳng định rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của nền báo chí cách mạng Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, kịp thời phản ánh những diễn biến mới của đời sống xã hội, những tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” chỉ rõ: “Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiến tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, nâng cao
chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ.
Báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội”. [5, tr.115]
Cố gắng phát triển các hoạt động kinh doanh, tăng nguồn thu cho tờ báo, nhưng không như những ngành nghề kinh doanh khác, báo chí còn là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, báo chí luôn chịu chi phối bởi những yêu cầu, nhiệm vụ về tuyên truyền các chủ trương chính sách của nhà nước…
Do đó, các cơ quan báo chí cần hết sức tỉnh táo, để tránh tình trạng chỉ quan tâm thu lợi nhuận mà không quan quan tâm tới chức năng thông tin tuyên truyền, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước.