Con cò có những nét tương đồng với những người nông dân đang vật lộn trong vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống, và cũng rất tự nhiên, con cò biểu tượng cho người nông dân với những phẩm chất tốt đẹp song luôn đối mặt với cuộc sống nghèo khổ, khó khăn vất vả:
Trời mưa
Quả dưa vẹo vọ Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo
Con cò kiếm ăn
Tất cả những sự vật trong cảnh trời mưa đều rơi vào thế bị động, sợ hãi, thu vào một góc, chỉ có con cò là vẫn mặc gió mưa để vật lộn với công việc của mình. Trước cuộc sống kiếm ăn vất vả, người nông dân bao lần đã đặt câu hỏi:
Ai làm cho bể tù đày Cho ao nước cạn cho gầy cò con
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
“Thân cò” là một biến thể của biểu tượng cò được sử dụng nhiều lần để biểu hiện cho bóng dáng gầy gò nhỏ bé mà miệt mài cần mẫn của người dân lao động, họ mang thân phận của con ông cái kiến, chịu mọi bất công khổ cực trong cuộc sống, và áp bức của bọn địa chủ phong kiến. Mọi hiểm nguy luôn rình rập họ:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Số phận họ mỏng manh yếu đuối nhưng phẩm chất của người nông dân luôn vững vàng, cao đẹp trong mọi hoàn cảnh, tỏa sáng lòng tự trọng và kiên định giữ gìn phẩm giá trong sạch:
Ông ơi ông vớt tôi nao Tôi có lòng nào ông sẽ xáo măng
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Hình tượng người nông dân thể hiện dưới biểu tượng con cò được nhìn dưới con mắt sắc sảo và tinh tế, và còn được đặt trong mối quan hệ với giai cấp khác để cho thấy sự đối kháng giai cấp:
Con cò chết rũ trên cây
Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma Cà cuống uống rượu la đà Bao nhiêu cóc nhái nhảy ra chia phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích mặc quần rúc mỏ đi rao
Những thế lực tàn ác xuất hiện mọi lúc mọi nơi, trong cả những câu ca dao Nam Bộ:
Con cò mắc giò mà chết
Con bìm bịp mua nếp làm chay …Le le vịt nước lăng xăng Rủ nhau đi tới bịt khăn con cò
Thân phận và mạng sống của người dân lao động nằm trong tay bọn áp bức bóc lột nên trong xã hội phong kiến, cuộc đời người nông dân không thể thoát khỏi cảnh đày đọa liên miên. Trong ca dao kháng chiến chống Pháp, hình ảnh con cò lại tiếp tục hiện lên trong thân phận bị vùi dập không thương tiếc:
Thằng Tây bắn sung nó què một chân
Trong hình tượng người nông dân, ta thấy nổi bật lên hình tượng người phụ nữ, đặc biệt khi hình tượng ấy được tái hiện bằng biểu tượng con cò. Người phụ nữ hiện lên thấp thoáng đằng sau những thân cò lam lũ vất vả:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Xã hội phong kiến cùng tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến người phụ nữ phải chịu kiếp sống tủi nhục, vất vả, số phận long đong, hẩm hiu. Tác giả dân gian đã diễn tả đặc sắc cái thân phận cảnh huống đáng thương ấy bằng biểu tượng “con cò lặn lội” và tiếng khóc vang lên giữa chiều rộng không gian. Giữa không gian vô cùng, người phụ nữ thấm thía được cái nhỏ nhoi le loi của thân phận. Đó cũng là biểu tượng chung cho kiếp người bé nhỏ của xã hội cũ.
Khi là biểu tượng cho con người, con cò mang giá trị biểu đạt cao nhất, đặc biệt là biểu tượng cho người nông dân xã hội cũ nên nó góp phần phản ánh con người và hiện thực xã hội của cả dân tộc trong thời đại.