đời thường của người dân lao động:
Điều làm nên sức sống của văn học dân gian là ở chỗ văn học dân gian nẩy mầm phát triển giữa cuộc sống hàng ngày: “ Nghệ thuật là cuộc sống” và “ cuộc sống cũng là nghệ thuật”. Tính chất của hình ảnh chim trong thực
tế cũng là nguyên nhân của việc sử dụng hệ biểu tượng chim trong ca dao. Đất nước Việt Nam là một đất nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên, dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình. Nhắc đến tên mỗi làng quê Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến hình cảnh những cánh chim sải cánh trong bầu trời xanh thanh bình. Đó cũng là lí do khiến hình ảnh trong ca dao có phần nhiều hình ảnh những cánh chim gần gũi thân thuộc với không gian làng quê. Với bản chất tâm hồn giàu có phong phú và nhạy bén, nhân dân luôn mở rộng đón nhận những âm vang của cuộc sống, đó là động lực thúc đẩy họ sáng tạo và xây dựng một hệ biểu tượng chim sinh động trong ca dao.
Đối với họ, loài chim cũng mang chức năng thẩm mỹ cao cả, hình ảnh chim trong đời sống là loài vật được tạo hóa ban tặng cho những vẻ đẹp riêng. Chúng là những loài vật ngày đêm vất vả vì kiếm sống (cò, vạc,…), lại là những con vật tự do bay lượn phóng khoáng trong không trung (nhạn, én…), có lúc hát ca líu lo, tụ tập thành đàn, có lúc lẻ loi một mình. Chính vì thế mà chim không còn là loài vật vô tri, mà là biểu tượng của con người, là tâm sự, ước mơ, khát vọng ngàn đời của nhân dân và dân tộc.
Tất cả những điều ấy làm cho ca dao trữ tình Việt Nam có thêm những sắc màu mới mẻ, sinh động, qua đó người đọc cảm nhận được chân thực hiện thực xã hội của dân tộc, của lịch sử, và thái độ thẩm mỹ của con người Việt Nam.