6 Cấu trúc luận văn
3.2.1 Kết cấu phi cốt truyện
Khảo sát các phóng sự giai đoạn đầu thời đổi mới đăng trên báo Văn nghệ cho thấy, đa số các phóng sự có kết cấu ngắn gọn và hiện đại, phổ biến ở dạng kết cấu phi cốt truyện. Đây là kiểu kết cấu trong đó hệ thống các sự việc, chi tiết chính không được tổ chức thành một câu chuyện mà xuất hiện như những cứ liệu nhằm bổ sung, minh họa cho vấn đề phóng sự đặt ra. Kết cấu phi cốt truyện thường biểu hiện dưới hai kiểu dạng: Kết cấu liên tưởng và kết cấu xâu chuỗi. Trong trường hợp đối tượng phản ánh là những vấn đề, sự kiện tượng đối nhỏ, diễn biến đơn giản thì kiểu kết cấu liên tưởng được ưu tiên sử dụng. Kết cấu liên tưởng là là mô thức cấu trúc mà ở đó sự kiện,
số liệu, con người và chủ kiến của người viết được tổ chức, sắp xếp theo một ý đồ
nghệ thuật nào đó nhằm “chuyển tải những thông tin sự thật một cách có hiệu quả,
trong đó việc tổ chức hệ thống chi tiết với tư cách các dữ liệu của sự kiện đóng vai trò quan trọng” [44, tr.33]. Có thể nhận diện kiểu kết cấu này ở các phóng sự: Buôn bán là một nghề gay lắm (Hoàng Dạ Vũ), Tiếng đất (Hoàng Hữu Các), Từ “tứ hùng” Sầm Sơn đến “thủ đô” Nông Cống (Trần Huy Quang), Trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI
(Nguyễn Thị Vân Anh)…
Cụ thể, ở phóng sự Từ “tứ hùng” Sầm Sơn đến “thủ đô” Nông Cống, sau khi
chuyển tải đến bạn đọc những thông tin khái quát về nỗi đau nhân tình thế thái, mà cụ thể là nỗi niềm oan khuất của một người từng cầm cân nảy mực trong cơ quan hành pháp nhưng vì làm trái ý của lãnh đạo mà phải về vườn, bị trà đạp lên nhân cách, phóng sự tiếp tục bằng một loạt những sự việc, con người được dẫn chuyển khá khéo léo, tạo nên những đợt sóng liên hoàn cùng soi sáng bản chất của sự kiện. Đó là anh chủ nhiệm hợp tác xã Tiến Hưng - Vũ Tiến Lân, chỉ sau một năm cầm quyền, với cách làm ăn táo bạo đã đưa cái hợp tác xã đang thoi thóp sống như một cơ thể thiếu máu đi lên, tổ chức được những đội tàu vượt đại dương đi Bắc – Nam, mang lại cho xã viên nguồn thu nhập. Đó là Mạnh - chủ nhiệm hợp tác xã chiếu cói Toàn Tâm, một thương binh nặng có cách làm ăn quyết đoán và khẳng khái, đã phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ về trách nhiệm của một con người trước thực trạng xã hội nhiều ngang trái. Là Sinh - công nhân xí nghiệp xay xát bị đổ oan cho cái tội vu khống lãnh đạo và bị bắt giam, buộc thôi việc. Là cô thợ xay luống tuổi chưa chồng vô tình nhìn thấy việc làm sai trái của giám đốc mà bị trù úm…Và song hành cùng diễn biến của sự kiện là những lời bình phẩm, lý giải; những suy tư, chiêm nghiệm về nhân tình thế thái của cái tôi lý lẽ. Trước những mảnh đời oan trái, trước những cơ chế nghịch lý, cái tôi lý lẽ công khai xuất hiện, thẩm định thực trạng bằng những lập luận sắc bén, xác đáng và đầy tình
người: “Nhìn cô có lẽ đến quỷ sa- tăng cũng không nỡ xử ác” [63, tr.10].
Không có cốt truyện, phóng sự tuân theo kết cấu liên tưởng, xen kẽ giữa những sự kiện, con người là cảm quan của người viết. Đặc điểm này góp phần làm mờ dần chất truyện, đưa phóng sự trở về đúng với kết cấu đặc trưng của phóng sự, đó là kết cấu phi cốt truyện.
Một dạng cấu trúc nữa có tỷ lệ sử dụng tương đối cao trong phóng sự giai đoạn đầu thời đổi mới trên báo Văn nghệ đó là: dạng cấu trúc xâu chuỗi các lát cắt của sự kiện. Trong một xã hội đầu đổi mới, người đọc có xu hướng tiếp nhận thông tin theo
lối hiện đại, nhanh và cập nhật được nhiều thông tin, vì vậy, dạng cấu trúc xâu chuỗi các lát cắt sự kiện tỏ ra hữu dụng khi người đọc chỉ cần đọc các tiểu mục là có thể nhận diện được nội dung trọng tâm của tác phẩm để đưa ra quyết định có tiếp tục đọc nữa hay không. Thông thường, trong các dạng phóng sự kiểu này, thông tin chính yếu được đẩy lên hàng đầu, ở vị trí mặt tiền sau đó cái tôi trần thuật mới lần lượt minh họa, bổ sung bằng các mảnh sự kiện cụ thể được trình bày độc lập, riêng biệt sau mỗi tít
phụ. Ví dụ, trong phóng sự Tiếng đất, Hoàng Hữu Các kết hợp ba lát cắt sau:
1. Chân dung một người nông dân bị bóc lột. Đó là ông Mô – một nông dân chất phác không chấp nhận thói làm ăn lếu láo khi vào hợp tác xã. Ở mục này, ngòi bút phóng sự tập trung phác họa hình ảnh người nông dân từ gốc gác, con đường dẫn đến phải đi ăn xin cho đến những bất công, ngang trái của xã hội khi người nông dân không được làm chủ trên mảnh ruộng của mình.
2. Những cơ chế, chính sách lạc hậu, vô lý. Tái hiện đời sống người nông dân sau lũy tre làng với không ít những điển hình kinh tế cá thể vượt qua những cơ chế khắc nghiệt để làm giàu cho bản thân và xã hội.
3. Phải chăng, đất nước sau chiến tranh vẫn còn nhiều “lô cốt”. Ở tiểu mục này, phóng sự đi vào phân tích thực trạng và trả lời câu hỏi vì sao người nông dân vẫn nghèo đói ?. Vì sao họ bị thui chột ý chí làm giàu?. Qua những giải đáp, cái tôi chính kiến hướng đến gợi mở một số giải pháp có tính định hướng để giải quyết thực trạng.
Nhìn vào mối liên kết này thì thấy các mặt cắt của sự kiện có vẻ không logic, liền mạch, tưởng chừng như là sự lắp ghép ngẫu nhiên nhưng kỳ thực từ chiều sâu nội dung là một mắt xích chứa đựng trong đó các ý tưởng của người viết. Mỗi mảnh ghét khai thác một khía cạnh khác nhau của sự kiện, chúng hòa vào với nhau để mở ra nhiều chiều hướng lớn hơn nhằm khai mở sự kiện chính. Những kết cấu kiểu này được sử dụng khá nhiều trong các phóng sự đăng trên báo Văn nghệ giai đoạn đầu thời đổi mới, tiêu biểu là các phóng sự của: Hoàng Minh Tường, Trần Huy Quang, Hồ Trung Tú, Trần Khắc…