6 Cấu trúc luận văn
3.1.1 Tinh tế trong chi tiết thực tại
Hiện thực cuộc sống vốn muôn hình muôn vẻ đòi hỏi người nghệ sỹ phải có sự sàng lọc, tinh tuyển những vấn đề có ý nghĩa điển hình. Đây là điều hết sức cần thiết để người nghệ sỹ có thể làm chủ được vấn đề trong quá trình phản ánh. Bởi nếu thiếu sự cân nhắc thận trọng, sự phân lọc, khu biệt, người nghệ sỹ không thể làm chủ được vấn đề muốn trình bày.
Riêng đối với phóng sự, yêu cầu về việc chọn lựa vấn đề để phản ánh có phần khó khăn hơn, làm sao vừa đảm bảo tính thời sự vừa có tính xác thực. Nhà phóng sự
không thể “quan sát nhiều người cùng loại để sáng tác một điển hình” theo kiểu của
L.Tônstôi mà họ phải nhanh chóng đãi cát tìm vàng trong một thời gian rất ngắn. Phải
“biết phát hiện những nét chủ yếu nét điển hình trong vô số hiện tượng” (B. Pôlêvôi). Trong lúc đó, những sự việc con người vừa mang tính tiêu biểu vừa chứa đựng yếu tố thẩm mỹ vốn nằm lẫn lộn trong vô vàn những cái bình thường của cuộc sống. Vì thế việc chọn lựa đối với thể phóng sự là hết sức khó khăn.
Để có được những tác phẩm phóng sự xuất sắc viết về nông thôn, nông dân, các nhà phóng sự đã tinh tế trong quá trình chọn lựa các chi tiết thực tại, nắm bắt được
“cái thần” hiện thực một cách nhanh chóng, chuẩn xác đảm bảo tính khách quan, không được phép hư cấu. Với nhãn quan sắc sảo và cảm quan hiện thực tinh tế, các ống kính phóng sự biết “chộp lấy” những vấn đề nóng bỏng mà xã hội đang quan tâm của giai đoạn đầu thời đổi mới.
Chẳng hạn, từ thực tại bộn bề của cuộc sống sau lũy tre làng trong Người đàn
bà quỳ, những trò cướp đất, ăn chặn, rút tiền công quỹ, bao che, dung túng cho cái sai, trù dập, trả thù người tố cáo….diễn ra nhan nhản, Trần Khắc đã chọn lựa ra những thông tin đắt giá nhất để từ đó lật tẩy những trò bẩn thỉu của bọn lãnh đạo địa phương
đã áp bức bóc lột, kìm kẹp nông dân trong cuộc sống đen tối. Người đàn bà quỳ không
chỉ phản ánh tham nhũng cường quyền mà còn đặc biệt chú ý đến ý chí, nguyện vọng và tính cách thật thà của người nông dân. Có thể nói, sau luỹ tre xanh là một thế giới riêng biệt, trong đó người nông dân bị coi như những con rối dưới sự điều khiển của
“tập đoàn cầm đầu”, nếu không cẩn thận dễ dàng bị trả thù đến chết hoặc nhẹ nhàng
cũng bị “chó dại cắn”. Trần Khắc biết sàng lọc trong vô số cái phức tạp của cuộc sống
thôn quê để dũng cảm nói lên vấn nạn mà người dân đang phải hứng chịu. Điều đó thể hiện sự tinh tế của tác giả trong chọn lựa các chi tiết thực tại.
Những tưởng rằng bức tranh làng quê đã được khai thác triệt để, chẳng có gì mới để nói thêm về nông thôn, nông dân Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới. Thế nhưng,
thiên phóng sự Cái đêm hôm ấy…đêm gì ? vẫn đem lại nhiều điều mới mẻ cho người
đọc. Chẳng hạn, xung quanh chuyện tham nhũng, cường hào ở một địa phương, tác giả
có thể viết nên một “bộ sưu tập về tệ tham nhũng”, nhưng Phùng Gia Lộc tỏ ra tinh tế
khi đặc tả trong tình huống nó buộc phải “xuất đầu lộ diện”. Đó là một đêm "đồng
khởi thu sản”. Toàn bộ bản chất của sự việc sẽ lộ rõ chân tướng trong các khoảnh khắc quan trọng này. Tác giả rất xuất sắc khi lựa chọn tình huống “lý tưởng” này để tung một cú đá rất hiểm vào bộ mặt của bọn cường hào mới. Lật ra chân dung và bộ mặt nham nhở của của giới quan quyền với những thủ đoạn bẩn thỉu.
Mỗi tội ác đều được chọn lựa trong một bối cảnh đặc biệt, tự nó hiện lên sức tố cáo mà không có lí do nào bào chữa. Nạn sưu cao thuế nặng sẽ lộ rõ chân tướng trong
đêm thu sản trống giong cờ mở. Khi tiếng trống thúc như cháy nhà, cũng là lúc diễn ra
những cảnh lùng sục, bắt sưu nặn thuế, rồi doạ nạt, rồi van khóc, nài xin. Chọn lựa đúng thời điểm đó, tác giả mới có thể vẽ nên toàn bộ “thần thái” của sự việc mà không cần tô vẽ hay hư cấu. Người thật, việc thật cứ thế hiện ra vừa tiêu biểu, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ đúng như yêu cầu của thể phóng sự.
Bên cạnh sự kiện, phóng sự viết về nông thôn, nông dân trên báo Văn nghệ giai đoạn này còn lấy tư liệu về con người để phản ánh hiện thực. Đối với tư liệu về con người, hầu hết các nhà phóng sự chủ yếu chọn lựa hết sức tinh tế, họ không phải là đám đông mà là những con người bằng xương bằng thịt, được lấy làm nhân chứng đại diện cho một tầng lớp người cụ thể. Họ được chọn lựa từ những hình ảnh tập thể của nhiều giới người. Bà Khang, bác Sâm, chị Ký đại diện cho người nông dân quật khởi,
dám vùng lên chống lại bất công trong Người đàn bà quỳ; ông Mô đại diện cho tầng
lớp nông dân thật thà, chất phác nhưng nghèo hèn, cơ cực trong Tiếng đất; Chủ tịch
Phê, Bí thư đảng ủy Phùng Gia Miện trong Cái đêm hôm ấy…đêm gì ? hoặc ông Chầu,
ông Thực, ông Bần, anh Bình, bà Huệ trong Người đàn bà quỳ đại diện cho tầng lớp
quan chức trong xã hội; tổ trưởng tổ hợp Trường Sơn Phạm Minh Đường, tổ trưởng tổ sản xuất đóng tàu Nguyễn Văn Đản hay “vua rừng” Nguyễn Văn Tân – tổ trưởng tổ
hợp Hồng Quang trong Xe pháo mã Cẩm Phả là đại diện cho những người thợ, những
kỹ sư có trí tuệ không cam chịu cuộc sống khó khăn bế tắc quyết “xé rào” làm ăn chân chính...Từ tập thể những tầng lớp người trong xã hội, nhà phóng sự tiếp tục chọn lựa và đưa ra những nhân vật có tính điển hình cho từng giới. Cách chọn lựa này tinh tế vì mỗi tệ nạn, mỗi nạn nhân chỉ liên quan tới một nhóm người, giới người nào đó mà thôi.
Trong cái vô vàn phức tạp của cuộc sống đương thời, mỗi sự kiện được nhà phóng sự lựa chọn cùng tài năng sáng tạo, khai thác của họ đã góp phần quan trọng làm nên giá trị của các thiên phóng sự. Những sự kiện, biến cố xã hội, con người được các nhà phóng sự chọn lựa đều là những vấn đề mới mẻ, mang tính thời sự nóng hổi, phổ biến. Nó đều chứa đựng kịch tính hay nói cách khác là chứa đựng những uẩn khúc, những mâu thuẫn nội tại gay gắt có ảnh hưởng đến đời sống xã hội.