Niềm thương cảm sâu sắc

Một phần của tài liệu Phóng sự về nông thôn, nông dân giai đoạn đầu thời đổi mới 1986-1991 (Khảo sát trên báo Văn nghệ (Trang 63)

6 Cấu trúc luận văn

2.2.2 Niềm thương cảm sâu sắc

Hành trình đi tìm tòi và khám phá sự thật, săn lùng cái ác, cái xấu để phơi bày, tố cáo của các nhà phóng sự chính là dấu hiệu của chủ nghĩa nhân đạo. Tư tưởng nhân đạo của các nhà phóng sự không chỉ thể hiện ở nhiệt tình phê phán, tố cáo cái ác mà

còn ở việc thể hiện lòng trắc ẩn, nỗi cảm thông bênh vực những người nông dân. Đó có thể là những người bị tha hoá, biến chất, những nạn nhân của cơ chế, chính sách, của nạn sưu cao thuế nặng, của nạn thờ ơ, vô trách nhiệm hoặc chỉ là những số phận đói nghèo cùng quẫn…Nhà văn Mỹ - William Faulkner đã từng suy nghĩ về con

người: “Tôi tin rằng con người không chỉ biết chịu đựng mà còn biết vươn lên. Con

người bất diệt không chỉ nhờ tiếng nói mà còn nhờ một linh hồn, một tâm hồn để trắng ẩn động lòng, biết hy sinh và chịu đựng đau khổ”. Những ca từ này xứng đáng dành để

tôn vinh những người nông dân đang sống trong “bùn lầy, nước đọng” nhưng vẫn giữ

cho mình những đức tính chân thành của người quê.

Trong niềm thương cảm sâu sắc, bạn đọc báo Văn nghệ dễ nhận ra nỗi cảm

thông, thương xót cho những nạn nhân của xã hội trong từng trang phóng sự. Hoàng

Hữu Các trong thiên phóng sự Tiếng đất đã thấy được tất cả những nỗi nhọc nhằn,

phiền phức của những người nông dân sau luỹ tre làng. Mồ hôi nước mắt của họ không chỉ đổ xuống đồng ruộng mà còn đổ cả ở hợp tác xã - nơi họ được trả những công điểm bèo bọt. Phóng sự của Hoàng Hữu Các chứa đựng những nỗi buồn của một ngòi bút đầy chất nhân văn cao cả. Tác giả phê phán cái thói làm dối ăn thật nhưng không bao giờ xem đó là bản chất của người nông dân. Nhà văn hiện thực rất sâu sắc khi thấy rõ đó là những ảnh hưởng xấu tiêm nhiễm từ một cơ chế bất công của xã hội. Ông xót xa cho những thảm kịch của những người nông dân phải “thích nghi” với cái xấu xa để

tồn tại bởi “thật thà ăn cháo, lếu láo ăn cơm”. Hoàng Hữu Các đã thốt lên thành lời

cảm phục khi chứng kiến đầy đủ tính chất quyết liệt của công cuộc đổi mới mà ở đó, những con người dám đương đầu, dám chịu trách nhiệm để xóa đi những cơ chế lạc hậu kìm hãm sự phát triển của nông thôn, kìm kẹp người nông dân giống như những người chiến sỹ đứng trước một trận đánh sinh tử mà khả năng sống sót trở về không nhiều. Nhưng vì ý chí vươn lên, vì mong ước cải tạo xã hội, thay đổi đời sống của cộng đồng mà họ dấn thân, chấp nhận sự thiệt thòi, đau thương cho bản thân và gia

đình: “Trước khi bước vào cuộc chiến đấu mới, để không hèn nhát lùi bước, anh đã

chuẩn bị để chấp nhận cả những tình huống xấu nhất. Vì lòng dũng cảm chỉ có thể có được trên cơ sở ta hiểu thật cặn kẽ tính chất của cuộc chiến đấu” [5, tr.5].

Cùng xuất phát từ sự chua xót trước hiện thực, nhà phóng sự Trần Khắc đau đớn hơn khi phải vẽ nên cuộc sống mênh mông nỗi khổ nhục của người nông dân bị

bóc lột đau đớn như “bị chó dại cắn” khiến người đọc xót xa. Trong suốt đoạn trường

bày tỏ cảm xúc, tâm trạng của mình ở đoạn cuối của phóng sự: “Tôi nhìn bà Khang, cảm phục, nghẹn ngào. Bà bị mất mát rất nhiều, nhưng vẫn giữ được cái quý nhất là niềm tin. Ở thời điểm này, niềm tin đồng nghĩa với chiến thắng” [36, tr.7].

Chung niềm thương cảm như Trần Khắc và Hoàng Hữu Các, Hồ Trung Tú nhìn những người nông dân hiền lành, thật thà cứ luẩn quẩn trong vòng xoáy đói nghèo, nợ

nần chồng chất, cũng nặng lòng xót xa: “Còn tôi thì chẳng biết nói gì khi nhìn thấy

người đàn ông tuổi gần năm mươi, thân người đã chai lỳ lên với nắng gió, giờ mím chặt bờ môi và đôi mắt thì như ép lại, cố rút ra những giọt đau buồn” [77, tr.1]. Trong

hành trình “trinh sát” vào hang ổ của những điều xấu xa, của những mảng tối “mờ

chìm, khuất lấp”, Hồ Trung Tú đã lý giải một phần nguyên nhân khiến cho người nông dân trả lại ruộng. Nhưng cuộc sống của người nông dân là phải gắn với ruộng

đồng: “Nói thì vậy, hờn dỗi mà nói vậy, chứ trả ruộng lại rồi thì sống bằng gì” [77,

tr.1]. Như vậy, từ những lý giải ban đầu, tác giả cho thấy, dù có chán chường, mệt mỏi nhưng cuối cùng người nông dân vẫn không thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói và cơ cực bởi dù gì thì vẫn phải làm ra hạt thóc, dù ít dù nhiều để không chết đói. Hiện thực xót xa đã đánh mạnh vào tâm trí nhà phóng sự Hồ Trung Tú, bật

thành nỗi thương cảm, thành lời than hết sức cảm động: “Một vòng luẩn quẩn và rối

như canh hẹ. Giải quyết thế nào ? Giải quyết thế nào ?” [77, tr.10].

So với các nhà phóng sự giai đoạn 1932 – 1945 như Nguyễn Trần Ai, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng đôi chỗ còn tỏ ra khinh miệt người nông dân, thì các nhà phóng sự thời kỳ đầu đổi mới chỉ thể hiện tình thương, sự cảm thông của mình đối với những

người nông dân nghèo khổ kể cả khi họ “cày lỏi, bừa dối” hay gian dối trong việc sử

dụng phân bón, vật tư nông nghiệp, hoặc thậm chí là cầm kéo đâm người trong một

chiếc bạc…Điều này thể hiện đậm đặc qua hàng loạt phóng sự: “Không riêng một

làng, một nhà máy, mà cả nước phải đồng tiến, đấu tranh, đổi mới, bắt tay vào những việc cần làm ngay nhiều như núi (Người đàn bà quỳ - Trần Khắc); “Không bị ràng buộc, nước ta không thiếu gì những anh Khương, chị Xin. Và sự lao tâm khổ tứ của họ trong việc quản lý có đáng được đền bù không ?” (Một gia đình thợ - Trịnh Đường);

Ôi…Một thời sao có nhiều người tốt đến thế, và vì có nhiều người tốt nên mới làm nên một thời tốt đẹp” (Lời khai của bị can – Trần Huy Quang); “Đến hợp tác xã cơ khí Phương Đông, nơi sản sinh ra anh hùng lao động Bùi Vượng, càng rõ hơn nỗi vất vả nhọc nhằn và cái chí quyết tâm làm giàu bằng bàn tay và khối óc của những người thợ thủ công Thái Bình” (…) Điều làm tôi tâm đắc nhất ở anh Chính đó là lương tâm của

người thợ, trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng” (Con nuôi Nhà

nước – Hoàng Minh Tường)….

Khác với những cảm thông sâu sắc như đã phân tích ở trên, ở một góc độ khác, sự cảm thông, chia sẻ lại dành cho số phận những người đã từng có hành động sai lầm,

bỏ quê hương ra đi. Trong phóng sự Giã từ cơn ác mộng của Nguyễn Quang Trang

đăng trên báo Văn nghệ số 14 năm 1989, tác giả đã thể hiện sự đồng cảm của mình

trước những mảnh đời cơ cực phải bỏ quê hương vượt biên ra nước ngoài: “Trong mỗi

ô cửa nhỏ kia hiện lên một gương mặt. Gương mặt ấy chứa đựng những gì của cuộc đời này” [83, tr.1). Dù hành động vượt biên là trái phép, là vi phạm pháp luật, nhưng với lòng bao dung, tác giả đã nhìn nhận họ chỉ là nạn nhân của xã hội, phải mang mạng sống của mình ra “đánh bạc” với biển cả. Từ cái nhìn bao dung, rộng lượng, tác

giả giang rộng cánh tay đón những con người lầm lạc trở về: “Nhưng bây giờ họ đã trở

về. Thế là lòng tôi rung lên. Tôi cảm thấy mắt mình nhòe ướt. Tôi đã từng đón anh em bè bạn đi xa gần, học tập công tác ở nước ngoài về. Nhưng chưa lần nào tôi cảm thấy mình xúc động như bây giờ” [83, tr.1).

Có lẽ, giá trị nhân đạo đặc biệt nhất, nổi bật nhất trong toàn bộ phóng sự trên

báo Văn nghệ thời kỳ đầu đổi mới phải dành cho Cái đêm hôm ấy….đêm gì ?, khi

Phùng Gia Lộc vừa là nạn nhân vừa là tác giả của thiên phóng sự này. Là người trong cuộc, hơn ai hết, tác giả vừa thương cho thân phận mình, vừa cảm thông cho những người xung quanh, đó có thể là người nông dân hàng xóm, là người họ hàng hoặc một người bạn văn mà anh từng có dịp làm việc, dù đang ở chốn cửa quan nhưng cũng

chẳng thoát được cái kiếp nạn đói nghèo: “Là trưởng phòng tổ chức ủy ban huyện, anh

cũng để gia đình vợ con đói thiếu. Ra anh còn kém cỏi hơn cả tôi” (…) “Lê Trung Quang ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh” [45, tr. 10]. Rõ ràng, nếu không gắn bó, từng trải tất cả những buồn vui sướng khổ của người nông dân cùng với tình yêu thương nhân loại cao cả thì Phùng Gia Lộc không thể có những nhiều trăn trở, suy tư đến vậy.

Tấm lòng nhập cuộc, tâm huyết của các nhà phóng sự đã trải dài trên từng trang

viết. Cái gốc tài năng của các nhà phóng sự viết về nông thôn, nông dân như Hoàng Minh Tường, Phùng Gia Lộc, Trần Khắc, Hồ Trung Tú, Trần Huy Quang, Hoàng Hữu Các…xét đến cùng là ở tấm lòng đau đớn và đầy căm phẫn của những con người ý thức được những bất công trong xã hội.

Bên cạnh niềm cảm thông, thương xót là sự khơi gợi sức mạnh phản kháng để gióng lên hồi chuông cảnh báo. Đó không chỉ là sự căm tức, thù ghét của riêng bà

Khang mà cả làng Tiền Đống trong Người đàn bà quỳ: “Bây giờ chống bọn cường hào

mới tôi cũng xin, vì bà con, vì dân làng nếu phải nhảy vào lửa, cần dẫm lên tổ kiến vàng tôi tra chân giữa tổ kiến vàng” [36, tr.4]. Đó là ý chí quyết tâm phản kháng đến cùng, là lời chửi bóng gió nhưng đầy cay nghiệt của người nông dân bị áp bức, bóc lột

có sức mạnh thấm thía đến xương tuỷ: “Tôi bị chó dại cắn phải lên tỉnh chữa. Chú

thông cảm bớt cho ít nhiều lấy tiền thuốc thang” [36, tr.4]. Tiếng chửi bóng gió nhưng đanh thép chứa chất phẫn nộ mang âm điệu bi thống đã ám ảnh, làm người đọc sững sờ, day dứt. Đằng sau tiếng chửi ấy, lời than thở ấy, ta còn thấy sự vật vã của một lớp người đang quằn quại đau đớn vì tuyệt vọng. Cách sử dụng câu chữ một cách ám chỉ

đầy ấn tượng đó của Người đàn bà quỳ đã hé mở tình trạng bi đát của một số phận,

một cơ chế xã hội đầy trái ngang. Phải có tấm lòng nhân đạo, cảm thông thì Trần Khắc mới có sự thấu hiểu sâu sắc đến như vậy.

Nhìn một cách tổng thể, Người đàn bà quỳ hấp dẫn người đọc ở chỗ, tác phẩm

cho ta thấy tinh thần phản kháng mạnh mẽ của người nông dân. Không như người nông dân trong phóng sự của Hoàng Minh Tường, Phùng Gia Lộc, Hồ Trung Tú, Hoàng Hữu Các…chỉ biết đứng nhìn hoàn cảnh, bất lực trước sự bóc lột tàn nhẫn, hoặc nếu có phản kháng thì cũng yếu ớt, mờ nhạt, Trần Khắc lại miêu tả nhân vật của mình như một lực lượng sẵn sàng đứng dậy đấu tranh đến cùng chống lại sự bất công

và lừa gạt vì “con giun xéo mãi cũng phải quằn”. Tinh thần phản kháng này ta cũng

từng gặp trong Lời khai của bị can của Trần Huy Quang, khi “vua lốp” Nguyễn Văn

Chẩn liên tiếp thể hiện sự phản kháng với những việc làm sai trái của chính quyền. Đầu tiên là khiếu nại các cơ quan công quyền làm việc vô nguyên tắc, tiếp đến là chống án tù. Ra tù, “vua lốp” vẫn ấm ức thấy mình oan uổng và tiếp tục kêu oan. Quyết liệt nhất phải kể đến lần thứ 3 “vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn dính vào vòng lao lý, ông đệ đơn khiếu tố lên Viện Kiểm sát Tối cao và sau ba tháng giam thì được tha. Chưa hết, kể cả trong quyết định tạm tha của công an ông cũng khiếu nại vì sao chỉ là tạm tha ?. Lần thứ 3 ông tiếp tục bị bắt giam oan uổng và lại tiếp tục hành trình gửi đơn khiếu nại không mệt mỏi. Đó là sự vùng lên đấu tranh với cái sai, cái vô lý nhởn nhơ tồn tại trong đời sống xã hội của người nông dân lương thiện. Đó là sự thức tỉnh của lý trí đoạn tuyệt với sự thỏa hiệp và cam chịu, ý thức được sự công bằng, về ước mong thay đổi xã hội đã trở nên cấp bách. Tư tưởng nhân đạo và bút lực phi thường

của Trần Huy Quang đã có dịp thể hiện ở những đoạn văn miêu tả tấn bi kịch tinh thần của người nông dân có nhiều sáng kiến vượt ra khỏi khuôn khổ của một xã hội đương thời.

Phải có một nỗi “đau đớn lòng” sâu sắc từ “những điều trống thấy” thì các nhà phóng sự mới viết nên được những bản cáo trạng đanh thép và đẫm nước mắt đến thế. Trần Huy Quang, Trần Khắc, Hoàng Minh Tường, Hồ Trung Tú…đều am tường sâu sắc về cuộc sống phức tạp, cơ cực của người nông dân, đều thương cảm đối với người nông dân bị giày vò, lũng đoạn, nhũng nhiễu. Không có lòng xót thương, không có trái tim nhân hậu đồng cảm, họ không thể viết lên những cảnh tượng đau lòng như vậy. Với nhãn quan hiện thực nhạy bén, những phóng sự viết về nông thôn, nông dân trên báo Văn nghệ thời kỳ đầu đổi mới vừa phơi bày bản chất xấu xa, vô cảm của những con người vốn trước đây được nhân dân bao bọc, vừa thấm nhuần chủ nghĩa nhân đạo cao cả. Những thiên phóng sự ấy còn khẳng định tư cách của những nhà văn dũng cảm đứng về phía những người nghèo khổ, oan khuất.

Một phần của tài liệu Phóng sự về nông thôn, nông dân giai đoạn đầu thời đổi mới 1986-1991 (Khảo sát trên báo Văn nghệ (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)