Những mặt còn tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Đánh giá rủi ro trong thẩm định dự án đầu tư xin vay vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Thực trạng và giải pháp (Trang 78)

Hạn chế về thông tin

Hiện nay hệ thống thông tin của Ngân hàng đã phát huy tác dụng khá tốt cho hoạt động thẩm định và đánh giá rủi ro, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế thiếu sót: thông tin thu thập được về khách hàng vay vốn chưa đầy đủ, thiếu sát thực. Khi đánh giá rủi ro khách hàng, các thông tin chủ yếu thu thập từ hồ sơ của khách hàng gửi đến. Đặc biệt đối với những khách hàng đã từng có quan hệ tín dụng với ngân hàng từ trước đó thì việc kiểm tra các thông tin khách hàng là khá sơ sài có thể bị bỏ qua, ngân hàng ít cử cán bộ xuống cơ sở để theo dõi kiểm tra trực tiếp khách hàng. Nhiều khi các thông tin này là chưa chính xác từ đó sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác về mức độ rủi ro khi cho vay khách hàng đó.

Những thông tin mà Ngân hàng thu thập được chỉ mới dừng lại ở việc xem xét doanh nghiệp và tìm kiếm trong sổ sách giao dịch hoặc ở trung tâm CIC. Bởi thế, nguồn thông tin về các nội dung như thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp, tác động môi trường còn thiếu hụt nên quá trình đánh giá thị trường còn mang tính hình thức, thiếu cơ sở tin cậy và mang tính chủ quan.

Hạn chế về cán bộ

Đội ngũ cán bộ của Ngân hàng hiện nay hầu hết là trẻ, nhìn chung có trình độ chuyên môn nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Đối với công tác đánh giá rủi ro, phương pháp dự báo được sử dụng phổ biến. Để có thể cho kết quả dự báo chính xác cần nhiều đến kinh nghiệm làm việc lâu năm đúc rút được trên cơ sở những dự án tương tự kết hợp với ý kiến chuyên gia. Cán bộ trẻ sẽ gặp hạn chế trong việc tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin để nhận diện rủi ro một cách toàn diện và đưa ra giải

pháp hợp lý cho mỗi loại rủi ro dẫn đến những dự án mà họ đánh giá rủi ro chưa thực sự chính xác.

Với nhu cầu vay vốn ngày càng tăng như hiện nay đội ngũ nhân sự của phòng Tín dụng khá mỏng. Vậy nên, với số lượng dự án tiếp nhận càng ngày càng lớn, để đáp ứng kịp thời yêu cầu tiến độ thì chất lượng, tính chính xác của những báo cáo rủi ro sẽ giảm xuống.

Hạn chế về quy trình đánh giá rủi ro

Quy trình đánh giá rủi ro của ngân hàng tuy đã rõ ràng nhưng chưa thực sự chi tiết. Như vậy cán bộ ngân hàng chỉ làm theo quy trình lớn đó, ngoài ra các bước phân tích nhỏ bên trong một quy trình chưa được quy định cụ thể. Ví dụ, trong nội dung phân tích rủi ro dự án cần phân tích những nội dung nào, theo trình tự như thế nào để đảm bảo việc đánh giá rủi ro là khoa học, toàn diện và chính xác. Ngân hàng cũng chưa có quy trình kèm theo các hướng dẫn về nội dung phân tích rủi ro với từng loại dự án có đặc trưng chuyên ngành. Ví dụ đối với dự án công nghiệp nặng hay dự án về công nghiệp thực phẩm,… thì cần tiến hành theo quy trình kết hợp với nội dung nào. Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu sót trong quá trình đánh giá rủi ro. Kết quả là đánh giá rủi ro không chính xác, không toàn diện các khía cạnh của dự án. Vì mỗi loại dự án lại xảy ra một loại rủi ro nhất định đặc trưng theo từng ngành, từng lĩnh vực.

Hạn chế về phương pháp đánh giá rủi ro

Phương pháp đánh giá rủi ro chủ yếu được sử dụng tại Ngân hàng Liên Việt chủ yếu là các phương pháp định tính. Phương pháp định tính mà Ngân hàng sử dụng để đánh giá rủi ro về cơ bản đã nhận diện được rủi ro trên nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng những khía cạnh đó mới chỉ được xem xét một cách độc lập, chưa được đánh giá trong tương quan với các khía cạnh khác. Tuy nhiên nếu có thể áp dụng nhiều phương pháp khác sẽ đánh giá được một cách sâu sắc hơn nữa; không chỉ đánh giá về thị trường, sản phẩm dịch vụ, kênh phân phối mà còn có thể đánh giá thêm về đối thủ cạnh tranh, về khả năng gia nhập thị trường và thị phần bị chiếm lĩnh… Mô hình chấm điểm tín dụng tuy đã đưa vào hệ thống nhưng việc áp dụng nó còn chưa thường xuyên. Hơn nữa, trong mô hình này, việc cho điểm các chỉ tiêu hầu như phụ thuộc vào kinh

nghiệm và chủ quan của cán bộ, làm cho công tác chấm điểm không hoàn toàn đáng tin cậy.

Phương pháp phân tích độ nhạy là phương pháp phổ biến nhất được sử dụng trong phân tích đánh giá rủi ro tài chính, tuy nhiên các yếu tố được xét đến sự biến động còn hạn chế và chưa phản ánh hết được biến động của thị trường.

Hạn chế về nội dung đánh giá rủi ro

Đối với những dự án chuyên ngành đặc trưng như công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến hay nông nghiệp… ngân hàng còn chưa có những đánh giá riêng về những sản phẩm đặc trưng của ngành hay những vấn đề chuyên môn còn đánh giá khá sơ sài do cán bộ không có trình độ chuyên sâu về những lĩnh vực đó.

Việc tính toán các chỉ tiêu doanh thu, chi phí dự kiến của dự án là khó khăn hầu hết là sử dụng phương pháp dự báo. Để tính toán doanh thu, cần xác định các yếu tố như giá bán sản phẩm, công suất hoạt động dự kiến của dự án và khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Nhìn chung để xác định một cách chính xác những yếu tố này còn phải dựa vào nhiều báo cáo nghiên cứu khả thi của doanh nghiệp. Việc dự báo giá cả, khả năng tiêu thụ sản phẩm, công suất của dự án theo cung cầu thị trường trong tương lai rất hạn chế. Yếu tố giá bán sản phẩm thường được xác định dựa trên sự tham khảo giá của các sản phẩm cùng loại trên thị trường kết hợp với kế hoạch dự kiến của doanh nghiệp. Đối với chi phí của dự án, cũng được thực hiện nhờ tham khảo mặt bằng chung của thị trường. Đối với một số chi phí khác như: chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí vận chuyển thì thường là chấp nhận theo dự toán của chủ đầu tư. Bằng việc điều chỉnh những chi phí này, chủ đầu tư có thể tác động đến kết quả của việc phân tích các chỉ tiêu tài chính, đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả tài chính dự án. Do vậy cũng sẽ tiềm tàng những rủi ro trong phân tích đánh giá hiệu quả tài chính của dự án.

Hạn chế về trình độ công nghệ

Hiện nay Ngân hàng chưa có những phần mềm riêng để hỗ trợ cho công tác thẩm định, đánh giá rủi ro các cán bộ thẩm định tính toán các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả tài chính dự án bằng phần mềm excel, do đó kéo dài thời gian tính toán. Đối với những dự án phức tạp, thì sẽ càng khó khăn hơn rất nhiều cho các cán bộ rủi ro.

Một phần của tài liệu Đánh giá rủi ro trong thẩm định dự án đầu tư xin vay vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Thực trạng và giải pháp (Trang 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w