Thế giới biểu tượng phong phú mang giá trị nghệ thuật cao

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại (Trang 96)

5. Cấu trúc luận văn

3.4. Thế giới biểu tượng phong phú mang giá trị nghệ thuật cao

Biểu tượng là một khái niệm quen thuộc nhưng đây lại là một khái niệm vào loại phức tạp và chưa có sự đồng thuận trong cách hiểu cũng như cách sử dụng. Theo các nhà nghiên cứu, thuật ngữ symbol bắt nguồn từ Hy Lạp. Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô bày ra trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng, nhằm để diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant cho rằng: "Tự bản chất của biểu tượng, nó phá vỡ các khuôn khổ định sẵn và tập hợp các thái cực lại trong cùng một ý niệm. Nó giống như mũi tên bay mà không bay đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà không nắm bắt được. Ta sẽ cần phải dùng các từ để gợi ra một hay nhiều ý nghĩa của một biểu tượng" [48, tr.14]. Mọi biểu tượng đều

chứa đựng dấu hiệu bị đập vỡ, ý nghĩa của biểu tượng luôn biến ảo, nó bộc lộ ra trong cái vừa gãy vỡ vừa là nối kết, vừa xuất hiện lại vừa mất đi, khiến cho tư duy luôn phải truy tìm, liên tưởng và muốn nắm bắt lấy vô vàn những ý nghĩa đang còn tiềm ẩn ngay trong lòng của nó. Đối với C. G. Jung, ông cho rằng: “Biểu tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh ngay cả khi

chúng là quen thuộc trong đời sống hàng ngày vẫn chứa đựng mối quan hệ liên can, cộng thêm vào đó cái ý nghĩa quy ước và hiển nhiên của chúng. Trong biểu tượng có bao hàm một điều gì đó mơ hồ, chưa biết hay bị che dấu đối với chúng ta” [22, tr29];

Khi biểu tượng là một thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. “Hiểu theo nghĩa rộng, nhìn từ đặc

trưng phản ánh hiện thực bằng hình tượng của văn học nghệ thuật, có thể xem tác phẩm văn học như là một biểu tượng, một chỉnh thể thẩm mỹ chứa nhiều thông điệp. Việc giải mã biểu tượng góp phần giúp chúng ta hiểu được những giá trị riêng biệt, độc đáo của tác phẩm. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói, là một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có sức biểu hiện lớn” [24, tr.24]. Nhìn ở góc độ này, biểu tượng

trong tác phẩm văn học là một “nhân vật” đặc biệt, được hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là con vật, đồ vật, hình ảnh, hình tượng… gọi chung là các dạng thức biểu hiện ý nghĩa của tác phẩm văn học. Đó là một thủ pháp đặc biệt để tác giả thể hiện ý đồ sáng tạo.

Ngày nay, vai trò to lớn của biểu tượng trong hoạt động của đời sống

con người đã được quan tâm và nghiên cứu một cách sâu sắc với tinh thần khoa học, vai trò của trí tưởng tượng không còn bị xem nhẹ, thậm chí không

còn bị đánh giá thấp như trước đây. Nó đã được xác định lại vị trí và được xem là mặt thứ hai của lý trí, chính nó là nhân tố cốt lõi giúp cho con người có những phát hiện tìm ra cái mới. Mỗi hình ảnh biểu tượng chứa đựng vẻ đẹp riêng mang chiều sâu của trí tuệ. Hoa, cỏ, tiếng chim, lửa, dấu chân, Tổ quốc…đó không chỉ là những hình ảnh ngẫu nhiên mà có sức ám ảnh lớn đối

với tác giả và mang tính biểu tượng cao được tác giả nhắc đến nhiều lần. Những biểu tượng đó có ý nghĩa sâu sắc bởi qua đó, tác giả gửi gắm nhiều thông điệp cuộc sống đến người đọc. Theo thống kê có hơn 40 loài hoa xuất hiện trong ký của HPNT với dáng vẻ và ý nghĩa khác nhau; khoảng 20 loài

chim xuất hiện trong trang ký của ông, mỗi loài có giá trị biểu tượng riêng rất độc đáo; Và hình tượng lửa xuất hiện khá nhiều có khi trực tiếp có khi được miêu tả qua hình ảnh đèn, ngọn hoa đăng… đẹp và ấn tượng trở đi trở lại, mang dấu ấn cảm xúc, ý nghĩa nhất định… Tất cả làm cho ký của HPNT giàu tính thẩm mỹ, bay bổng như những áng thơ trữ tình và có chiều sâu của cảm xúc.

Trong tâm thức của HPNT Huế vốn là một thành phố được dành cho cỏ. Cỏ đem lại cho con người khoảnh khắc bình yên quý giá trong đời: “một con đường ven sông có thảm cỏ dày, và hương cỏ đêm khuya thơm lạ lùng làm người ta nghĩ đến một nỗi bình yên nào đó không có ở đời”. Chỉ có tâm

hồn mơ mộng như HPNT mới nhận ra hết vẻ đẹp thơ mộng của cỏ, cảm xúc của nhà văn luôn dâng đầy khi đối diện trước cỏ: “Nhiều lần thức giấc trong

mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng...Mùa xuân về, mặt đất công viên sáng bừng lên bởi ngàn vạn bông cỏ tím, mỗi bông cỏ lại ngậm trong lòng một hạt sương mai, khiến vào buổi sáng, cỏ ở ven sông

Hương lấp lánh như những hạt ngọc...” (Miền cỏ thơm). Cỏ biểu tượng cho

vọng hòa nhập với tự nhiên, là chiếc cầu nối tương giao giữa thiên nhiên và thế giới nội tâm, là cánh cửa đón con người trở về trong ngôi nhà lớn vũ trụ: “người ta có thể tìm thấy chút hương vị tiêu dao của kinh thành Huế từ gốc cỏ

bay lên trong những khu vườn xanh biếc”. Cỏ hoà nhập với tâm hồn con

người, đến mức những nàng thiếu nữ sông Hương ngồi lên vạt cỏ tím lâu ngày “tâm hồn họ nhiễm phải căn bệnh trầm uất sinh ra bởi những bụi phấn

tím của bông cỏ mùa xuân”.

C. G Jung cho rằng, biểu tượng tiềm ẩn từ trong cõi vô thức của con

người, mà sự sáng tạo ra các biểu tượng lại ở thế giới hữu thức, tức là nó được ra đời ngay trong lòng đời sống xã hội. Biểu tượng có một giá trị về mặt ý nghĩa hết sức lớn lao, là con số vô hạn của những cách biểu đạt khác nhau về khách thể, là con số biểu hiện nhiều mặt của nó. Cỏ là biểu tượng cho tiếng nói

của tâm linh trong miền vô định có những điều người ta đã quên đi nhưng cỏ vẫn lưu nhớ thời gian thơm mùi cỏ. Cỏ là trí nhớ sâu thẳm của đất đai, HPNT đã lí giải mảnh đất bão hoà chất sắt của hàng chục năm bom đạn, tưới bằng máu của bao người đã ngã xuống, nên cây cỏ nở hoa màu đỏ. Trong miền tâm linh linh thiêng cỏ nhắc lại nhiều điều quan trọng đã qua đi “thiên nhiên vẫn tìm cách để nhớ một điều gì đó, nếu đấy là điều có ý nghĩa mà con người đã

quên đi” [15, tr.645]. Ở Bạch Mã, cỏ lưu giữ trong lòng nó những chứng tích

về chiến tranh, một thời huy hoàng giờ chỉ là một thế giới tan hoang giữa rừng lau: “Không còn gì cả ngoài mấy mảnh tường vỡ vùi ngập dưới lay sậy lút đầu”[15, tr.725]. Có một thế giới hoang tàn khác nữa đầy ấn tượng trong kí của

HPNT đó là thể giới của cỏ dại ghi dấu những cuộc chiến oanh liệt một thời diễn ra nơi Thành Cổ - “thành phố đã chết để cho nhân loại thức tỉnh và hoàn

thiện mình” [15, tr.661]: “Sự tích ghê hồn của một thời bom đạn giờ nằm yên dưới cỏ, như thể là điều ấy chưa xảy ra trong đời….Cỏ Dại: đó là thứ sản phẩm vô luân sinh sôi trong sự Quên Lãng của con người” [15, tr.658]. Khi

ngắm những bông hoa cỏ may tim tím hoang dại trong chuỗi chuông ngân nga trên chùa Thiên Mụ HPNT đã nhận ra cỏ còn là biểu tượng cho sự vô thường (Sử thi buồn). Trong kí của HPNT cỏ còn là biểu tượng cho thế giới hoang tàn và khiến người ta nghĩ đến sự bội bạc, lãng quên của con người: “Có những

con đường không còn ai đi, chỉ có cỏ lau bạt ngàn phủ lối, nhưng cỏ mọc không nhanh bằng trí nhớ bội bạc của con người” [15, tr.559]

Mỗi bông hoa xuất hiện trong kí của HPNT là một nỗi niềm, một ẩn dụ về cuộc đời, số phận con người. Hoa là nơi để HPNT thả tâm hồn lãng mạn mê đắm của mình với nhiều cung bậc cảm xúc được cụ thể hoá và gọi được tên của những cảm xúc:“tôi có thể tư duy cùng với hoa sen, khát vọng với hoa

phượng, mơ mộng với mùi hương sâu thẳm của hoa ngọc lan ban đêm,và khi thành phố lộng lẫy trong sắc mai vàng mùa Xuân, không hiểu sao lại thấy lòng thức dậy một niềm ngưỡng mộ bao la đối với cuộc sống”[15, tr.371].

Hoa phù dung đổi màu thay sắc, sớm nở tối tàn là biểu tượng của cái đẹp mong manh chóng qua, là thời gian trôi chảy chóng mặt, cũng là tượng trưng cho cái hữu hạn của đời người. Ở đó, tất cả đều như bông hoa này, là đẹp và chóng qua, kể cả màu tóc xanh và sắc đẹp của con người. Bông ngũ sắc hoang dại, với HPNT, nó là biểu tượng cho trí nhớ của đất (Bông hoa ngũ sắc). Hoa cỏ mây là biểu tượng cho "cái lẽ có-và-không" (Sử thi buồn); màu đỏ của

bông“hoa đỏ như là máu” [15, tr.664], biểu tượng cho sự hi sinh của con người, là chứng tích của một thời đạn bom; hoa anh đào biểu tượng cho vẻ đẹp dịu dàng nhân hậu của con người “tự nở tự tàn, đẹp một mình, như tâm

hồn nhân hậu của bà (Rome)” [15, tr.729]; nhạn lai hồng và lay ơn lại biểu

tượng cho sức sống dai dẳng bền bỉ (Ngọn núi ảo ảnh); hoa A- rui biểu tượng cho cô gái Cà Tu nồng thắm tràn đầy sức sống và niềm mơ ước, hoa vông bừng nở như ngọn lửa biểu tượng cho sự hồi sinh trỗi dậy chuyển hoá mạnh mẽ của sự sống mang màu sắc triết học “mộc sinh hoả” [15, tr.793]...

Qua âm thanh tiếng chim HPNT cũng xây dựng nhiều biểu tượng ý nghĩa như: tiếng chim gõ kiến tượng trưng cho dòng thời gian đều đều (Đời

rừng); chim bách thanh là hình ảnh của những thói học đòi đến mức đánh mất

chính mình (Chim bách thanh); chim cuốc là biểu tượng cho nguồn lửa và cũng là biểu tượng cho tình yêu chung tình (Bước tới Đèo Ngang);... Đặc biệt, tiếng chim ca cút trở đi trở lại nhiều lần trong ký HPNT “thành một hình

tượng lịch sử đầy day dứt” [15, tr.204], là biểu tượng cho Mẹ tổ quốc, lòng

chung thủy của con người; là tiếng vọng hồn thiêng đất nước, biểu tượng cho lòng yêu nước gắn bó chia sẻ với hiện thực đời sống. HPNT từng cảm nhận

“mỗi giai đoạn lịch sử lại gửi gắm một vài điều bi tráng trong tiếng chim patoong” [16, tr.104] đất nước trong cảnh khói bom loạn lạc tiếng chim ấy

nghe ra “thôi rồi cơ cuộc”, trong bước đường gian khổ của con người lại là

âm thanh “khắc phục, khắc phục” (Châu thổ ngàn năm, Đất nước, Đánh giặc

linh [15, tr.372].Trong những đêm mưa rừng thê lương tiếng chim tử quy vẫn

cất lên vừa như động viên vừa như thúc giục: “vẫn bền bỉ tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng của người đã hoá thân. Nó gửi tới những người kháng chiến cuộc sống gian khổ trong rừng lời nhắc nhở về nguyện vọng thống thiết của nhân dân “đừng để lụi tàn, hãy nhóm lên ngọn lửa””[15, tr.570]. Hiện thực cuộc

sống trong kí của HPNT thường gợi ra nhiều điều suy tưởng tạo độ sâu cho nội dung, độc đáo về hình thức cho tác phẩm.

Hình ảnh những dấu chân xuất hiện trong kí của HPNT như là nỗi ám ảnh, tồn tại trong tâm thức ông như biểu tượng của dòng thời gian vĩnh hằng có sự ấp ủ trong đó những giá trị truyền thống có tính chất kế thừa tiếp nối giữa những con người ở mọi thời đại. Nhìn những dấu chân in trên cát bến bãi sông Hồng, nhà văn thấy trong đó linh hồn của dân tộc, bóng dáng của xứ sở:

“Những dấu chân có hai ngón cái chếch vào nhau của người Giao Chỉ đã in lên vùng bãi này từ lúc nó mới bồi nên những lớp phù sa đầu tiên. Và mặc cho bao mưa lũ, nước triều, bao nhiêu kẻ xâm lược muốn vùi xóa nó, những dấu chân nọ vẫn còn đấy, y nguyên tự tại trên mặt đất châu thổ như một dấu ấn của vĩnh viễn” [15, tr.51]. Hình ảnh bàn chân trở thành điểm sáng trung

tâm trong tác phẩm nghệ thuật của hoạ sĩ Lê Bá Đảng: “Đấy là bàn chân người Giao Chỉ, bởi dạng to bè đặc biệt của ngón cái, và những dấu hà ăn lỗ chỗ trên gót vì dầm dề lâu năm trong nước mặn”; Bàn chân còn là biểu tượng

cho bao thế hệ người Việt trên hành trình bảo vệ Tổ quốc, vượt qua mọi khó khăn gian khổ và cũng là sức mạnh trường tồn của dân tộc. Qua ánh đèn soi rọi trong đêm tối HPNT nhìn thấy những dấu chân của đoàn người: “Những cái bóng bập bùng của một dòng người vô tận, súng với nóp mang trên vai, dấu chân in còn tươi trên mặt bùn rừng đước” [15, tr.138], khoảng cách quá

khứ và hiện tại dường như không còn, khỏa lấp vào đó là sự gần gũi mang hơi ấm của những con người mọi thời đại từng sống gắn bó, yêu thương, tranh đấu trên mảnh đất này, dấu chân của cha ông như xoá đi cái mông lung vô ảo

của thời gian. Những bước chân trên những nẻo đường rừng suối trong chiến tranh, như dòng chảy vô tận của lịch sử in bóng dáng của con người hàng trăm năm trước giờ những người lính trong chiến tranh lại đặt tiếp lên đó những bước chân cha anh đã đi qua: “Người lội suối không ai bảo ai, vẫn đặt

bước đứng vào những phiến đá thuận tiện cho bàn chân; người đi triền miên tháng năm, dấu dép cao su lõm sâu vào đá in rõ mồn một con đường dài nghĩa quân. Người lính Lam Sơn thuở xưa chắc cũng lặn lội suối khe như thời tôi, dáng dấp con đường vẫn chưa mở trong câu thơ Nguyễn Trãi: “Dấu người đi là đá mòn”. Nước vẫn chảy ngày đêm trong lòng khe, không làm trôi đi những dấu chân người in trên đá” [15, tr.559]. Dấu chân lúc này mang ý

nghĩa biểu tượng cho dấu ấn lịch sử, sự tiếp nối truyền thống cha ông, tạo nên sức mạnh vĩnh hằng của dân tộc. Bao cuộc đời con người đã qua đi, họ đã trở thành cát bụi hư không, nước chảy đá mòn, chỉ còn dấu chân vẫn in hằn rõ nét theo tháng năm. HPNT viết về đôi bàn chân trong sự ngưỡng vọng, ở trong trường hợp này bàn chân lại biểu tượng cho sức mạnh bền bỉ gan góc của dân tộc: “Hỡi con người có bàn chân nhỏ, sao có thể đi qua những biến động của

lịch sử như gió thổi qua đại dương?” [15, tr.430]. Dấu ấn chủ quan trong kí

của HPNT trở nên đậm nét bởi khi xây dựng hình ảnh mang tính biểu tượng ông luôn cảm nhận phản ánh các sự kiện bằng cảm xúc của cái tôi mê đắm, với tâm thế trước khi chảy qua ngòi bút điều ấy đã chảy qua tim người cầm bút như một dòng máu (ý của HPNT).

Nhiều lần nhắc đến lửa nhưng mỗi lần, ánh lửa được tác giả miêu tả, cảm nhận với những hướng nhìn khác nhau. "Biểu tượng không phải là một phúng dụ, cũng chẳng phải một dấu hiệu đơn giản, mà đúng hơn là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cả cái bản chất, ta mơ hồ nghi hoặc của tâm linh" [48, tr.24]. Có lẽ vì thế nên có lúc lửa là: ngọn lửa đèn, bông hoa

phượng thắp lên ngọn lửa, có khi là ánh lửa trên con thuyền như từ trong miền ảo ảnh…Lửa là biểu tượng cho lòng yêu nước cháy bỏng: ngọn lửa tự thiêu

cháy mình của người cách mạng kiên cường (Miếng trầu đỏ); ngọn lửa điềm tĩnh, bé bỏng từ cây đèn nhỏ đã thắp sáng cuộc đời chiến đấu của người chiến sĩ trong những đêm rừng tối thẳm với niềm tin cháy bỏng về tương lai tốt đẹp sẽ tới (Bản di chúc của cỏ lau); ngọn lửa nhỏ bé từ chiếc đèn dầu người mẹ làng Trà (Miếng trầu đỏ) suốt mấy mươi năm trường vẫn bền bỉ sáng không nguôi, cũng như cuộc đời của mẹ luôn ấp iu, gìn giữ khát vọng sống mãnh liệt của người Việt Nam; là ngọn đèn xúm xít lay động của người dân Cồn Hến sau những ngày làm việc mệt mỏi tranh thủ học đêm (Rất nhiều ánh lửa), chuyển tải trong đó là những ước vọng khao khát hướng đến ánh sáng tri thức

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)