5. Cấu trúc luận văn
2.3. Văn hoá, lịch sử đất nước qua những trang kí của Hoàng Phủ
Ngọc Tường
Lịch sử có thể được hiểu như một dòng chảy từ trong quá khứ đến hiện tại, chứa đựng trong đó bao diễn biến thăng trầm, những kinh nghiệm sống của con người trong lịch sử hàng nghìn năm của đất nước dân tộc. Mỗi một dân tộc trong hành trình đi tới tương lai luôn lưu giữ trong mình những bản sắc văn hoá truyền thống riêng. Có lẽ vì vậy nên lịch sử dân tộc luôn được HPNT nhìn trong chiều sâu văn hoá và văn hoá luôn gắn liền với lịch sử dân tộc. HPNT thường hay suy nghĩ chiêm nghiệm về lịch sử. Những mô tả của ông cố gắng thật tỉnh táo bao giờ cũng được “chống đỡ” bởi những suy nghiệm sâu xa và ẩn ngầm về lịch sử; chính vì vậy những mô tả ấy thật khách quan nhưng không hề hời hợt” [15, tr.851]. Không dừng lại ở việc phản ánh
sự thật lịch sử, tác giả đưa ra những kiến giải riêng rất sắc sảo và quan trọng hơn đó là bổ sung cách hiểu mới về lịch sử. Các lý giải khác về lịch sử không chỉ dẫn dắt dưới góc độ khoa học mà còn hiểu dưới góc độ văn hoá nghệ thuật mang giá trị nhân văn. Trong tác phẩm Miếng trầu đỏ tục ăn trầu không phải là đơn thuần bày tỏ ngưỡng mộ tình yêu chung thủy giữa con người với con người (như trong sự tích Trầu cau) mà còn mang nét nghĩa mới đó là tình yêu Tổ quốc, lòng biết ơn những con người đã hy sinh cho cuộc sống hôm nay. Tác phẩm Đánh giặc bên hàng rào điện tử lại cho ta hiểu đến tận cùng giá trị ý nghĩa thắng lợi của cuộc chiến ở Vĩnh Linh – một “nhân trận”, “Lũy thép
của lòng người ” [16, tr.228]. Suy tư về lịch sử, cuộc sống con người HPNT
thấu hiểu từ trong tro bếp thuở Hùng Vương dựng nước đến mũi tên đồng thành Cổ Loa, đến thanh gươm giữ thành của Hoàng Diệu…đều lưu giữ trong lòng chúng giá trị thiêng liêng của lịch sử văn hoá dân tộc.
Hiện thực cuộc sống luôn được HPNT khám phá tiếp cận dưới góc độ văn hoá lịch sử. Đó là văn hoá đặc trưng của từng vùng miền được tác giả cụ thể hoá, gọi tên. Khát vọng nắm bắt cái mới trong cuộc sống của một vùng đất
thể hiện trong cách tiếp cận của tác giả. HPNT đã từng quan niệm: “văn hoá
là bài thơ cuộc sống không phải được làm ra trong khoảnh khắc cảm hứng của thi sĩ, mà được sáng tạo qua kinh nghiệm sống trường kì của nhân dân, là sức cố gắng vươn tới cái đẹp của con người qua nhiều đời” [16, tr.8] Bằng
năng lực nội cảm cảm nhận hết sức tinh tế, mỗi mảnh đất mà HPNT đặt chân qua đều được soi chiếu cảm nhận dưới bề sâu văn hoá, giá trị truyền thống từng vùng miền. Trở ra phía Bắc, đến với Mẫu Sơn nhìn ngắm “gương mặt uy
nghi của Tổ quốc” [15, tr.297] trong sắc trắng dịu dàng nghiêm nghị của hoa
lê, cảm nhận không gian sống của “bản Tày đắm mình trong ngọn gió hồi thơm đến nồng nàn, người đi hái hồi trở về, hương quyện theo vó ngựa” [15,
tr.298]. Vào miền trong đến cực Nam của Tổ quốc, đến đất Mũi bạn đọc bắt gặp bức tranh điển hình của vùng sông nước: “sau lưng mỗi nhà, thường có một nhánh cầu khỉ chạy thẳng vào một cái sàn nhà nhỏ lợp lá giữa rừng, trên đó đặt một chiếc máy nổ của riêng gia đình. Ban đêm, rừng đước âm vang tiếng máy điện, ánh nê-ông nối nhau in thành vệt dài ngoằn ngoèo trên mặt sông, nhiều nhà còn cắm các cột ăng-ten ti vi trên mái lợp bằng lá dừa nước, sóng đài đưa âm điệu sáu câu Vọng cổ ngọt lịm ra đến tận cửa biển” [15, tr.127] Bạn đọc được biết đến Gò Nổi không chỉ là ảnh đất nuôi dưỡng những đứa con bản lĩnh mang dòng máu đất Quảng mà ở đó còn là mảnh đất tơ lụa nổi tiếng khắp nước đem lại sự giàu đẹp cho đất nước. Xứ Quảng trong trang kí của HPNT được biết đến như là một “ biểu tượng của lòng kiên trung bất
tử, những con người giản dị mà đầy khí phách anh hùng” [70, tr.8]. HPNT
say sưa tìm hiểu về sự hình thành miền Châu Hoá từ mấy trăm năm về trước như để thấy rõ truyền thống văn hoá Phú Xuân chảy trong huyết quản những người Huế hôm nay, để người Huế thêm tôn trọng và biết giữ gìn bản sắc của chính mình. Những nếp sinh hoạt đặc biệt của con người nơi đây vẫn còn duy trì đến hôm nay như: “An Cựu mừng xuân trà thơm tho có tiếng”; “Nam Phổ
bánh trái- con gái Tiền Thành nhiều sắc đẹp mê hồn” [16, tr.13]. Những làng
nghề được biết đến bởi những bàn tay khéo léo tài năng của con người: Hoàn Tài làm mực; Lương Cổ, Thanh Lam làm giấy; Diêm Trường đóng thuyền; Dũng Cẩm, Dũng Quyết làm đồ gốm…Mảnh đất Huế, cuộc sống con người Huế luôn gắn với những khu vườn đầy hoa trái, nơi có nghệ thuật sống mang bản sắc Huế. Ông có những phát hiện rất độc đáo với hệ ngũ sắc Huế cùng với sự xuất hiện của màu tím mà ông cho là màu tạo nên sự dịu êm của tâm hồn Huế; hệ ngũ âm Huế với nét buồn lưu luyến từ âm hưởng nhạc nam; và cả cách ăn uống của người Huế… Tất cả đều đậm chất văn hoá. Đất Mũi - điểm tận cùng của biên giới Tổ quốc với rừng đước đứng kiễng chân trên đất mặn – chứng nhân cho “lời thề vĩnh viễn, cho những gì bền vững sắt son khi con
người đối diện với Tổ quốc, với đạo lý, với tình yêu: “Bao giờ hết đước Năm
Căn”” [15, tr.117], đến với Mẫu Sơn, nằm trong toạ độ lửa nhưng nơi đây
vẫn bừng lên sự sống trong sắc trắng hoa lê luôn đắm mình trong ngọn gió hồi thơm nồng nàn hương quyện theo vó ngựa… Tìm hiểu về văn hoá chơi của
dân tộc HPNT đã chỉ ra được những nét tính cách nổi bật của mỗi người ở mỗi vùng đất nước: Người Hà Bắc “mê chơi đến quá độ tài tình” với quan họ hội Lim, tranh Làng Hồ, gốm bát Tràng...; người Nghệ Tĩnh “chơi đào hoa có
số” với hội phường vải phường nón, hát ghẹo; người Nam Bộ “làm hết mình
chơi hết ga” đi đâu cũng chai rượu cây đàn; người Huế ham chơi “cha truyền con nối” [14, tr.62]…Ông tìm thấy ở văn hoá chơi của dân tộc giá trị văn hoá
nhân văn: “ ham chơi là cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu
bản chất phù hư của thế giới, hiểu rõ rằng những giá trị vật chất có khả năng đến đâu trong cuộc mưu cầu hạnh phúc cho con người” [14, tr.63]. Văn hoá
Huế được HPNT viết nhiều và phát hiện ở đó xu hướng tâm linh như một dòng chảy tiềm ẩn nhưng sâu bền trong tính cách người Huế. Ngòi bút của HPNT đã phát hiện ra vẻ đẹp của những giá trị đạo đức truyền thống, cội nguồn thiêng liêng của những giá trị nhân văn cao quý, nền tảng của mọi nền
văn hoá thông qua hàng loạt những hình ảnh rất đẹp. Ký của HPNT là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp: đẹp trong thiên nhiên, trong cuộc sống lao động và trong cả tâm hồn con người.
Trong hai chiều xuôi ngược quá khứ và hiện tại, kí của HPNT đã làm nhiệm vụ nối lại sợi dây quá khứ với hiện tại để hướng đến sự phát triển bền vững của cuộc sống con người. Phạm Quỳnh – nhà văn hoá, nhà báo, nhà văn và quan thần triều Nguyễn (Việt Nam) trong tiểu luận "Ba bình diện" đã dẫn
ra câu nói kinh điển của Gustave Lebon: "Những kẻ dẫn dắt thật sự của các dân tộc chính là các truyền thống của chúng… Không có các truyền thống, nghĩa là không có linh hồn dân tộc, thì không thể có bất kì một nền văn minh nào…" Ông còn dẫn giải: “Không có những truyền thống ổn định, thì không có những nền văn minh; Không có sự loại trừ chậm chạp của những truyền thống ấy, thì không có tiến bộ. Điều khó khăn là tìm ra được sự cân bằng đúng đắn giữa ổn định và biến đổi, khó khăn ấy rất lớn. Nhiệm vụ cơ bản của một dân tộc là gìn giữ những thiết chế quá khứ và dần dần cải biến chúng đi. Một nhiệm vụ thật khó khăn…". Trong các sáng tác giai đoạn trước cách
mạng, nhà văn Nguyễn Tuân tìm, viết về quá khứ như là một giải pháp hữu hiệu để: thể hiện quan niệm mỹ học sùng cổ, thái độ nuối tiếc về một quá khứ tốt đẹp nay chỉ còn vang bóng, thái độ đối lập bất hợp tác với thực tại. Viết nhiều về quá khứ, về giá trị truyền thống song với HPNT đó không phải là sự tiếc nuối mà là trân trọng, không phải là đối lập mà là gắn kết quá khứ với thực tại, là một phương thức tái tạo hiện thực, tạo nên sự cân bằng giữa ổn định và biến đổi hướng tới sự phát triển bền vững. Nhờ cái nhìn từ thực tại mà quá khứ được hiểu sâu sắc thấu đáo hơn. Chính lòng yêu quý văn hoá, sống hết mình với nghệ thuật và gắn kết với cội nguồn nên quá khứ trong trang văn Nguyễn Tuân rất đẹp đầy màu sắc qua thái độ thẩm mỹ đặc biệt của tác giả. Với HPNT quá khứ hiển hiện ngay chính trong cuộc sống thực tại hôm nay. Lòng nhân ái, tình yêu tổ quốc nhân dân, yêu cái đẹp...đều đã được hình thành
trong tâm thức HPNT từ thời thơ bé những năm tháng tuổi thơ rong ruổi giữa mây trời bắt dế, bắt chuồn chuồn, đọc những cuốn sách hay, sống trong không gian văn hoá được xây dựng bởi những mảnh đất thanh bình, những tâm hồn giàu tình thương, nếp nghĩ suy thuần hậu. Trong kí ức tuổi thơ HPNT vẫn còn đó cái chợ của trẻ con với cá, chim, trống lùng tung, bà Triệu cưỡi voi... được làm bằng bột sắn, nan tre, đất sét mang đậm dấu ấn văn hoá dân gian, đó là không gian văn hoá nuôi dưỡng những hạt giống tâm hồn. Những con gà đất vỡ dọc theo tuổi thơ lưu lại trong HPNT “một nỗi gì sâu thẳm giống như một
linh hồn” [14, tr.116] và được sống trong “niềm vui kì diệu tái sinh tâm hồn”
[14, tr.115]. Văn hoá dân tộc lặng lẽ đi vào tâm hồn tác giả từ một kí ức tuổi thơ như thế và được tác giả trân trọng nâng niu như ngọn lửa ấm để truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay.
HPNT còn có những trang kí ức về tuổi trẻ sôi nổi nhiệt thành bước ra khỏi những bế tắc của tâm hồn tìm đến một cuộc đời lớn lao có ý nghĩa. Từ hiện tại trở về với năm tháng tuổi trẻ HPNT có thể tự hào về quá khứ của mình, gắn bó máu xương cùng dân tộc. Việc trở lại chiêm ngưỡng một quá khứ hào hùng của những con người không bỏ rơi lịch sử như mẹ E, me Thoả, anh Bình, Kan Sao…rồi soi chiếu vào trong thực tại để suy nghiệm, thấy mỗi con người chịu một nỗi đau một hoàn cảnh riêng đầy éo le, ta thấy sự hi sinh của họ trong quá khứ và trong thực tại to lớn vô cùng, đó là cách để tác giả giúp bạn đọc có cách nhìn nhận suy tư thấu đáo hơn về cuộc sống, về thái độ của mình trước cuộc sống. Từ những trăn trở lo âu của HPNT về thái độ của thế hệ trẻ nói riêng và con người nói chung với quá khứ lộ ra một chân lý: Cái
cây càng bám sâu rễ thì càng bị ít nguy hiểm trước phong ba bão táp. Con người, dân tộc càng nhận thức rõ quá khứ của mình thì bước đi trên mặt đất càng vững vàng hơn. Đọc kí của HPNT đôi khi cũng có sự nuối tiếc: thuốc trừ
sâu, xe cộ, tiếng ồn đã đuổi những người bạn thân thiết của tuổi thơ như chuồn chuồn, bươm bướm, chim sẻ, chim yến ra khỏi khung trời thành phố,
những đồ chơi dân dã thủa ấu thơ nay đã không còn… Nhưng đó không phải là sự hoài vọng về một cái gì vĩnh viễn một đi không trở lại. Mà nỗi niềm đó ẩn chứa một ước vọng đầy tính nhân văn phục hồi những nét đẹp đó những giá trị đã bị mai một cho đời sống hôm nay “Rồi muông thú sẽ trở lại với rừng già của chúng, chim phượng hoàng sẽ bay về núi cũ và những bầy ong mật sẽ sống lại trên hoa rừng nở đầy thung lũng” [15, tr.369]. Ngay cả khi
nhà văn tỏ ra buồn đau hay phẫn nộ, cũng là buồn đau và phẫn nộ vì cái tiến bộ, cái hoàn thiện của thực tại. Cũng bởi vì ý thức công dân và tình yêu tổ quốc thiết tha.
Giữa một đời sống xã hội biến đổi đang ngày càng trở nên phức tạp khó kiểm soát, bản lĩnh văn hoá của người viết kí lúc này là cần thiết, đáng quí, và đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Nhờ bản lĩnh văn hoá ấy, HPNT có những kiến giải đúng đắn trong những quan hệ với lịch sử, với quê hương với nhân dân, với tự nhiên, với nghệ thuật,… bày tỏ thái độ đúng đắn quyết liệt với tất cả những biểu hiện kém văn hoá, những thứ phản văn hoá như việc chặt cây xanh ở thôn Vĩ Dạ, bãi xe lấn khu di tích Tôn Nhơn Phủ, sự lãng quên của các cấp chính quyền đối với mộ tổ Kinh Dương Vương… Là người coi trọng văn hoá - bản thân HPNT cũng là nhân cách văn hoá, ông tôn vinh những nhà văn hoá là
người cung cấp chất dinh dưỡng tinh thần cho đời sống vĩnh hằng của nhân loại, và ông nhìn thấy vai trò của văn hoá đối với xã hội thời mở cửa. Càng cần
thiết cho chúng ta biết bao, những tác phẩm kí có tên gọi: Kí văn hoá.
Với HPNT “quá khứ là những gì thân thuộc nhất của tâm hồn,... là tài
sản quý báu còn lại sau cùng của đời người, mãi mãi không thay đổi” (Trịnh Công Sơn và cây đàn lia của hoàng tử bé). Sự phát triển tiến hoá của tự nhiên
vốn phải diễn ra từ từ, cần có thời gian và rất thận trọng khôn ngoan, cần một cảm quan thường xuyên tỉnh táo về sự cân bằng và mức độ. Làm sao biến đổi mà không chối bỏ chính mình đó là điều trăn trở một đời của người cầm bút như ông. Quá khứ và hiện tại bên cạnh việc nhìn nhận theo dòng chảy tuyến
tính HPNT còn cảm nhận trong chiều sâu tâm thức, trong “chiều sâu của văn
hoá tâm linh” (ý của TS. Ngô Minh Hiền). Trí tuệ phương Đông xưa nay
hướng về chiêm nghiệm nhiều hơn là hành động cũng dễ hiểu trong kí của HPNT luôn có tính chất suy nghiệm tư duy hướng nội. Song tư duy phương Tây cũng trỗi dậy trong ông khi đối diện với thực tế, mài giũa ý chí kích thích con người sáng tạo và hành động.
Đặc biệt khi ông đã thấm nhuần tinh thần Đổi mới đang từng ngày diễn ra trong đời sống xã hội kể từ khi đại hội lần thứ VI của Đảng(1986) đã đề ra một số nghị quyết có tính chất đột phá. Nghệ thuật “nhận thức thế giới”, đồng thời “thể nghiệm thế giới” là cách HPNT vẫn thường làm trong kí của mình nên mỗi một chân lý, mỗi một tư tưởng được nói lên trong tác phẩm đều lay động sâu xa và mang một âm hưởng riêng. Sự tự thể nghiệm của nghệ sĩ trước cuộc sống phần nào nói lên vai trò sáng tác của nghệ sĩ.
Chương 3:
MỘT SỐ ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT TRONG BÚT KÍ CỦA HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG