5. Cấu trúc luận văn
3.1. Cái tôi trữ tình tài hoa, lịch lãm, mê đắm
Một đặc điểm quan trọng của kí là sự tham gia góp mặt của cái tôi trong tác phẩm. Cái tôi tác giả trong kí của HPNT xác định rất rõ vai trò của cái tôi xuất hiện như là để xác minh sự thật và tính xác thực của việc miêu tả nên có những lúc cái tôi ấy không ngần ngại trực tiếp xác minh sự việc như thế này: “Tôi hi vọng những người không có dịp chứng kiến khu rừng kia đều
có thể tin cậy những điều tường trình trên đây của tôi, cũng như người ta có thể tin một cách không nhầm lẫn rằng trong lịch sử tự nhiên trái đất của chúng ta vốn đã xanh biếc như vậy” [15, tr.358]. Ở thể loại bút kí, sức hấp
dẫn của tác phẩm không chỉ phụ thuộc vào những ghi chép của tác giả với lượng tri thức phong phú, thông tin mới mẻ mà còn tùy thuộc vào “duyên ngầm” của cái “tôi” nhà văn. Ở thể loại này, HPNT có dịp bộc lộ một cái tôi tự do, phóng khoáng, cái vốn sống, vốn văn hoá đầy ắp, có chiều sâu triết học và giàu bản lĩnh khi nhìn về cuộc sống. HPNT đã kết hợp được những ưu thế vốn có của mình khi viết kí với chất tài hoa, lịch lãm, mê đắm nhạy cảm của người nghệ sĩ mang tâm hồn của nhà thơ đồng nội.
Kí của HPNT đã tiếp nối cái nguồn mạch đã được khơi dòng từ các bậc tiền bối đầu thế kỷ XX như Tản Đà, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Phùng Tất Đắc…Song bạn đọc không thấy ở ông trạng thái cô lẻ, thái độ đối lập, tách biệt với xã hội – tâm thế thường thấy ở một số người viết kí đầu thế kỷ XX. Ý thức công dân tích cực ở HPNT đã khiến cái tôi của ông thực sự hoà đồng với thế giới xung quanh. Minh chứng thực tế cho thấy trước những nghịch lý đời sống, ở Tản Đà hay Phùng Tất Đắc biểu hiện một thái độ phủ định qua giọng văn đầy sự châm biếm, bỡn cợt, ở Nguyễn Tuân là thái độ khinh bạc, thấy đáng tiếc cho sự kém hiểu biết của con người còn ở HPNT lại
thấy nỗi đau xót, ông trực tiếp bày tỏ sự bức xúc, cảnh báo, kêu gọi con người hành động trước khi quá muộn để vươn tới cái hoàn thiện, tốt đẹp, đem lại văn minh cho xã hội.
Sự tài hoa của HPNT, trước hết phải nói đến những phát hiện, cách nhìn nhận cuộc sống độc đáo mang phong cách riêng của một cái tôi giàu tri thức về lịch sử, địa lý, văn hóa. Ở những đối tượng tưởng như đã cũ song khi được thể hiện dưới ngòi bút tài hoa của ông lại đem đến một cảm nhận riêng thú vị cho độc giả. Trước HPNT và sau này nhiều nhà văn đã viết nhiều về dòng sông Hương bằng hết cả tâm huyết. Có một “dòng sông thi ca về sông
Hương”, biết bao văn nhân, thi sĩ đã từng rung động với dòng sông Hương
như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tản Đà, Tố Hữu… dòng sông ấy không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ và cũng chỉ một lần xuất hiện duy nhất đầy ý nghĩa trong sáng tác của họ khi chớp được cái thần của dòng sông mà không thể bắt gặp lại lần thứ hai trong đời. Cho nên các nghệ sĩ có gắng diễn tả lưu giữ phút giây ấy trong trang văn thơ của mình và cũng dễ hiểu vì sao khi viết về dòng sông ấy bao giờ cũng hay cũng đẹp, thơ mộng mà hùng vĩ đúng như bản chất vốn có của nó. Cao Bá Quát đã từng nhìn sông Hương với vẻ đẹp hùng vĩ: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”. Tản
Đà nhìn dòng sông dưới con mắt của hoạ sĩ với phát hiện chợt đến “dòng sông trắng, lá cây xanh”. Hàn Mặc Tử thì lại sông Hương đẹp lấp lánh huyền
ảo dưới ánh trăng: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối
nay”. Thu Bồn nhìn dòng nước lững lờ của sông Hương mà bâng khuâng “con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Dương Phước Thu trong kí của mình cũng đưa tới bạn độc đôi điều thú
vị về cảnh sắc Huế “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng
đục mưa trong”… Điều gây bất ngờ nhất cho bạn đọc là viết về một dòng
sông ngỡ như quá quen đáng lẽ không còn gì để khai thác song ta sẽ cảm thấy ngỡ ngàng thấy có nhiều điều chưa biết về sông Hương khi đọc những trang
kí tài hoa của HPNT. Sông Hương hiện ra độc đáo và đầy đủ nhất trong kí của HPNT với những vẻ đẹp độc đáo, tinh tế góp phần làm cho Huế trở nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình mang đậm dấu ấn văn hoá vùng miền. Chỉ nói riêng về thủy trình của dòng sông Hương từ thượng nguồn đổ về xuôi rồi đi ra biển, ta có thể thấy nhà văn đã thấu hiểu khá sâu sắc tường tận về sông Hương: Ở thượng nguồn, sông Hương là “bản trường ca của rừng già”, là “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại” [15, tr.316], là “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” [15, tr.317]. Khi rời vùng núi để về đồng bằng,
con sông hiện lên giống như “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức” [15,
tr.317]. Chảy giữa lòng thành phố yêu thương sông Hương là “điệu slow tình
cảm dành riêng cho Huế” [15, tr.319], là “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya” [15, tr.320], để rồi trước khi chia tay “người tình mà nó mong đợi” ở “thị trấn Bao Vinh xưa cổ” sông Hương giống như nàng Kiều trở về tìm Kim
Trọng để nói một lời thề trước khi đi xa...Hơn thế, sông Hương còn được nhìn nhận là dòng sông lịch sử, văn hoá, thơ ca, nghệ thuật. Nó đã là một phần trong đời sống tâm linh của người Huế trầm mặc, sâu sắc. Sự tài hoa của cái tôi tác giả còn thể hiện rõ trên từng câu chữ. Ở đây, dường như có bao nhiêu góc nhìn, điểm nhìn về sự vật thì có bấy nhiêu kiểu chữ nghĩa được huy động để đặc tả hết sức tinh tế và ấn tượng toát lên được nét thần thái của sông Hương. Kho ngôn ngữ giàu có kết hợp với sự tài hoa lịch lãm của cái tôi tác giả làm cho thỏa mãn mọi ý đồ, gọi được tên, bản chất của sự vật dù ở tình thế khó diễn đạt nhất.
Có thể nói tinh thần Huế, tính cách Huế đầy ắp trong con người ông. Những suy ngẫm, cách cảm nhận về cuộc sống trên trang kí của HPNT đều được phản chiếu qua một tâm hồn rất Huế mà bản chất người Huế là “một nhà thơ đồng nội hơn là một cư dân đô thị”;“cảm nhận trực giác hơn bằng lí tính, tâm hồn Huế thơ hơn là thực”[16, tr.28]. Chính vì thế trong kí của
HPNT luôn phảng phất cái dịu dàng lịch lãm, rất Huế. Cái tôi tác giả luôn có cái mê đắm, lãng mạn của nhà thơ đồng nội. Nhưng như thế không phải hiện thực bị mất đi tính chân thực vốn có của nó, trong kí của HPNT hiện thực đời sống được cảm nhận bằng tâm hồn mê đắm và qua ngôn ngữ lóng lánh chất thơ mamg âm hưởng Huế đã tạo nên nét riêng độc đáo trong sáng tác của ông. Từ trước nhắc đến kí người ta thường đặt tiêu chí thông tin, tính chân thực lên hàng đầu và chưa quan tâm nhiều đến yếu tố cảm xúc, ngôn ngữ có tính hình ảnh. HPNT đã mở rộng địa hạt khả năng thể hiện của kí. Thể loại chuyên ghi chép các sự kiện sôi bỏng, có thực này qua ngòi bút HPNT vừa trí tuệ lại thấm đẫm chất trữ tình, là những rung động rất thơ và chấp nhận cả hư cấu. Đó là cái tôi biết kết hợp tư duy lôgic với tư duy hình tượng khi khám phá thế giới, “Trong nghệ thuật, chẳng ai đòi một bức ảnh chụp làm chứng minh thư, mà đòi hỏi một bức chân dung sáng tạo thông qua ấn tượng của người nghệ sĩ” [93].
Mỗi nhà văn là một nhà tư tưởng, họ góp phần vẽ nên bức chân dung của thời đại mình. Muốn làm được điều đó, nhà văn phải có chính kiến rạch ròi, bản lĩnh sống và bút lực mạnh mẽ để chuyển tải chính kiến của mình đến người đọc. Cái tôi tài hoa, lịch lãm, mê đắm, bằng tri thức giàu có uyên thâm và nội lực cảm thụ thế giới tinh tế nhạy cảm đã giúp HPNT bộc lộ bản lĩnh văn hóa chính trị trên trang kí của mình. Lập trường tiên quyết và cảm hứng xuyên suốt mọi trang viết là tình yêu Tổ quốc và nhân dân cháy bỏng, là sự dấn thân đấu tranh để xây dựng một nền dân chủ và nhân văn cao cả. Ông vận dụng có sáng tạo nhiều hình thức thể hiện mà vẫn đảm bảo tính xác thực của đối tượng và chủ động đưa ra những phân tích, kiến giải riêng rất sắc sảo thiết thực mang đậm dấu ấn chủ quan. Đó còn là cái tôi dũng cảm đầy bản lĩnh khi mạnh dạn đề nghị ghi nhận công lao to lớn của một số vua chúa Nguyễn bằng cách đặt tên các đường phố của thành phố mà chính họ đã có công khai mở và dựng xây. Những bài nhàn đàm vốn được HPNT coi là chuyện phiếm trong cuộc “trà dư tửu hậu” lại đặt ra được những vấn đề lớn, có ý nghĩa trong đời
sống. Còn trong bút ký, ông đã phát hiện ra nhiều khía cạnh đời sống mang giá trị nghệ thuật mới mẻ, mỗi trang viết là những bức tranh muôn màu của cuộc sống ở đó ông điểm tô thêm nét tươi sáng bằng những giá trị thấm đẫm tính nhân văn.
Nếu như cái tôi trữ tình của Nguyễn Tuân thiên về hướng ngoại, thì cái tôi của HPNT thiên về hướng nội, đằm sâu trong những cảm xúc suy tư. Nếu đọc trong thơ HPNT ta bắt gặp một cái tôi trầm lặng trong nỗi buồn đơn độc, thì cái tôi trong kí của ông lại khác, ta đối diện với một cái tôi mang phong vị Thiền trầm tư về lẽ đời, lẽ người trong niềm yêu mến thiết tha quê hương đất nước mình. Đọc ký của HPNT, người đọc lúc nào cũng tưởng tượng rằng, có một người nghệ sĩ, một kẻ lãng du, mơ màng giữa khói và mây, "giữa không gian mù sương giăng đầy tơ trời của mùa thu"; trong cái tím ngát của buổi
chiều, hoặc giữa đêm khuya, khi "những cây ngọc lan nhả vào không trung một mùi hương sâu thẳm và bí ẩn"…chính vì thế đã tạo nên nét riêng độc đáo
trong kí của HPNT. Ông đã dành hết tình cảm của mình, thậm chí tâm huyết của một đời văn để say sưa khám phá và miêu tả vẻ đẹp của mỗi dòng sông, mỗi con đường, vùng miền nơi ông đặt dấu chân qua. HPNT không ngần ngại bày tỏ trực tiếp cảm xúc của mình với thứ tình cảm mê đắm, da diết, ngấm sâu, bền lâu.